Vốn quý Nam Trực
Huyện Nam Trực (Nam Định) là địa phương được biết đến trong lịch sử khoa bảng phong kiến có nhiều người đỗ đạt; cũng là nơi có nhiều ngành nghề, làng nghề và nhiều sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian độc đáo. Những vốn quý này đang được địa phương lưu giữ, phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới...
Thâm canh rau màu, một trong những thế mạnh của huyện Nam Trực.
Quê hương của 3 Trạng nguyên
Nói đến huyện Nam Trực là nói đến đến địa phương có truyền thống hiếu học. Lịch sử ghi nhận, dưới thời khoa bảng phong kiến, toàn tỉnh Nam Định có 88 người đỗ đại khoa, trong đó có 5 người đỗ Trạng Nguyên. Trong số này, riêng huyện Nam Trực có tới 18 người đỗ học vị tiến sỹ, đặc biệt có tới 3 người đỗ Trạng nguyên, gồm Nguyễn Hiền, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo. Trong đó, Nguyễn Hiền (người làng Dương A- xã Nam Thắng) đỗ Trạng dưới thời Trần khi mới 13 tuổi, là trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam...
Phát huy truyền thống, ngày nay cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn quan tâm chăm lo đến sự nghiệp “trồng người”. Theo ông Vũ Tiến Duật, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, thời gian qua huyện đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trường lớp; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng chuẩn hóa.
Đặc biệt, Nam Trực là huyện dẫn đầu tỉnh về phong trào khuyến học dòng họ. Theo đó, nhiều dòng họ trong huyện từ lâu đã xây dựng, duy trì được phong trào ý nghĩa này.
Như họ Vũ ở xã Điền Xá chúng tôi có dịp tìm hiểu, ngoài xây dựng được quỹ khuyến học, thường niên tổ chức trao thưởng cho con cháu đạt thành tích trong học tập dòng họ này còn trao tặng các danh hiệu “Gia đình hiếu học”, “Gia đình đại học hóa”, “Gia đình có tấm lòng vàng hiếu học”...để động viên, cổ vũ cả họ chăm lo chuyện học hành của con em...
Vùng đất trăm nghề
Gọi là “vùng đất trăm nghề” vì ngày nay ở địa phương nằm ven sông Hồng này có rất nhiều làng nghề nổi tiếng, như làng nghề rèn Vân Chàng (TT. Nam Giang), làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá); làng nghề làm hoa nhựa, đồ chơi trẻ em Báo Đáp (xã Hồng Quang); làng nghề đúc đồng ở Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), nghề làm bánh kẹo Thượng Nông (xã Bình Minh), nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Nam Thắng...
Sản xuất các sản phẩm cơ khí ở làng nghề Đồng Côi-TT Nam Giang.
Trong đó, làng nghề rèn Vân Chàng có lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ thứ 13. Từ chỗ chỉ làm ra những sản phẩm công cụ phục vụ đời sống “tam nông”, giờ đây người dân làng nghề nổi tiếng này đã và đang sản xuất được những sản phẩm cơ khí đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như phụ tùng xe đạp, xe máy. Mọi kim loại phế liệu, qua bàn tay tài hoa của người làng nghề Vân Chàng sẽ trở thành những sản phẩm cơ khí hữu dụng.
Không chỉ tạo dựng được cuộc sống sung túc cho mình, nhờ có nghề truyền thống, hơn 200 hộ dân làng nghề Vân Chàng hiện đang còn tạo việc làm, thu nhập cho hơn 1.000 lao động của các địa phương lân cận. Từ nhiều đời nay, làng duy trì lệ đẹp: ngày15/11 âm lịch hằng năm cả làng mở hội, tri ân tổ nghề...
Làng hoa cây cảnh Vị Khê (nằm ngay cửa ngõ vào TP Nam Định) cũng có lịch sử hình thành từ mấy trăm năm nay. Sử làng kể dưới triều Nguyễn, cây cảnh của làng từng được người làng mang vào tận kinh đố Huế để tiến vua. Ngày nay, khi KT-XH phát triển, những nghệ nhân của làng càng có điều kiện mang sự tài hoa làm đẹp cho cuộc sống. Quy mô làng nghề do vậy đã và đang được mở rộng, nổi tiếng ở miền Bắc vì có nhiều nghệ nhân tài hoa; có nhiều sản phẩm cây cảnh đạt đỉnh cao về nghệ thuật...
Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa
Một trong những nghệ thuật dân gian truyền thống người dân Nam Trực tự hào đã sản sinh, bảo vệ, lưu truyền cho đến ngày nay chính là nghệ thuật rối nước (làng Rạch, xã Hồng Quang) và nghệ thuật rối cạn (TT.Nam Giang). Không biết, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này hình thành, xuất hiện tại đây khi nào, chỉ biết qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến nay những phường rối này vẫn bền bỉ trường tồn.
Không chỉ được biểu diễn ở địa phương, các phường rối nước Hồng Quang, rối cạn Nam Giang từng nhiều lần đi trình diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; các kỳ Festival Huế; đặc biệt, những tiết mục rối nước đặc sắc như: Đốt pháo mở cờ, Múa tứ linh, Đánh cá...mô phỏng đời sống, văn hóa, sinh hoạt của cư dân vùng châu thổ sông Hồng từng được phường rối nước Hồng Quang mang tới biểu diễn tại thủ đô Paris của nước Pháp, một số nước châu Âu khác và ở Mỹ.
Cùng với huyện Vụ Bản, huyện Nam Trực được biết đến là địa phương của tỉnh Nam Định có chợ Viềng Xuân nổi tiếng, được tổ chức mỗi năm một phiên vào đêm 7, ngày 8 tháng Giêng. Đây được xem là phiên chợ dân gian khổng lồ; hội chợ nông nghiệp, nông thôn đích thực; chứa đựng trong đó toàn bộ những đặc trưng của văn hóa dân gian, đời sống KT-XH nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; là địa chỉ không thể bỏ qua của những người mê tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hóa...
Hướng tới mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới
Đến các làng quê ở Nam Trực hôm nay rất dễ nhận ra những thay đổi của diện mạo. Đường xá được đầu tư mở rộng, nâng cấp; nhà cửa khang trang; ruộng đồng được quy hoạch. Những ngày cận Tết này, dọc hai bên con đường bạt ngàn màu xanh của các loại cây rau màu. Đây là vùng chuyên canh được huyện hình thành từ nhiều năm trước, ngày nay đang được nông dân các xã Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng và thị trấn Nam Giang phát huy hiệu quả bằng việc đưa vào thâm canh nhiều loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao.
Không chỉ có vậy, từ nền tảng có nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống, sản xuất CN-TTCN của huyện ngày nay cũng khá phát triển; là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh hình thành được các CCN làng nghề; nhiều cụm đã được lấp đầy diện tích; đã và đang được mở rộng, thành lập mới.
Nhà văn hóa thôn Trung Nghĩa-xã Nam Thái, một trong nhiều công trình
được xây dựng trong phong trào xây dựng Nông thôn mới ở huyện Nam Trực.
Theo Ban chỉ đạo huyện, với phương châm phát huy sức dân, theo quy trình: làm từ đồng về xóm, từ xóm lên xã, từ xã lên huyện, sau 5 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn đã thu được những kết quả tích cực, với 7/20 xã, thị trấn đã đạt và cơ bản đạt đủ các tiêu chí; các xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên.
Làm nên thành quả bước đầu này, các tầng lớp nhân dân trong huyện có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: thực hiện dồn điền đổi thửa; đóng góp tiền của, công sức, hiến, góp đất phục vụ việc xây dựng, mở rộng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Đây chính là tiền đề, cơ sở để huyện Nam Trực tự tin đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ đạt đủ các tiêu chí, trở thành huyện NTM...