Tăng trưởng bền vững

Nam Việt 22/01/2016 09:25

Gần đây, nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế tiếp tục đưa ra những nhận xét, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2016. Với nhiều dự báo khả quan, các ý kiến cho rằng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là yếu tố cực kỳ quan trọng bảo đảm sự tăng trưởng ở mức cao và bền vững. Tuy nhiên, dẫu thế thì phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Cần phát huy thế mạnh các loại hàng hóa lĩnh vực nông lâm thủy sản
khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Nhận xét của Hãng tin Bloomberg, kinh tế Việt Nam sẽ là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu năm 2016 và 2017. Theo Bloomberg, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 có khả năng đạt 7%, trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là 6,8%. Hãng tin này cũng nhận xét, kinh tế thế giới năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn dự đoán trước đó (tháng 10/2015), trong đó yếu tố Nga, Brazil và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sở dĩ Blooberg đưa ra dự báo tăng trưởng cao cho kinh tế Việt Nam năm 2016-2017 còn dựa trên việc nghiên cứu nhu cầu nội địa tăng và luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bùng nổ, “điều đó giúp Việt Nam kháng cự với những rủi ro toàn cầu đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu và phá giá nội tệ”.

Khi bàn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, trong một báo cáo đưa ra mới đây, Ngân hàng ANZ cũng cho rằng đây sẽ là một năm đầy sáng lạn. Tuy nhiên, viễn cảnh dài hạn sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi những chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước sắp tới- ANZ nhận xét đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt. “Điều này sẽ tăng cường sự ổn định vĩ mô và giúp giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối”- theo ANZ. Sức mạnh nội tại của nền kinh tế cũng biểu hiện qua việc tiêu dùng cá nhân năm 2015 tăng 9,3%; vốn FDI giải ngân tăng 17,4% so với năm 2014 lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, kinh tế vĩ mô ổn định chính là nhân tố để kinh tế Việt Nam phát triển tốt. Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam đặt mục tiêu nâng GDP đầu người lên 3.200-3.500 USD vào năm 2020 so với bình quân 2.171 USD năm 2015 (ước tính của IMF). Vẫn theo IMF, lạm phát sẽ được duy trì ở mức dưới 5% và thâm hụt ngân sách được kiểm soát dưới 4% GDP, điều đó cho thấy nền kinh tế phát triển một cách chắc chắn.

Tương tự, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam cũng đưa ra những nhận xét khả quan. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam cho rằng, năm 2016, nếu Việt Nam tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8-7%. Như vậy lần đầu tiên kể từ khi đổi mới đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt qua Trung Quốc (dự báo tăng trưởng 6,4%). Theo ông Hirotaka Yasuzumi- Giám đốc điều hành JETRO, Nhật Bản tại TP.HCM thì nhìn ra khu vực ASEAN, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư trực tiếp.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, bộc lộ sự thiếu ổn định, bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chính sách “Trung Quốc +1” nhằm giảm thiểu rủi ro thì Việt Nam đang là sự ưu tiên hàng đầu vượt qua cả Indonesia, Philippines... Còn theo ông Han Dong Hee- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại TP.HCM) thì năm 2016 kinh tế Việt Nam dự đoán vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh doViệt Nam sẽ mở cửa rộng hơn ra bên ngoài nhờ vào các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực hay đang đàm phán. “Chính sách tích cực đó khó tìm thấy tại các nước ASEAN khác và nhờ đó giúp tăng thu hút đầu tư”- ông Han nhận xét.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn đang còn ở phía trước, bởi lẽ không có sự thành công nào dễ dàng cũng như sự biến động của kinh tế thế giới năm 2016 được coi là khó đoán định. Nói như ông Nguyễn Xuân Thành thì cần nhìn nhận rõ hơn việc nợ xấu trong hệ thống ngân hàng như một rủi ro phải giải quyết. Tiếp đó, thị trường bất động sản cũng vẫn phải tái cấu trúc, những doanh nghiệp bất động sản yếu kém đã bị đào thải khỏi thị trường và điều quan trọng hơn là nhà đầu tư phải “xoay trục” để định vị vào phân khúc thị trường có nhu cầu thật sự.

Việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương là đúng đắn, tuy nhiên trong ngắn hạn vẫn không tránh khỏi những yếu tố rủi ro. Đó là sức cạnh tranh hàng hóa chưa mạnh, cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài, nên việc “thua trên sân nhà” ở một số mặt hàng là điều cần tính đến và có giải pháp cho trung hạn và dài hạn. Ngay cả một số mặt hàng nông sản vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam trong tư cách là một quốc gia nông nghiệp cũng cần hạ giá để giữ thị trường. Nhưng điều đó không thể tiến hành trong một sớm một chiều, mà cần có “độ trễ” thời gian. Tuy nhiên, chính “độ trễ” ấy lại tạo ra giai đoạn khó khăn cho doanh nghiệp, người sản xuất.

Riêng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP, khi trở thành hiện thực thì Việt Nam vẫn được coi là đối tác “yếu thế’ trong 12 quốc gia tham gia Hiệp định. Điều này cho thấy rất cần sự nỗ lực to lớn, nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ để nâng dần nội lực đồng thời gấp rút gia tăng sức cạnh tranh. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, khi tham gia các hiệp định thương mại, cần cảnh giác và chủ động trước những cuộc chiến pháp lý, khi các quốc gia lập nên những hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng hóa trong nước. Mà điều đó Việt Nam được coi là thiếu kinh nghiệm.

Tay nghề và năng suất lao động cũng là vấn đề cần được chú trọng, khi mà nhiều ngành nghề đòi hỏi kĩ thuật cao thì Việt Nam thiếu nhân lực; đồng thời năng suất lao động thuộc hạng thấp trong khu vực. Chính điều đó sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi lại tự hạ bậc cạnh tranh.

Như vậy, nhìn cả hai chiều: lạc quan và thách thức, có thể nhận thấy một điều trong năm 2016 nền kinh tế đất nước có nhiều cơ hội tăng tốc phát triển nhưng trong trung và dài hạn vẫn cần những giải pháp căn cơ và thực sự chủ động, nếu không muốn bị tụt hậu hay là “thua trên sân nhà”.

Nam Việt