Chia tay HLV Miura, rồi sao nữa?
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định chưa bàn gì về vấn đề chấm dứt hợp đồng với HLV Miura ở thời điểm này, nhưng có lẽ việc nói lời chia tay với ông thầy người Nhật Bản chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản thân ông Miura cũng không còn nhiều động lực để tiếp tục công việc của mình.
HLV Miura.
Ông thầy bảo thủ
Hành trình của đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng chung kết đã chính thức khép lại. Sau 3 trận tại bảng D, U23 Việt Nam đều thua. Đây có thể là giải đấu cuối cùng HLV Miura, bởi VFF đang chịu áp lực rất lớn phải chấm dứt hợp đồng với ông thầy người Nhật Bản, trong khi ông Miura cũng chẳng còn mặn mà gì với bóng đá Việt Nam.
Thực sự trong thời gian đầu ông Miura tới cầm quân tại Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn và được nhiều người ngưỡng mộ. Chúng ta có những thành tích rất tốt như tại ASIAD hay trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 trên sân của Malaysia, còn đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu vào tới vòng chung kết châu Á. HLV Miura từng mang đến niềm vui vì người hâm mộ Việt Nam thích cách chơi của bóng đá Nhật Bản.
Một sự khởi đầu tốt đi cùng với những kỳ vọng, thế nhưng, càng ngày ông Miura càng làm cho người hâm mộ cảm thấy thất vọng. Trái ngược mong muốn mang đến thứ bóng đá Nhật Bản phù hợp với thể hình cũng như sự khéo léo thông minh của người Việt Nam, thì ông Miura lại mang tới một thứ bóng đá nặng về tính thực dụng, thiên về tập trung những cầu thủ có sức mạnh, chơi quyết liệt, thậm chí quá mức cần thiết. Lối chơi ấy rất tiêu cực, không để lại bản sắc, dấu ấn gì về chiến thuật.
Giới chuyên môn trong nước lên tiếng chỉ trích HLV Miura đã bỏ phí một tài nguyên rất lớn của bóng đá Việt Nam là các cầu thủ của Học viện HA Gia Lai. Nhìn cả hành trình gần 2 năm qua, cách cầm quân của HLV Miura rõ ràng thấy cái gì đó không phù hợp với bóng đá Việt Nam, không tận dụng những thế mạnh chúng ta đang có.
Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, ông Miura là người “cực bảo thủ”, cái bảo thủ này là do VFF đã không có sự quan tâm, bỏ mặc phó mặc với nhà cầm quân người Nhật Bản. “Các đội tuyển tập trung có thắng có thua nhưng chúng ta nhìn thấy đội tuyển dưới thời HLV Miura không có bản sắc. Trong khi đó có một lứa tài năng thì lại bỏ phí. HLV Miura đưa ra những vấn đề rất mới, đẩy khối lượng rất nặng, áp đặt chung cho tất cả các cầu thủ, dù cầu thủ đó từ CLB hạng Nhất, đội trẻ... dẫn đến chấn thương.
Văn hóa của HLV Miura là người cực bảo thủ. Ông Miura tuyên bố không nghe ai, không quan tâm tới ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn, người hâm mộ nói gì. Triết lý của HLV Miura đưa ra cứ thế mà làm”, ông Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh.
Ừ thì chia tay!
Nội bộ VFF đang có những bất động mạnh với trường hợp của HLV Miura. Ban đầu đa số các lãnh đạo VFF đều ủng hộ tiếp tục đặt niềm tin vào ông thầy người Nhật Bản, nhưng càng ngày càng ít người đứng bên cạnh ông Miura. Trở về từ Qatar, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh khẳng định VFF sẽ chưa sa thải ông Miura lúc này, nhưng lại “cài” thêm câu: “Sắp tới thường trực VFF sẽ có quyết định”.
VFF rõ ràng là đang chịu áp lực rất khủng khiếp từ báo chí, giới chuyên môn và dư luận. Đặc biệt, trong chính ngôi nhà VFF, đích thân Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã nhiều lần đăng đàn đề nghị phải sa thải ông Miura ngay lập tức.
Trong khi VFF dường như đã chuẩn bị cho cuộc chia tay HLV Miura, thì một đồng hương của ông Miura bật mí, ông thầy này từng đề nghị tìm bến đỗ mới từ cách nay vài tháng do không chịu được áp lực quá khủng khiếp của chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam. Như vậy là giữa VFF, HLV Miura, người hâm mộ Việt Nam đều đang có một điểm chung là nên chia tay nhau thì hơn.
Dĩ nhiên, dù không chấm dứt hợp đồng sớm thì bản hợp đồng của ông Miura cũng chỉ kéo dài tới tháng 4 tới. Điều quan trọng là cách ứng xử của các bên khi tuyên bố “dứt tình”.
Ông Miura là người làm thuê, nên chắc chắn sẽ có sự tính toán thiệt hơn. Dù sao thì khi bị chấm dứt hợp đồng ông thầy người Nhật Bản sẽ nhận được ít nhiều tiền bồi thường. Nhưng cũng rất có thể vì danh dự, vì quá chán nản với bóng đá Việt Nam mà ông Miura đưa ra lời chia tay trước.
Còn VFF, cái khó nằm ở chuyện ầm ĩ trong nhà, chứ không phải tế nhị với ông Miura. Nói cách khác, sa thải ông Miura quá đơn giản, nhưng như vậy thì những người mời ông thầy này về chẳng khác nào tự thừa nhận sai lầm. Hóc búa nhất là bài toán chịu trách nhiệm cá nhân hay tập thể.
Việc VFF nói lời chia tay với HLV Miura như một tất yếu. VFF có thể sa thải HLV Miura bất cứ lúc nào, nhưng ai sẽ là người sa thải VFF, sa thải bộ máy đang hoạt động kém hiệu quả?
Như vậy, bản chất của nền bóng đá Việt Nam không phải chỉ là từ một ông thầy, mà là từ thượng tầng. Nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải, cả 5 lãnh đạo VFF hiện nay không ai là dân bóng đá. Những người quan trọng nhất của VFF, có tiếng nói quyết định nhất đến chuyên môn thì họ lại không có chuyên môn. Những người không có chuyên môn lại không tập hợp các ý kiến của chuyên gia giỏi.
“Trong thời gian qua ban lãnh đạo VFF bị chỉ trích rất nhiều, thậm chí ông Chủ tịch VFF bị ốm không tham gia điều hành, còn ông Phó Chủ tịch thì chủ yếu hoạt động quốc tế. Nội bộ VFF cũng có những mâu thuẫn nặng nề. Tôi nghĩ rằng muốn bóng đá Việt Nam phát triển, bộ mặt đội tuyển thay đổi, trước tiên chúng ta phải chấn chỉnh lại bộ phận lãnh đạo trước”, ông Hải nhấn mạnh.