Mổ đẻ thành công mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam
7h15 phút sáng nay, 22/1, tại BV Phụ sản Trung ương, ca mổ sinh con do mang thai hộ đầu tiên 38 tuần ở Việt Nam được GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp thực hiện. Khoảng vài phút ngay sau đó, một bé gái rất kháu khỉnh cân nặng 3,6 kg đã ra đời.
Bé gái nặng 3,6 kg ra đời trong sự chờ mong của mọi người.
Có mặt tại BV này từ nhiều chục phút trước đó, phóng viên Đại Đoàn Kết Online được chứng kiến không khí rất rộn ràng, tất bật của các bác sĩ, điều dưỡng, vì một ca mổ “rất đặc biệt” này, theo như họ cảm nhận. Đích thân Giám đốc BV, PGS.TS Vũ Bá Quyết đến kiểm tra và cho hay mọi việc đã rất sẵn sàng. Sản phụ (xin được giấu tên) cho phóng viên biết sức khỏe bà rất tốt, vui vẻ tuy có chút lo lắng.
7h12, đã thấy bóng GS Nguyễn Viết Tiến bước vào phòng mổ trong trang phục bác sĩ thường thấy. Ông lướt nhanh căn phòng mổ D trên tầng 4 nhà G của BV rồi tỏ ý rất hài lòng về sự chuẩn bị của đồng nghiệp rồi bắt tay ngay vào công việc của mình.
Đúng 7h15, những đường dao mổ điêu luyện của ông bắt đầu chạm vào sản phụ. Chỉ vài phút sau đó, một hài nhi bé bỏng đỏ hỏn, dễ thương được lấy ra từ bụng người mẹ thứ hai này của bé trong những tiếng reo khe khẽ, âu yếm của mọi người: “Bé gái nhé! Dễ thương quá!”. Ngay lập tức cháu bé được các bác sĩ, điều dưỡng truyền tay bé ẵm sang phòng cân bên, cân nặng được 3,6 kg.
Đích thân GS Nguyễn Viết Tiến bế đứa trẻ trao tận tay cho bố mẹ đẻ của cháu trong niềm hân hoan của rất nhiều thầy thuốc, phóng viên. Trước ống kính của nhiều máy quay, máy ảnh chớp liên hồi, chị T.T.D., mẹ đẻ cháu bé nghẹn lời cảm ơn GS Nguyễn Viết Tiến, cảm ơn các bác sĩ đã đem lại cơ hội vô cùng hạnh phúc cho chị và gia đình. Những dòng nước mắt đã tuôn trào không chỉ từ những người cha, người mẹ này mà từ rất nhiều người khác hôm nay ở đây.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến hạnh phúc bế trên tay bé gái đầu tiên ra đời
bằng phương pháp mang thai hộ.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, GS.TS Nguyễn Viết Tiến bày tỏ rất mừng vì được tham gia ca mổ đẻ này. Ông cho biết, đứa trẻ sinh ra trong hạnh phúc vô bờ bến của cặp vợ chồng hiếm muộn sau 18 năm chung sống với nhau. Sức khỏe người đàn bà mang thai hộ sau khi được mổ đẻ cũng rất tốt và đang hồi phục.
Nếu những trường hợp như thế này không cho phép thực hiện mang thai hộ thì, theo ông, ngoài giải pháp xin con nuôi ra, họ không bao giờ có bất kỳ đứa con nào khác, nhất là con đẻ từ chính tinh trùng của chồng và noãn của vợ vì người vợ ở ca này không có tử cung dù hai buồng trứng người vợ và quan hệ sinh lý của họ vẫn bình thường.
Nhân đây, ông cho biết thêm: Thực hiện Luật sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình cho phép mang thai hộ, Bộ Y tế rất thận trọng cho đến nay mới chỉ định 3 Trung tâm có nhiều kinh nghiệm được phép thực hiện mang thai hộ, trong đó có BV Phụ sản Trung ương và BV Từ Dũ.
Theo ông, cũng nên sửa đổi tiếp bộ luật này chỉ cho phép thực hiện mang thai hộ đối với những cặp vợ chồng nào chưa có con. Vì nếu sinh thêm đứa con nữa mà không được như mong muốn, chẳng hạn tật nguyền sẽ gây khó xử cho gia đình họ và xã hội. Lúc đầu ông Tiến nghĩ những trường hợp này khó thành công nhưng cuối cùng mọi sự đã tốt đẹp. Theo GS, tỷ lệ thành công trong những trường hợp này sẽ đạt từ 60-70%.
GS Nguyễn Viết Tiến gửi thông điệp đến các bệnh nhân cần tin tưởng các bác sĩ nhưng đừng thấy từ những thành công này mà lạm dụng, mà sao nhãng những biện pháp sinh con khác nếu có thể.
“Chỉ khi không thể thực hiện được các biện pháp khác mới áp dụng biện pháp mang thai hộ”, ông nhấn mạnh.
Trong mang thai hộ, vấn đề khó khăn nhất, theo GS Tiến là luật có cho phép hay không chứ còn vấn đề kỹ thuật thì “nó không làm chúng tôi lúng túng”. Các bác sĩ đã có thể giải quyết được vấn đề này từ nhiều năm nay mặc dù nó khó hơn nhiều so với các kỹ thuật khác - ông Tiến nhấn mạnh.
Đánh giá việc chấp thuận mang thai hộ của những bà mẹ, ông Tiến cho rằng đó là những người rất tình cảm và dũng cảm. Ông khuyên nếu họ có thực hiện nên đến các Trung tâm lớn, những BV lớn vì ở đó các bác sĩ mới có điều kiện xử lý những tai biến nếu xảy ra.