Kho dầu khí Hải Linh (Phú Thọ) Thách thức pháp luật?
Hàng chục năm trời, cơ quan chức năng đã lập rất nhiều biên bản kết luận rõ về vi phạm hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều đối với kho xăng dầu “khủng” của Công ty TNHH Hải Linh (Cty Hải Linh) tại Khu 6, xã Sông Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thế nhưng chẳng những không khắc phục sai phạm mà công ty này còn ngang nhiên thách thức pháp luật.
Kho xăng dầu “khủng” của Cty Hải Linh xâm phạm hành lang thoát lũ, sông Lô.
Coi trời bằng… vung
Năm 2006, Công ty Hải Linh do ông Lê Văn Tám làm Tổng giám đốc đã tiến hành đầu tư xây dựng kho chứa dầu khí “khủng” gồm hệ thống: 1 bể 7.500 m3 chứa xăng mogas 92, 1 bể 7.500 m3 chứa xăng mogas 90, 1 bể 1.000 m3 chưa dầu diesel, 1 bể 1.000m3 chứa dầu mazut, kho ga hóa lỏng, nhà làm việc, nhà ăn, nhà nghỉ, tường rào kiên cố… trên tổng diện tích hơn 36.000 m2 đất bãi sông Lô thuộc hành lang thoát lũ đê hữu sông Lô.
Điều đáng bàn, khi tiến hành xây dựng dự án trăm tỷ này, Công ty Hải Linh chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép về thoát lũ. Phát hiện hành vi sai phạm, ngày 10/8/2006, Hạt Quản lý đê Việt Trì (Phú Thọ) phối hợp với đại diện UBND xã Sông Lô làm việc với Công ty Hải Linh và các bên thống nhất lập biên bản về việc giải quyết vi phạm Pháp lệnh Đê điều. Theo biên bản vi phạm “Cty Hải Linh đã vi phạm Điều 11, Khoản 3 của Pháp lệnh Đê điều: Xây dựng các hạng mục công trình gồm: Tường rào kho, nhà nghỉ, nhà ăn, bồn chứa xăng dầu… trên khu đất bãi ven sông Lô khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép về thoát lũ sông Lô…”.
Về biện pháp giải quyết, biên bản cũng nêu rõ “Đình chỉ ngay việc vi phạm trên của Công ty Hải Linh; Yêu cầu công ty phải làm ngay thủ tục xin phép về thoát lũ các hạng mục công trình trên xong trước tháng 8/2006. Sau thời hạn trên, nếu Công ty Hải Linh chưa khắc phục xong việc vi phạm phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật…”.
Tuy nhiên, dường như “điếc không sợ súng” công ty này vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình và đưa vào hoạt động sản xuất, thu lại nguồn lợi nhuận khổng lồ bất chấp sự an nguy của hệ thống đê điều, hành lang thoát lũ sông Lô.
Cũng từ năm 2006 đến nay, Hạt Quản lý đê Việt Trì và Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cũng lập hàng chục biên bản về hành vi vi phạm Luật Đê điều của Công ty Hải Linh và yêu cầu công ty này tháo dỡ các hạng mục sai phạm. Thế nhưng biên bản vẫn lập và công ty này cũng “kiên quyết” không khắc phục vi phạm. Đáng buồn hơn, việc lập biên bản vi phạm chỉ mang tính chất cho “vui” và chỉ có hiệu lực trên giấy bởi sau đó chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý dứt điểm sai phạm của Công ty Hải Linh.
Công ty Hải Linh phớt lờ việc khắc phục sai phạm.
Đáng chú ý, trong các biên bản vi phạm, năm nào ông Tổng Giám đốc Công ty Hải Linh Lê Văn Tám cũng “hiên ngang” ký tên, đóng dấu thừa nhận hành vi sai phạm của mình nhưng lại phớt lờ việc khắc phục sai phạm.
Theo quan sát của phóng viên ngay sát mép sông Lô là hệ thống kho xăng dầu khổng lồ với hàng chục bể, bồn chứa xăng dầu, ga cao vài chục mét dựng san sát nhau. Bên cạnh đó là hệ thống tường rào, nhà cửa và một số công trình kết hợp với nhau tạo nên hệ thống công trình bề thế, vững chắc ngay trên hành lang thoát lũ.
Với hiện trạng kho dầu khí Hải Linh như hiện nay, nếu xảy ra lũ thì chắc chắn sẽ gây cản trở lớn đến việc thoát lũ, đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của hệ thống đê điều. Mặt khác, nếu các bể xăng dầu bị vỡ khi có lũ thì hậu quả về môi trường sẽ khôn lường.
“Người dân chỉ dựng cái chòi nhỏ trông nom ngô, khoai hoặc đổ đống đất trên bãi sông là ngay lập tức bị các lực lượng đến nhắc nhở, cưỡng chế vậy mà kho xăng dầu to đùng như quả núi, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều của Công ty Hải Linh lại không bị xử lý”, anh Tư, một người dân địa phương lắc đầu ngao ngán.
Khu vực tích trữ xăng dầu của Công ty Hải Linh.
Trách nhiệm chính quyền ở đâu?
Làm việc với phóng viên, ông Đỗ Cường Quốc- cán bộ Công ty Hải Linh cũng thừa nhận việc các ngành chức năng liên tục lập biên bản vi phạm và yêu cầu tháo dỡ nhưng công ty chưa tháo dỡ bất cứ công trình vi phạm nào. Tuy nhiên, ông Quốc lại lớn tiếng cho rằng, hệ thống kho xăng dầu của Công ty Hải Linh xây dựng trước thời điểm Luật Đê điều có hiệu lực. Kể từ khi xây dựng đến giờ chưa làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, không ảnh hưởng gì đến đê điều.
Khi phóng viên đề nghị ông Quốc cung cấp các tài liệu liên quan đến kho xăng dầu và dẫn vào khảo sát trong kho xăng dầu thì ông này tìm mọi lý do để từ chối. Sau đó, phóng viên tiếp tục liên hệ đặt lịch làm việc với ông Lê Văn Tám – Tổng giám đốc Công ty Hải Linh để làm rõ trách nhiệm của công ty này nhưng không nhận được sự hợp tác.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tảo- Chủ tịch UBND xã Sông Lô thừa nhận: Việc vi phạm Luật Đê điều của Công ty Hải Linh là có thật. Chính quyền xã cũng nhiều lần tham gia cùng Chi cục Đê điều đến lập biên bản vi phạm về hành lang thoát lũ. Sau khi lập biên bản vi phạm, chính quyền xã chỉ phối hợp với đơn vị quản lý đê điều đôn đốc, nhắc nhở Công ty Hải Linh tự giác chấp hành theo đúng yêu cầu biên bản vi phạm, tháo dỡ các hạng mục vi phạm chứ chưa có biện pháp mạnh tay nào.
Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề Hạt Đê điều Việt Trì đã liên tục lập biên bản vi phạm và yêu cầu tháo dỡ vi phạm vậy đến nay Công ty Hải Linh đã chấp hành chưa? Ông Vũ Hùng Thắng- Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Việt Trì thừa nhận, Hạt đã liên tục lập biên bản còn xử lý hay không thuộc quyền của Hạt quản lý Đê điều Việt Trì.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Sơn- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận, năm nào Chi cục Đê điều cũng lập biên bản vi phạm của Công ty Hải Linh nhưng không báo cáo với Sở NN&PTNN tỉnh mà chỉ đôn đốc chính quyền xã Sông Lô thực hiện xử lý.
Phóng viên đặt câu hỏi, Chi cục lập biên bản vi phạm mà không báo cáo với cấp trên thì việc lập biên bản có tác dụng gì? “Lập biên bản để nhắc nhở công ty biết như thế thôi” - ông Sơn hồn nhiên trả lời. Tuy nhiên ông cũng nhận định, các hạng mục kho xăng dầu của Công ty Hải Linh vi phạm khi có lũ lên sẽ cản trở lũ, không đảm bảo an toàn và nguy cơ là sự cố bồn dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường vùng hạ lưu.
“Khó khăn trong việc xử lý kho xăng dầu Hải Linh là kho này đã được xây dựng rồi. Trước đây đã có các cơ quan quản lý của nhà nước kể cả Bộ NN & PTNN có các văn bản chỉ đạo nhưng từ đó đến nay chưa có cơ quan cấp cao nào đứng ra để tìm cách xử lý việc đấy. Nếu chưa có văn bản chỉ đạo của cấp trên thì chúng tôi sẽ có đề xuất, nhưng có văn bản chỉ đạo của cấp trên rồi giờ mình đề xuất lại rất khó” - ông Sơn lý giải.
Từ thực trạng Cty Hải Linh xâm phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ sông Lô và sự thờ ơ, im lặng đến khó hiểu của các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm khiến nhân dân địa phương rất bức xúc. Dư luận cần một lời giải đáp thỏa đáng từ ngành chức năng tỉnh Phú Thọ.
Theo quy định của pháp luật, chính quyền các cấp địa phương cụ thể là UBND xã Sông Lô và UBND TP. Việt Trì là cơ quan có thẩm quyền xử lý và cưỡng chế hành vi sai phạm Luật Đê điều, vậy mà sai phạm nghiêm trọng tồn tại nhiều năm mà hai cơ quan này không vào cuộc xử lý vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu? |