Những tín hiệu vui
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1/2016, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 1,06 tỷ USD. Đây là nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” đầu tiên trong năm kinh tế 2016.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1/2016.
Nhóm hàng linh kiện và điện thoại trong thời gian gần đây là điểm sáng của xuất khẩu. Nếu như trong năm 2015, nhòm hàng này đứng vị trí số một về tỷ trọng và kim ngạch xuất khẩu với con số vượt 30 tỷ USD. Thì kỳ tích xuất khẩu trong nửa đầu tháng 1 năm 2016 tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu của nhóm hàng này.
Cũng trong những ngày đầu năm, dòng vốn ngoại ở lĩnh vực công nghệ điện tử tiếp tục chọn Việt Nam là điểm dừng chân. Đó là những doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Malaysia với mục đích, cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn Điện tử Samsung.
Đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu trong cùng thời điểm là nhóm hàng dệt may với trị giá kim ngạch 886 triệu USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 584 triệu USD; giày dép các loại 530 triệu USD…
Theo Tổng cục Hải quan, hết 15/1, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,95 tỷ USD, tăng 3,6% (tương ứng tăng 205 triệu USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2015. Để có được điểm sáng xuất khẩu ngay những ngày đầu năm mới, thì thành tích của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thể phủ nhận.
Năm 2016, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Để đóng góp vào mức tăng trưởng này, ngành Công thương đặt kế hoạch chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015; Xuất khẩu đạt 187 tỷ USD, tăng 10% so với 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%...
Mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra với xuất khẩu từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng Việt Nam vẫn có điều kiện thuận lợi để phát triển ngoại thương. Chẳng hạn, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam; mở ra cơ hội để hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước thông qua vốn đầu tư nước ngoài lẫn nguồn lực đầu tư trong xã hội; có điều kiện phát triển đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong tương lai, các khoản đầu tư mới cùng với thị phần các mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng, chẳng hạn như điện tử, giày dép, dệt may và may mặc sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi nhu cầu toàn cầu vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Nhiều tín hiệu vui đã xuất hiện ngay trong đầu năm 2016 cho thấy triển vọng của nền kinh tế. Khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC cũng cho rằng: “Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là 6,7% mà chúng tôi nghĩ chắc chắn sẽ đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi mức hai chữ số, phản ánh môi trường đầu tư cải thiện nhiều, bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế tiềm năng đầu tư nước ngoài”.
Còn khối nghiên cứu của Ngân hàng ANZ đánh giá hiện nay Việt Nam đang ngày càng sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng tinh vi phức tạp hơn. Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên trên chuỗi giá trị đối với mặt hàng điện tử…