Bóng đá Việt Nam: Thầy nội hay ngoại đều không dễ
Bóng đá VN lại đang trong những ngày sôi sục đi tìm HLV cho các đội tuyển. Lúc này, ông Miura vẫn đang là HLV trưởng của tuyển VN nhưng thời hạn hợp đồng chỉ còn tới tháng 4 và có lẽ chả cần đến mốc thời gian đó, ông cũng sẽ sớm có lời chia tay bóng đá VN khi luôn phải nhận những chỉ trích, những yêu cầu đòi sa thải.
Thời gian của HLV Miura với bóng đá Việt Nam đang được đếm từng ngày.
Thất bại của U23 tại VCK châu Á với 3 trận toàn thua càng khiến người ta sôi sục đăng đàn đòi sớm chia tay ông thày người Nhật bất kể những điều tốt, những cảm xúc ông đem lại trước đó. Trở về từ sau thất bại ở Qatar, HLV Miura đã, đang và sẽ càng bị soi nhiều hơn nữa và sự ra đi của ông dường như đã được lập trình sẵn.
Làm HLV trưởng các đội bóng VN luôn khó và gặp áp lực cực lớn. Nếu như ở Brazil, mỗi người dân đều tự xem mình như một HLV thì với hơn 90 triệu dân như ở Việt Nam luôn có hơn 1/3 số người hay tự xem mình là HLV và BLV. Có lẽ chẳng nơi đâu như VN, khi từ quan chức cho đến một bộ phận truyền thông và NHM đồng loạt lên tiếng đòi sa thải HLV bỏi ông này đã không trình diễn lối chơi kỹ thuật, hấp dẫn trước những đối thủ trên đẳng cấp.
Cái được của HLV Miura kể từ khi nắm quyền là ông luôn biết gieo vào cầu thủ tinh thần chiến đấu cao, chẳng sợ ai cả. Họ yếu thể lực, ông nhồi thật nhiều; họ thiếu sức mạnh, ông khiến họ không ngại va chạm…
Tuy nhiên, ông cũng bộc lộ nhiều điểm yếu khi xáo trộn đội hình quá nhiều và buộc cầu thủ chơi những vị trí không phải sở trường. Ông giúp cầu thủ tự tin ở sức mạnh, ở thể lực nhưng không giúp họ tin vào chính mình khi đá trái kèo, lệch vị trí.
Chính cách sử dụng nhân sự và xây dựng lối chơi cho các ĐTQG, HLV Miura cũng vô tình trở thành mục tiêu công kích của một bộ phận không nhỏ CĐV, khi ông không dành sự trọng dụng cho lứa cầu thủ HAGL từng làm mê đắm trái tim người hâm mộ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, còn ĐTQG thì thi đấu với chiến thuật đơn điệu, nhàm chán.
Chỉ vì không trọng dụng những tài năng trẻ của một CLB mà ông Miura dù cũng đã đem lại không ít nhiều điều tốt, có ích nhưng lại bị một số đông các HLV, giới truyền thông và NHM tranh nhau phê phán, đòi sớm sa thải và họ cũng làm luôn nốt phần việc giới thiệu những HLV như Nguyễn Hữu Thắng, Mai Đức Chung, Hoàng Văn Phúc và cả Lê Huỳnh Đức để thay thế chiếc ghế ông thầy người Nhật. Chắc họ đã sớm quên rằng, chính những ông thầy nội như Phan Thanh Hùng, Hoàng Van Phúc… cũng đã từng bị lên bờ xuống ruộng trước những làn sóng chỉ trích nhắm vào họ khi lên làm HLV trưởng quốc gia.
Còn nhớ, sau khi sa thải HLV Falko Goetz mà VFF chọn bằng con đường ngoại giao, bóng đá VN đã mất điểm trầm trọng với bạn bè năm châu và bị sức ép dư luận nên đành cầu cứu thầy nội. Lần lượt 2 HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc liều mình lên nắm tuyển để cứu chúa. Nhưng kết cục của các ông này chẳng khác ông Falko Goetz là bao mà còn phải nhận những kết thúc có phần cay đắng hơn. Nhắc lại những điều đó để thấy dù thày nội hay ngoại thì sức ép từ chiếc ghế HLV trưởng bóng đá Việt Nam kinh khủng thế nào.
Ngay sau thất bại của U23 VN, cơn sốt đòi sa thải HLV Miura càng tăng lên không ngừng và nó càng nóng hơn khi có những thông tin cho rằng nhiều HLV nội đang sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế đó. Hiện rộ lên tin đồn HLV Nguyễn Hữu Thắng về dẫn dắt đội tuyển VN và đội U.23 nhưng chính ông thầy xứ Nghệ đã lên tiếng bác bỏ và các quan chức VFF cũng đã phản bác thông tin này.
Thực tế, bóng đá VN lúc này đang có những HLV nội đã tạo dựng được nhiều uy tính và được kỳ vọng. Nhưng để họ trở thành HLV trưởng tuyển quốc gia lại là vấn đề lớn bởi họ quá rõ và đủ nhạy cảm để hiểu ghế HLV trưởng nhiều khi được sử dụng vào những mục đích khác nhau của nhiều người có vai vế ở liên đoàn. Không có sự hậu thuẫn lớn sau lưng mà còn phải đương đầu với sức ép từ dư luận trên khía cạnh lối chơi và thành tích thì đó là công việc mà nguy cơ rủi ro quá cao. Chỉ khi nào có sự ủng hộ tuyệt đối từ tất cả các vị trí chủ chốt của liên đoàn thì may ra mới có cơ hội thể hiện tài năng.
Dù là thầy nội hay thầy ngoại nắm đội tới đây thì cũng sẽ chắc chắn một điều, ai làm HLV trưởng của tuyển VN cũng sẽ phải nhận áp lực cực lớn. Điều đáng nói hơn chính là quy trình tuyển chọn HLV trưởng trong tương lai cần minh bạch, rõ ràng và nhận được sự đồng thuận cao.
Quy trình tuyển chọn HLV đội tuyển của VFF thời gian qua có vấn đề khi nó là nguyên nhân khiến sự “mất đoàn kết” bùng nổ giữa các vị trí chủ chốt trong Thường trực VFF gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và một ông Trưởng ban bóng đá trong nhà.
Cùng với đó, cần sự thể hiện rõ ràng, có chính kiến, được ghi nhận và được tôn trọng từ Hội đồng HLV quốc gia chứ đừng để họ như nhiều năm qua chỉ là một cái hội đồng có cho vui, chẳng được đóng góp, nói chẳng ai nghe. Chính bởi vậy, có thay HLV Miura bằng thầy nội hay thầy ngoại thì bóng đá Việt sẽ vẫn cứ mãi thế nếu những người thuê họ không làm tốt chức năng, trách nhiệm của mình.