Thi hành án làm khó người dân
Gia đình ông Lê Văn Được và bà Nguyễn Thị Phượng làm ăn tích cóp nhiều năm, mở được một đại lý buôn bán nhỏ tại ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Quá trình buôn bán, nhiều khách hàng mua chịu, quỵt tiền không trả, gia đình phải cầu cứu sự can thiệp của pháp luật. Thế nhưng...
Đại lý kinh doanh buôn bán nhỏ của gia đình ông Được phải đóng cửa.
“Ngâm” thi hành án, đã gần 3 năm
Trong đơn gửi báo Đại Đoàn Kết, gia đình ông Được cho biết, từ năm 2013 đến nay gia đình ông đã phải đưa ra tòa gần 20 trường hợp vay mượn, mua phân bón, thuốc trừ sâu chịu của gia đình có dấu hiệu “quỵt tiền” không trả. TAND hai cấp ở tỉnh Tây Ninh đã đưa ra xét xử dân sự và tuyên án đối với 13 bản án dân sự, trong đó yêu cầu các cá nhân vay mượn tiền phải trả cho gia đình ông Được, với tổng số tiền vào khoảng 2,8 tỷ đồng (kể cả gốc lẫn lãi).
Tuy nhiên, “kể từ khi các quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng có hiệu lực đến nay đã khoảng 3 năm, nhiều bản án vẫn chưa được thi hành khiến gia đình chúng tôi gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Văn Được chia sẻ.
Trong số 13 quyết định thi hành án đã được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng ban hành, ngày 29/9/2013 cơ quan thi hành án có quyết định số 219/QĐ-CCTHA trả lại đơn yêu cầu thi hành án của gia đình ông Lê Văn Được, với lý do các ông Huỳnh Văn Xiềng và bà Trần Thanh Thúy không có tài sản để thi hành án. Tiếp đó, Chi cục này tiếp tục ban hành quyết định số 37/QĐ-CCTHA vào ngày 26/3/2015 trả lại đơn yêu cầu thi hành án của gia đình ông Được, cũng với lý do người phải thi hành án là ông Nguyễn Bá Thiện (SN 1972, cùng trú tại ấp Tân Thuận) không có tài sản để thi hành án.
Nhiều vụ việc, gia đình ông Lê Văn Được đã nhận được quyết định kê biên tài sản, thậm chí Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Trảng Bàng đã gửi thông báo cưỡng chế tài sản của những người phải thi hành án để trả lại tiền cho gia đình ông Được. Tuy nhiên đến nay gia đình ông Được vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào đúng theo các quyết định thi hành án đã ban hành.
Có dấu hiệu gây khó?
Trong khi 13 quyết định thi hành án mà gia đình ông Được là người được thi hành án chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật, thì phía Chi Cục Thi hành án Dân sự lại liên tục có các quyết định yêu cầu ông Được phải thi hành án trong một vụ việc khác, mà ông Được đang làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể, bản án phúc thẩm (số 133/2015/DS-PT) của TAND tỉnh Tây Ninh ngày 19/5/2015 buộc gia đình ông Được có nghĩa vụ trả bà Dương Thị Khởi (cùng ngụ tại địa phương) số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng. Không đồng ý với bản án này, gia đình ông Được đã làm đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để được xem xét giải quyết đối với bản án.
“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện thi hành án khi có văn bản phúc đáp của cơ quan có thẩm quyền theo thủ tục giám đốc thẩm. Thế nhưng, không hiểu sao cơ quan thi hành án của huyện Trảng Bàng lại liên tục ban hành các quyết định thúc ép gia đình tôi phải thi hành bản án nêu trên trong một thời gian ngắn”, ông Lê Văn Được than thở.
Cũng theo ông Được, đại diện Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Trảng Bàng đã đến kiểm kê tài sản của gia đình ông (Quyết định số 05/QĐ-CCTHA) vào ngày 18/12/2015. Cùng ngày hôm đó, cơ quan này tiếp tục thông báo cưỡng chế thi hành án và tiến hành cưỡng chế vào ngày 15/1/2016. Đến ngày 20/1, cơ quan thi hành án tiếp tục buộc gia đình phải ký văn bản đưa tài sản ra đấu giá.
Theo ông Lê Văn Được, trong số 13 quyết định thi hành án đã được ban hành từ năm 2013 cho đến nay thì chỉ có ba bản án đã được cơ quan thi hành án thực hiện cưỡng chế và trả lại tiền cho gia đình ông, với số tiền trên 105 triệu đồng. Số tiền này gia đình ông Được không đủ để khôi phục lại những thiệt hại của gia đình.
Ông Được cũng cho biết, do các quyết định thi hành án bị “ngâm” quá lâu, khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Hiện đại lý buôn bán nhỏ của gia đình ông Được cũng phải đóng cửa để chờ kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.