5 dòng tranh dân gian hội tụ
Lần đầu tiên 5 dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam cùng hội tụ về Thủ đô, trong triển lãm “Nét Xuân 2016 – Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội), từ 29/1.
Từ trái qua, tranh Hàng Trống, Đông Hồ và Tranh Kính (Ảnh: Lê Bích).
5 dòng tranh đó là: Tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống (miền Bắc), tranh làng Sình (miền Trung), tranh Kính (Nam Bộ). Triển lãm do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội tổ chức, sẽ giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hiện vật mộc bản, tranh vẽ tiêu biểu của các dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam trải dài theo chiều dài đất nước từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Tây Nam Bộ.
Đây là một cuộc trưng bày trang trọng, nhằm tôn vinh những di sản văn hóa cha ông đã để lại. Đặc biệt, trong triển lãm lần này cũng còn công bố bản khắc phục dựng tranh Kim Hoàng vốn đã mai một.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Chủ nhân Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội cho biết, tranh dân gian Việt Nam là một loại hình mỹ thuật cổ truyền có lịch sử rất lâu đời. Đã từng có thời gian phát triển rất mạnh mẽ, ngày nay chúng vẫn còn được lưu giữ trong các gia đình nghệ nhân làm tranh, các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.
Trong suốt 1 năm qua, bà đã cùng các cộng sự tham gia vào dự án đi tới nhiều vùng miền đất nước, đặc biệt là những làng tranh nổi tiếng như Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh)…
Mỗi chuyến đi như thế, không chỉ là dịp tiếp xúc trực tiếp với các nghệ nhân tranh dân gian mà còn có cơ hội trực tiếp nhìn ngắm, sờ tay trên những bản khắc cổ, quý giá được truyền từ đời nọ sang đời kia. Là người làm công tác sưu tập, nhằm bảo tồn những nét văn hóa cha ông để lại, bà Hòa đã may mắn mua được những bản khắc quý, những bộ tranh hiếm thấy trên thị trường…
Quyết định tổ chức trưng bày lần này, bà Thu Hòa mong muốn lan truyền được tình yêu với các làng tranh truyền thống, trong đó, có những dòng tranh đã bị mai một.
“Phần lớn nghệ nhân làm tranh dân gian đều ở độ tuổi ngoài 60, nếu chúng ta không phục hồi nghiên cứu tìm hiểu thì lúc nào đó sẽ mai một như dòng tranh Kim Hoàng. Nếu về làng Kim Hoàng bây giờ, cả làng chỉ còn một cụ ngày bé từng đi bán tranh còn giờ không ai nhớ kỹ thuật làm tranh như thế nào. Đó là điều thật sự đáng tiếc”, bà Hòa nói.