Hiệp ước Schengen sắp bị hủy hoại vì khủng hoảng di cư?

Khánh Duy 23/01/2016 09:30

Pháp hôm 22/1 đã cảnh báo rằng châu Âu không thể tiếp nhận tất cả những người tị nạn đến từ các khu vực có chiến sự ở Iraq và Syria, và rằng cuộc khủng hoảng di cư đang đặt chính lục địa này vào tình thế nguy hiểm, đặc biệt là Hiệp ước Schengen.

Hiệp ước Schengen sắp bị hủy hoại vì khủng hoảng di cư?

Người di cư liên tục di chuyển qua các nước châu Âu với
mong muốn tìm kiếm việc làm (Nguồn: EPA).

Phát biểu trước báo giới bên lề diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức đại Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Pháp Emanuel Valls nói rằng châu Âu cần phải có hành động khẩn cấp để kiểm soát các khu vực biên giới của mình, bằng không xã hội châu Âu sẽ hoàn toàn trở nên bất ổn.

Khi được hỏi về vấn đề kiểm soát biên giới bên trong châu Âu, điều mà nhiều lo ngại rằng sẽ phá vỡ Hiệp ước tự do đi lại Schengen, ông Valls nói rằng châu Âu đang trong tình thế nguy hiểm. “Nếu châu Âu không đủ khả năng bảo vệ biên giới của chính mình, ngay cả khái niệm về nó cũng sẽ bị hoài nghi”, ông Valls nói.

Cuộc khủng hoảng di cư đã trở thành một đề tài xuyên suốt trong mấy ngày ở hội nghị ở Davos. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng nói rằng châu Âu đã sắp tới điểm cực hạn và cần phải có phương án chung, bằng không thì các nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị phá vỡ.

Ông Rutte cho hay, chỉ trong 2 tuần lễ đầu năm 2016, đã có 35.000 người băng qua biên giới các nước EU và con số này sẽ tăng lên ngay khi mùa xuân tới. “Chúng tôi không thể đương đầu nổi với số lượng người như vậy thêm nữa. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này”, ông Rutte nói.

Ông Rutte còn nói rằng, trước khi hiệp ước Schengen bị phá vỡ, EU cần phải thực thi ngay hiệp định Dublin - trong đó người di cư cần phải tìm kiếm diện tị nạn ngay tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đến.

Thủ tướng Pháp trong những ngày gần đây liên tục đưa ra thông điệp rằng châu Âu không thể tiếp nhận tất cả người tị nạn. Không giống như Đức, Pháp không mở cửa đối với phần lớn người di cư chạy trốn sang châu Âu. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng đất nước ông sẽ chỉ tiếp nhận 24.000 người tị nạn trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2017.

Trong khi đó, dư luận Pháp cũng bị tách làm hai hướng, với một bên ủng hộ và mọt bên phản đối việc tiếp nhận người di cư.

Nước Áo trong hôm thứ Tư vừa qua cũng cho biết đã lên kế hoạch hạn chế số lượng người di cư được tiếp nhận ở mức tương đương 1,5% dân số của họ trong vòng 4 năm tới. Còn trong năm 2016, chính phủ nước này cho hay số lượng mà họ sẽ tiếp nhận là 37.500 người.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble thì nói rằng ông không muốn dự tính xem liệu nước này có thể tiếp nhận số lượng người di cư tương tự như năm ngoái (1 triệu người) hay không, tuy nhiên nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải chuẩn bị số quỹ lên tới hàng tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Theo ông Jim Yong Kim, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), nói rằng cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng trở nên nguy kịch hơn, khiến cho họ phải xem xét lại các biện pháp ứng phó hợp lý để có thể thực hiện công tác hỗ trợ nhân đạo cho người di cư trong thời gian tới.

Phát biểu tại Davos, ông Kim nói rằng ngân sách dành cho người tị nạn ngày càng đội lên cao hơn, và cần một hướng tiếp cận mới. “Người di cư đáng lẽ không nên di chuyển nhiều, nhưng họ buộc phải làm vậy do muốn kiếm công ăn việc làm. Thế nên chúng ta cần phải có biện pháp để người di cư có thể an cư lạc nghiệp ở một nước duy nhất”, ông Kim nói.

Theo giới chuyên gia phân tích, EU cần dồn thêm nguồn tài chính cho ba nước đang phải chật vật bảo trợ nhiều người tị nạn là Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Các nước EU, đặc biệt là Đức, cũng phải tăng cường năng lực tiếp nhận người nhập cư và giúp họ hòa nhập với nơi cư trú mới.

Khánh Duy