Về đất biển Cà Mau
Nhiều du khách đến với một vùng đất chỉ bởi một câu thơ hoặc lời hát. Không nằm ngoài căn cớ ấy, ca khúc “Đất mũi Cà Mau” đã thúc giục chúng tôi lên đường đến với điểm cực Nam- xứ sở “nên thơ và đẹp giàu” của dải đất hình chữ S.
Rừng đước nơi đất Mũi.
Chiều muộn đặt chân tới Đất Mũi, điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Cà Mau, chúng tôi đã có cơ hội khám phá thành phố trẻ về đêm. Tại khu ẩm thực ở khu chân cầu Huỳnh Thúc Kháng - địa chỉ nhậu có tiếng của dân Cà Mau rất nhiều du khách đến để thưởng thức những món ăn như: cá lóc nướng trui, ba khía và cuối cùng là lẩu mắm.
Cá lóc nướng và lẩu mắm thì đã được ăn nhiều ở Hà Nội do chính tay chủ quán người Cà Mau chế biến, nhưng món ba khía muối - một loài cua có càng lớn tôi mới được ăn lần đầu tiên, thì đúng với dân sành ăn thường ví đó là món ngon “quên sầu” quả không sai.
Cá thòi lòi nướng muối ớt.
Vị ba khía ngọt và đậm hơn cua biển, cô bạn quảng bá về con ba khía ở Cà Mau ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn loại ba khía ở các nơi khác... khiến món ăn càng thêm phần hấp dẫn. Sau khi ăn tối, chúng tôi dành thời gian thả bộ tham quan chợ đêm, ngắm nghía tượng đài trung tâm Cà Mau và cầu Phan Ngọc Hiển dưới ánh đèn đổi màu sắc lung linh.
Với tâm trạng đầy nôn nóng được đặt chân tới điểm cực Nam thiêng liêng, chúng tôi dậy từ sớm tinh mơ để khởi hành tới thị trấn Năm Căn theo quốc lộ 1A rồi theo cao tốc ra xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Thực ra ở đây còn có cả dịch vụ xuồng máy đưa du khách ra xã Đất Mũi, nhưng một thổ dân bày cách, nếu đi xuồng máy chi phí đắt đỏ và thời gian được rút ngắn hơn chút đỉnh, nhưng lại mất đi cái thú thong dong ngắm cảnh.
Rồi thỏa sức mà chọn lựa những khuôn hình tuyệt vời của rừng mắm, bần, đước xanh mướt mải dọc những con sông, luồng lạch. Hay bỏ lỡ dịp quan sát nhịp sống của người dân Ngọc Hiển đặc trưng của miền sông nước với những chiếc ghe chở hàng buôn bán,...
Mốc tọa độ quốc gia.
Giờ trước mắt chúng tôi là tấm đá lớn màu đỏ ghi dòng chữ: Mốc tọa độ Quốc gia- điểm toạ độ GPS 001. Ai cũng cố chụp cho bằng được một tấm ảnh lưu niệm ở đây. Đi thêm một chút nữa là tới biểu tượng Mũi Cà Mau đã được xây dựng dựa trên câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó- Mũi Cà Mau. Và có lẽ, ai đã từng đặt chân tới mảnh đất này đều chung một cảm xúc bồi hồi và xúc động. Chúng tôi đắm mình trong vườn Quốc gia Đất Mũi, nhìn ngắm vùng rừng ngập mặn với, cây bần, cây mắm…hệ động thực vật nổi tiếng của Cà Mau. Cô bạn cùng đi cùng còn “bật mí”, phần đất liền ở mũi Cà Mau hằng năm liên tục được phù sa bồi đắp lấn biển một cách tự nhiên nên sau một vài năm quay lại người ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy dải đất này dường như dài rộng thêm ra.
Chủ yếu là bãi bồi nhưng bãi biển Khai Long nổi bật với bãi cát mịn ngả vàng, từ lâu được xem là một hiện tượng độc đáo của thiên nhiên. Tiếng lành đồn xa, du khách khi ra Đất Mũi luôn háo hức ghé thăm bãi biển Khai Long. Không có trong lịch trình nhưng lại là một bất ngờ lớn khi cô bạn nổi hứng rủ cả nhóm nghỉ đêm tại một gia đình ngư dân nghèo xóm Mũi. Vợ chồng anh Hùng đón chúng tôi như những người thân từ xa trở về.
Biểu tượng Mũi Cà Mau.
Gia tài trong nhà anh Hùng không có gì quý giá hơn ngoài bộ xoong nồi đen thui vì đun củi, dăm chiếc bát cũ kỹ, chiếc chiếu trải sàn và một cái võng. Nhưng tối đó, chúng tôi được thết đãi một bữa tiệc hải sản tươi roi rói với tôm, mực, cúm núm, rau choại…và cá thòi lòi nướng muối ớt. Vợ chồng anh Hùng còn hào phóng mang nào là khô đuối, và tất cả các loại hải sản có sẵn trong nhà ra đãi khách…Bát đĩa thiếu, vợ anh tất tả sang mượn hàng xóm. Trong bữa ăn, nghe chúng tôi thắc mắc về cái cách thiết kế nhà mà không có cửa nơi đây, anh Hùng cười xòa giải thích: Người dân ở xóm Mũi từ bao đời nay vẫn sinh hoạt ngay dưới mái nhà của mình.
Lặng ngắm những mái nhà dưới tán rừng đước mênh mông không có cửa. Nếu cần che nắng, gió người dân chỉ sử dụng một tấm mành bằng ni-lông căng ngang mặt nhà. Làm nhà không có cửa cốt là để được thoáng mát, được hưởng trọn luồng gió tươi mát từ mặt sông thổi vào, thậm chí ghe, xuồng cũng chỉ cột tạm bợ vào trụ sàn nhà…Có lẽ, những mái nhà không cần cửa ấy cốt cũng là sự thể hiện chất phóng khoáng của người dân đất Mũi.