Xao nhãng đạo đức làm thầy
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra một số vụ việc tiêu cực liên quan đến đạo đức của nhà giáo. Tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ nhưng người ta vẫn không khỏi băn khoăn khi một số giáo viên không giữ được phẩm chất người thầy...
Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, đề cao tình nghĩa thầy trò.
Những câu chuyện buồn
Ngay đầu năm nay, sự việc đầu tiên được phát giác gây bức xúc dư luận là việc thầy giáo Nguyễn Minh Đề- chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định) đã đánh và đổ nước vào miệng học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.
Có thể khẳng định hành động ấy đã bước qua giới hạn, thậm chí là vi phạm pháp luật. Ngày 9/1/2016, UBND huyện Phù Cát cho biết, Chủ tịch UBND huyện đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng lập đoàn thanh tra, xác minh làm rõ việc thầy giáo này. Dư luận đang mong chờ những thông tin làm rõ sự việc vì không thể chấp nhận một giáo viên kém tư cách dạy văn hóa và đạo đức cho con em mình.
Ở cấp học cao hơn lại xảy ra chuyện đổi tình lấy đề thi, điểm thi. Chiều ngày 10/1/2016, ông Lê Xuân Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết đã triển khai quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy giáo P.T.Đ. (dạy môn Lý) vì vi phạm nghiêm trọng đạo đức sư phạm. Theo đó, trước kỳ thi học kỳ I (năm học 2015-2016, diễn ra từ ngày 16 đến 19/12/2015), thầy Đ. lẻn vào phòng hiệu trưởng, đăng nhập vào máy tính lấy trộm đề thi khối 12.
Sau khi lấy trộm được đề thi, thầy Đ. nhắn tin trên mạng xã hội gợi ý với các em học sinh nữ là em nào cho thầy hôn thì thầy sẽ cho biết đề. Nhưng việc thầy Đ. đột nhập máy tính, lấy trộm đề bị lộ nên nhà trường đã đổi đề thi khác. Nên sau kỳ thi học kỳ, nhiều học sinh tố cáo hành vi lấy đề thi đổi hôn của thầy Đ. đến Ban giám hiệu nhà trường.
Việc làm đáng lên án của người thầy này đã gây ra cơn phẫn nộ của nhiều học sinh và giáo viên trong trường. Cũng tại ngôi trường này, Ban giám hiệu từng kỷ luật hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền, điều động công tác không cho giảng dạy 1 năm đối với một thầy giáo dạy Ngữ Văn vì “đi quá giới hạn tình cảm” với một nữ sinh lớp 11 cùng trường.
Ngoài ra, đây đó còn xuất hiện những vụ giáo viên tiếp tay cho gian lận thi cử, văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, tháng 4/2015, Đồn Biên phòng Long An đã xác minh 4 hồ sơ dự tuyển Trung cấp Biên phòng năm học 2015-2016 của học sinh Trường THPT Kiến Tường và phát hiện 2 hồ sơ sai do làm giả học bạ, ghi sai điểm số, hạnh kiểm (học lực yếu kém thành khá).
Sau khi điều tra, cô Nguyễn Thanh Vân- giáo viên Trường THPT Kiến Tường, tỉnh Long An đã thú nhận hành vi làm giả học bạ vì điều kiện tuyển vào trường, học sinh phải đạt từ loại khá trở lên, hạnh kiểm tốt. Dù thông cảm với việc làm cô giáo song nhiều người cho rằng thương như vậy là hại học sinh. Nếu học sinh yếu mà vẫn cố tham dự những bậc học cao hơn sau này ra trường một là không làm được việc hai là hỏng nhiều việc. Như vậy vừa khổ học sinh vừa gây hại cho xã hội.
Mới đây nhất, ngày 21/1, ông Trần Quốc Khải- Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát đã bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản. Theo ông Nguyễn Văn Phúc- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro (Gia Lai),trong quá trình thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh bán trú, ông Khải đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm dụng, chi trả trái quy định.
Cụ thể, từ năm học 2010-2011 đến học kỳ I năm học 2015-2016, trường Cao Bá Quát nhận hơn 980 triệu đồng tiền hỗ trợ cho học sinh nhưng ông Khải đã cắt xén 137 triệu đồng.
Trong khi học sinh ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn từ bữa ăn đến sách vở mà người thầy đứng đầu nhà trường lại nỡ ăn chặn khoản tiền hỗ trợ ít ỏi cho các em sao?
Mổ xẻ nguyên nhân
Trong nhiều năm qua, lớp lớp thế hệ nhà giáo đã nỗ lực hết mình đào tạo những thế hệ con người mới có tri thức, phẩm chất đạo đức đi liền với kĩ năng sống và kĩ năng nghề nghiệp đáp ứng được sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, đã xuất hiện một số nhà giáo có nguy cơ suy thoái về phẩm chất đạo đức, nhân cách. Khi sự việc bị đưa ra ánh sáng, dư luận xã hội đã mổ xẻ nguyên nhân.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thu Hảo- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Yên (Hà Nội) khá lo lắng về những đoạn ghi âm, ghi hình cảnh giáo viên thẳng tay đánh đuổi học sinh, lạm dụng học sinh, mắng chửi học sinh… phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. Theo cô Hảo, đây là điều tối kỵ và nghiêm cấm đối với tất cả những người làm trong ngành giáo dục.
Hàng ngày trẻ tiếp xúc nhiều nhất với bố mẹ, với thầy, cô giáo và với bạn bè. Học trò bây giờ rất thông minh, hiểu biết. Giáo viên tâm huyết, yêu thương trò và cư xử đúng mực học sinh sẽ cảm nhận được và kính trọng thầy cô.
Theo thầy Hà Huy Lâm- nguyên giáo viên Trường Trung học TPTH Đoàn Kết (Hà Nội), những vi phạm của một số giáo viên thời gian qua cho thấy sự tác động mạnh mẽ của xã hội, của cuộc sống hàng ngày. Lâu nay người ta nói khá nhiều về hiện tượng suy giảm đạo đức trong học sinh, sinh viên và lo lắng về sự xuống cấp ấy. Việc rèn luyện nhân cách học sinh rất cần có một mẫu hình để hướng tới, một trong những hình mẫu đó chính là người giáo viên. Vì vậy, tác phong sư phạm là điều tất cả những người làm ngành giáo dục phải gìn giữ hàng ngày.
Phân tích về vấn đề này, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: Hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức người thầy chưa thực sự được chú trọng. Đây là nghề dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, vì thế phải coi là hệ trọng khi xét tuyển.
Theo TS Quý, hiện nay việc đào tạo cao đẳng, trung cấp sư phạm thường tuyển sinh ở mức điểm khá thấp. Đầu vào yếu nên khó đảm bảo chọn được những người yêu nghề và đủ năng lực làm nghề. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng một bộ phận giáo viên có xu hướng xuống cấp. TS Quý cũng tỏ ra lo lắng khi cho rằng nhiều giá trị sống bị đảo lộn, xã hội dường như đang hao hụt sự định hướng về giá trị. Giá trị “vô song” của đồng tiền tràn cả lên bục giảng, ít nhiều làm méo mó tư cách người thầy.
Từ góc độ khác, nhiều phụ huynh chia sẻ: Hiếm học sinh, ngay cả phụ huynh nào dám đứng ra tố cáo hành vi sai trái của giáo viên. Nhiều người lo sợ nói ra con mình ít nhất là thiệt thòi, tệ hơn là bị trù dập... Và cuối cùng xã hội chỉ được biết những bất công, những điều tồi tệ của một bộ phận giáo viên khi bản thân học sinh và gia đình các em không chịu đựng được nữa,.. Thậm chí, nhiều khi sự thật đau đớn chỉ được phơi bày khi xảy ra những kết cục buồn...