Hàng kém chất lượng ùn ùn về chợ
Gần Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa cao hơn ngày thường song bất cập hiện nay là hàng giả, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang ùn ùn “đổ bộ” về các chợ tự phát. Nguy cơ rõ ràng người dân đang mua phải hàng kém chất lượng nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng.
Người lao động mua thực phẩm tại các chợ tự phát (Ảnh: S.Xanh).
Những ngày gần đây hàng hóa như quần áo, túi xách, giày dép, thực phẩm chế biến, đồ tiêu dùng… về các chợ tự phát trong khu công nghiệp tại TP. HCM khá nhiều. Tại các chợ tự phát “mọc lên như nấm sau mưa” quanh các công ty sản xuất. Khoảng 16 giờ chiều hàng ngày, hàng hóa chất đầy trong quang gánh, xe đẩy, xe kéo…không hẹn mà gặp tụ tập đông đủ trước - sau công ty Pouchen (khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân). Không khí tại đây trở nên nhộn nhịp hơn.
Không thua kém các khu chế xuất - khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố, hàng hóa đủ các loại cũng được bày bán tràn lan tại 16 chợ tự phát trong Khu chế xuất Linh Trung, Linh Xuân,… (quận Thủ Đức). Được biết, vài ngày trở lại đây chợ tự phát trong khu công nghiệp “lây lan” nhanh chóng, rất nhiều con đường phải gồng gánh đón nhận một lượng lớn “tiểu thương di động”.
Bà Nguyễn Thị Tư (quê Quảng Ngãi) – người có thâm niên làm nghề buôn bán tại Khu chế xuất Linh Trung cho hay: “Gần Tết nhu cầu mua sắm của người lao động cao hơn ngày thường. Tôi đã tăng lượng hàng và mẫu mã nhằm thu hút công nhân. Công nhân đâu cần đi đâu xa mua cho đắt đỏ, quần áo ở đây vừa đẹp, vừa rẻ”.
Nói về nguồn gốc mặt hàng quần áo của cả người lớn lẫn trẻ em bà Tư chia sẻ, mặc dù bán quần áo di động nhiều năm nhưng tôi cũng không biết nguồn gốc hàng hóa mình từ đâu ra. Thường thì đến một số địa chỉ chuyên cung cấp quần áo đổ đống sỉ, lẻ rồi lựa chọn và mua, sau đó đưa hàng tới các khu công nghiệp bán cho công nhân.
Khi được hỏi về chất lượng hàng hóa tại các chợ tự phát trong khu chế xuất - khu công nghiệp hầu hết công nhân đều than vãn theo kiểu, tiền nào của đó. Hàng hóa cung cấp cho công nhân thường là hàng dởm, không chất lượng, không xuất xứ, giá rẻ bèo. Quần áo, giày dép không rõ địa chỉ nơi may giáp, hàng gia dụng thì toàn hàng Trung Quốc, thực phẩm tươi sống đa phần làng ế từ buổi sáng…
Chị Phan Nguyệt Thu (công nhân may khu chế xuất Linh Xuân) than thở: “Tìm các cửa hàng tiện ích trong khu chế xuất như “mò kim đáy biển”. Cơ quan chức năng và chính quyền sớm hỗ trợ để công nhân thuận tiện hơn trong mua sắm cũng như tiếp cận được hàng hóa đảm bảo chất lượng. Hàng hóa tại các khu chế xuất - khu công nghiệp hiện nay đa phần công nhân vừa dùng, vừa lo”.
Trước thực trạng chất lượng hàng hóa Tết ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho hay, quận đang lên kế hoạch Tết sẽ triển khai đồng loạt một số chương trình bán hàng cho người dân và học sinh sinh viên. Đồng thời kiểm soát chặt các điểm tự phát để biết được ai đang kinh doanh và quy định rõ thời gian kinh doanh từ mấy giờ đến mấy giờ.
Cũng theo ông Chiến, địa bàn quận Thủ Đức có đến 50% người dân nhập cư cùng với 2 khu công nghiệp, trường đại học, vì vậy việc cung ứng hàng hóa bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Sắp tới quận sẽ chủ động kết nối với hệ thống siêu thị nhằm phân phối hàng hóa đến tận nơi cho người lao động.
Ước tính hiện nay thành phố có gần 300 ngàn công nhân. Do lượng công nhân nhiều nên nhu cầu mua sắm không ít. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM thông tin, Sở đang ưu tiên để quận – huyện, doanh nghiệp tập trung bán hàng lưu động tại vùng sâu vùng xa, ngoại thành và các khu công nghiệp. Theo kế hoạch sẽ có khoảng16 địa điểm và trên 300 chuyến hàng.
Trong đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP HCM phối hợp với Sở Công thương tổ chức 40 đợt bán hàng lưu động phục vụ công nhân tại các khu, chú trọng bổ sung các mặt hàng phục vụ Tết cho công nhân… Đặc biệt, Sở đang chỉ đạo đơn vị tham gia bán hàng lưu động phải lựa chọn và có quy cách đóng gói nhiều mức khác nhau với giá vừa phải, phù hợp sức mua tại đây.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm, tính đến thời điểm này hàng Tết tăng nguồn cung gấp 2 – 3 lần so với các tháng bình thường. Thành phố sẽ tăng cường thời gian phục vụ trước, trong và sau Tết, kiểm tra lại đảm bảo bình ổn giá cả trong 2 tháng trước và sau Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, Sở ưu tiên để quận – huyện, doanh nghiệp tập trung bán hàng lưu động tại vùng sâu vùng xa, ngoại thành và các khu công nghiệp. Theo kế hoạch sẽ có khoảng16 địa điểm và trên 300 chuyến hàng. Trong đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP HCM phối hợp với Sở Công thương tổ chức 40 đợt bán hàng lưu động phục vụ công nhân tại các khu, chú trọng bổ sung các mặt hàng phục vụ Tết cho công nhân… |