Bão tuyết phủ trắng bờ Đông nước Mỹ
Một trận bão tuyết dữ dội kèm theo gió lốc đổ bộ vào nước Mỹ hồi cuối tuần qua đã khiến cho khu vực bờ Đông nước này “đóng băng”, tuyết dày đến hơn 90 cm, cản trở hàng chục nghìn người di chuyển và làm tê liệt một số thành phố lớn trong đó có Washington và New York.
Thành phố New York bị “đóng băng” vì siêu bão tuyết Jonas. (Nguồn: Getty).
Ước tính có đến 80 triệu người dân trên khắp 20 bang của nước Mỹ đã bị mắc kẹt bên trong chính ngôi nhà của họ do tuyết rơi dày đặc cùng các điều kiện nguy hiểm khác. Sau vài ngày được cảnh báo trước, hầu hết người dân ở các vùng nằm trên tuyến đường mà cơn bão tuyết Jonas đi qua đã được yêu cầu ở trong nhà và tránh xa khỏi các tuyến phố. Thế nhưng vẫn có 19 người chết vì tình trạng thời tiết xấu, từ các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lúc xúc tuyết và bị chết cóng.
Cơn bão tuyết khiến tuyết rơi dày kéo dài từ vùng Gulf Coast cho đến bang New England ở phía Đông bắc nước Mỹ. Nhiều khu vực gần Washington có lượng tuyết dày đến 70 cm. Một báo cáo không chính thức tại Tây Virginia còn có lượng tuyết lên đến hơn 100 cm.
“Dường như các nhà dự báo thời tiết đã đúng” – Thị trưởng thành phố New York, Andrew Cuomo nói trong một cuộc họp báo sáng 24/1 – “Đây đúng là một trận siêu bão tuyết”.
Cũng giống như nhiều vị quan chức của các thành phố dọc bờ biển phía Đông khác, ông Cuomo đã cảnh báo người dân không ra đường: “Tôi không biết người ta có thể lái xe giỏi thế nào, xe của họ có to thế nào, nhưngđường xá không thể đi lại được”.
Trong khi đó, các hãng hàng không nước Mỹ đã phải hủy gần 7.000 chuyến bay vào thời điểm cuối tuần qua và cũng cắt luôn cả dịch vụ vào sáng đầu tuần này.
Trong khi bão Jonas đang hoành hành, các nhà dự báo thời tiết cũng cảnh báo rằng lượng tuyết còn có thể gia tăng ở New York và nhiều thành phố ở khu vực phía Bắc, đồng thời cảnh báo nhiều khu vực khác gần thành phố Boston.
“Đây là cơn bão đứng top 10 các trận bão tuyết mạnh nhất” – Chuyên gia thời tiết Paul Kocin nhận định.
Thực tế cho thấy đây là cơn bão tuyết lớn thứ ba trong lịch sử thành phố New York, với mực tuyết lên đến 63 cm trong hôm 23/1, rất gần với mức kỷ lục 68 cm hồi tháng 2-2006. Đã có 3 người thiệt mạng trong lúc đang xúc tuyết. Rất nhiều người dân đã phải tránh đi xuống phố để tránh bị trượt ngã.
Giới chức thành phố này đã phải áp dụng lệnh cấm di chuyển, yêu cầu toàn bộ các phương tiện dân sự không lưu thông trên các tuyến phố. Các trạm xe điện ngầm và tuyến giao thông công cộng lớn nhất ở Mỹ cũng phải đóng cửa.
Tối 22/1, giới chức thành phố New York đã dự báo rằng lượng tuyết có thể dày tới 45 cm, nhưng thực tế cho thấy mực tuyết đã lên tới 70 cm vào tối 23/1. Ở Washington, các địa danh nổi tiếng vốn thu hút nhiều khách du lịch thì nay cũng không có một bóng người lui tới. Mọi tuyến giao thông công cộng ở thành phố thủ đô cũng tạm ngừng hoạt động.
Ở nhiều khu vực, nhiều tài xế bị trơn trượt khi lái xe, gây nên các vụ đụng xe, khiến vài người thiệt mạng. Trong số này có một cậu bé 4 tuổi ở Bắc Carolina, một nhân viên giao thông ở Kentucky và một phụ nữ ở Tennessee. Ở Kentucky, Pennsylvania và Tây Virginia, các tài xế đã bị kẹt xe trong suốt nhiều giờ liền trên các đại lộ do tuyết đóng quá dày.
Tất cả các chương trình biểu diễn ở Broadway cùng hàng loạt trận thi đấu thể thao cũng phải hoãn lại tại nhiều thành phố. Hàng nghìn chuyến bay bị hủy. Đây có thể là trận bão tuyết mạnh nhất mà nước Mỹ phải hứng chịu kể từ năm 1922 tới nay. Trận bão tuyết có khả năng sẽ ảnh hưởng tới hơn 80 triệu người dân Mỹ, tương đương khoảng 1/4 dân số, đồng thời gây thiệt hại ước tính lên tới một tỷ USD.