Giải mã hố tử thần

Bảo Anh 24/01/2016 13:50

Thời gian gần đây hố tử thần xuất hiện liên tiếp tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) khiến người dân lo lắng. Hiện tượng này được các nhà khoa học lý giải như nào? Liệu sự cố có tiếp tục xảy ra tại những khu vực xung quanh đó? và còn ở đâu nữa...

Giải mã hố tử thần

"Hố tử thần" ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn.

1. Ngày 2/1, hố tử thần bắt đầu xuất hiện tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Theo lời người dân ở đây kể lại, chỉ sau tiếng ầm ầm, đất đá bắn tứ tung, mặt đất bỗng nứt toác và tạo thành một hố sâu. Ước tính sâu gần 20m, rộng 12m.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cho chuyển khoảng 1.400 khối đất, đá để san lấp nơi sụt lún, bảo đảm giao thông đi lại. Một số hộ dân xung quanh đó đã tạm thời được di dời ra vùng an toàn hơn.

UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường mời đơn vị chuyên môn khảo sát, thăm dò địa chất khu vực thị trấn Bằng Lũng để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục công việc thì tối ngày 16-1, hiện tượng sụt lún tiếp tục xảy ra với hố sụt lún có đường kính khoảng 18m và sâu khoảng 15 mét. Ông Lý Thái Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp đến hiện trường xảy ra hố sụt lún nghiêm trọng để chỉ đạo khắc phục.

Anh Bình, nhà ở thị trấn Bằng Lũng kể lại: Lúc đó khoảng hơn 9 giờ tối, tôi nghe thấy tiếng ầm ầm khi chạy ra thì thấy xuất hiện một cái hố lớn ngay trên tỉnh lộ, khoét rộng ra tới gần nửa mặt đường. Cây cối xung quanh đó đều bị nuốt vào trong lòng hố, 4 ngôi nhà có vết nứt thành một vệt dài. Cũng theo lời anh Bình thì cách đây mấy năm, tại thị trấn Bằng Lũng đã từng xảy ra hiện tượng lún nứt này.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nằm trong vùng nguy hiểm, chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời những hộ dân có nhà bị nứt nằm gần hố sụt lún; thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ người dân. Cùng với việc khắc phục hậu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, động viên nhân dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, không hoang mang khi chưa có kết luận chính thức về hiện tượng sụt lún từ các nhà chuyên môn.

Giải mã hố tử thần - 1

Một "hố tử thần" ở Lạng Sơn.

2. Một số nhà khoa học cho rằng hiện tượng này là do địa chất trong khu vực có “sông ngầm” nên mới có hiện tượng nuốt đất.

TS Vũ Văn Bằng chuyên gia ngành địa chất cho biết, đây là hiện tượng tự nhiên, không hiếm gặp, xảy ra ở rất nhiều nơi và người ta vẫn gọi là hố tử thần. Hố tử thần thường phát triển ở vùng đất có đá vôi, hang động như Lạng Sơn, Hà Giang và cả quanh Hà Nội như khu vực chùa Thầy hay ở vùng nhân tạo do khai mỏ, có nước ngầm rửa trôi đất cát, quá trình vận động này tạo lỗ rỗng và sập xuống.

Theo TS Bằng, kinh nghiệm cho thấy nếu ở đấy không có hoạt động khai thác mỏ thì có thể có hang động phát triển gây ra sập tầng phủ ở trên. Việc quan trọng hiện nay là phải khảo sát, đo đạc xem ngoài chỗ đã sụt lún thì vị trí nào có nguy cơ để có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân. Ông cũng cho rằng, người dân không nên quá hoang mang. Nếu ở dưới có nhiều hang động liên thông thì giải pháp có thể tính đến là khoan, bơm vữa xi măng để chặn sự phát triển của hang động.

Còn theo TS Doãn Đình Lâm- Viện Địa chất thì nhiều khả năng do hoạt động của quá trình karst ngầm. Ở khu vực có đá cacbonat (CaCO3) như đá vôi, đá hoa hay vôi sét với chiều dày lớn, quá trình karst diễn ra sẽ hòa tan đá cacbonat và dòng chảy sẽ rửa trôi, mang đi các hợp phần trong đá cacbonat, tạo ra những lỗ hổng ngầm. Cùng với thời gian, lỗ hổng sẽ lớn dần. Khi kích thước lỗ hổng ngầm đạt đến độ đủ lớn, chiều dày lớp đất tầng mặt mỏng dần và lực căng của tầng đất mặt không đủ để giữ ở trạng thái cân bằng, đất bề mặt sẽ sụt xuống, tạo thành “hố tử thần”.

Đồng quan điểm, chuyên gia địa chất Nguyễn Văn Thuấn cho rằng “hố tử thần” ở Bắc Kạn xuất hiện do hoạt động của quá trình karst ngầm và cho biết thêm, năm ngoái hiện tượng này cũng đã xuất hiện ở Thanh Hóa.

3. Không chỉ ở Bắc Kạn, hiện tượng hố tử thần cũng đã từng xuất hiện tại nhiều địa phương.

Ngày 7/1/2015, tại khu ao cá của gia đình ông Hà Văn Loan (bản Muỗng, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) xuất hiện hố sụt lún khá nghiêm trọng, cách sông Lò khoảng 100m sau một trận động đất với cường độ nhẹ khoảng 3 độ richter. Trước đó, cũng tại Thanh Hóa một hố tử thần khổng lồ xuất hiện trên con đường liên thôn ở xã Quý Lộc, huyện Yên Định. Ban đầu miệng hố rộng chừng 1,5m, nhưng ít giờ sau liên tục mở rộng lên tới 25m. Lý giải hiện tượng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện một hang động caster nằm gần nơi sụt hố không xa.

Tại Quảng Ninh, ngày 21/8/2013, khu dân cư Thủy Sơn (TP Cẩm Phả) cũng xuất hiện hàng loạt hố tử thần, có hố rộng hơn 10m, sâu tới 5m. Theo nhận định của TS Vũ Văn Bằng, bên dưới khu dân cư sinh sống có thể là dòng sông cổ được bồi đắp dần dần. Nhiều người sau đó dùng đất để lấp và xây dựng nhà cửa trên đó. Tác động của thủy lực nước ngầm sẽ tạo thành dòng lôi cuốn các hạt cát, rác hay bất kỳ vật gì bên trong. Quá trình này khiến đất dần sụt lún xuống tạo thành hố tử thần.

Cũng có cách lý giải khác về những hố tử thần. Những năm trước khi tại TP HCM liên tục xuất hiện những vụ sụt lở đất mà người ta quen gọi là hố tử thần các nhà khoa học đã lập tức vào cuộc. Tuy nhiên, việc sụt lún ở đây theo các chuyên gia ngành địa chất, là do nền đất yếu. TP HCM nằm trên vùng châu thổ có tầng trầm tích Đệ tứ bở rời khá dày và là vùng đất yếu thường chứa các lớp bùn, cát. Khi xuất hiện miền thoát nước ngầm cục bộ (chẳng hạn thi công các hố móng sâu) có thể dẫn đến xói ngầm gây sụt đất ở những vùng lân cận.

Cho đến giờ chưa có kết luận chính thức về vụ sụt lún đất ở Bắc Kạn. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành địa chất khuyến cáo, những nơi đông dân cư hay các công trình lớn được xây dựng trên nền đá cacbonat thì cần nghiên cứu cấu tạo địa chất và hoạt động karst, từ đó đưa ra kế hoạch để tránh những tổn thất khi hố tử thần xuất hiện.

Theo các chuyên gia, chính nước ngầm chảy qua khu vực đất nhiều chất cứng, dễ hòa tan như đá vôi, carbonate, muối... đã làm xói mòn lớp bề mặt vững chắc, tạo ra hố và nhiều khoang ngầm. Hệ quả là những hố sâu xuất hiện, kéo lớp bề mặt sụp đổ vào trong, người ta vẫn gọi là “hố tử thần”. Ngoài yếu tố địa lý, những hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cống, khai thác mỏ... cũng là tác nhân góp phần gây ra hiện tượng này.

Bảo Anh