Tôn vinh điều tử tế
Không nên để những điều tử tế lặng thầm mãi, xã hội hãy tôn vinh và nhân lên nhiều hơn những điều tử tế vì lòng tử tế, hiện hữu trong mỗi con người.
Em Nguyễn Công Minh.
Trường THCS Bình Thịnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), mới đây, trong buổi chào cờ đầu tuần đã tổ chức tuyên dương em Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 8 C vì có hành động cao đẹp, nhặt được tiền đã tìm người trả lại.
Trước đó, vào lúc chiều 5/1, em Minh trên đường đi học về đã nhặt được một cuốn sổ lương bên trong có kẹp gần 5,5 triệu đồng, 1 giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Thành (trú xã Thái Yên, huyện Đức Thọ).
Ngay lập tức, Minh đem về nói với bố mẹ tìm người trả lại. Nhận lại tiền từ gia đình Minh, bà Mai người mất tiền chia sẻ cả hai vợ chồng là một cựu chiến binh, trong lúc đi nhận lương sơ ý đánh rơi cuốn sổ và tiền. “Tôi rất cảm động và muốn gửi lại cho Minh cùng gia đình một ít tiền để hậu tạ nhưng em không nhận”, bà Mai kể.
Cũng ở Hà Tĩnh, bà con còn truyền tai nhau câu chuyện về người phụ nữ ở xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) mang bệnh ung thư, gia cảnh nghèo khó, túng thiếu nợ nần... nhưng khi nhặt được hơn 40 triệu đồng, chị vẫn nhanh chóng tìm người đánh rơi để trả lại đã khiến không ít người ngưỡng mộ. Đó là chị Nguyễn Thị Chính (trú tại xóm Liên Yên, xã Thạch Hội, Thạch Hà, Hà Tĩnh) người nhặt được hơn 40 triệu đồng sau đó trả lại cho người mất.
Để tỏ lòng cảm kích trước việc làm của chị Chính, anh Nguyễn Văn Trọng ( trú tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) – người được trả lại số tiền đánh rơi không chỉ cảm ơn và còn đưa cho chị Chính một số tiền. Tuy nhiên, chị Chính chỉ vui vẻ đón nhận lời cảm ơn, còn nhất quyết không nhận bất cứ một đồng nào của anh Trọng.
Đây là hai câu chuyện mà tôi đọc được trên báo chí mới đây. Nhưng thật lạ, khi kể lại những chuyện này cho những người thân trong gia đình và đồng nghiệp ở cơ quan dường như ai cũng hờ hững, không mấy chú ý. Ấy vậy mà vẫn những con người ấy, khi tôi mang chuyện về những vụ cướp của, giết người hay scandan trong xã hội ra trao đổi thì ai nấy đều hào hứng bàn tán,…
Vì sao vậy? Tại sao xã hội lại thiếu quan tâm những điều tử tế để rồi họ sống với nhau thiếu tử tế. Trả lời được câu hỏi này, cũng là cách tìm được lý do để sống có ý thức và hành động tử tế. Thiết nghĩ, tử tế vốn dĩ chẳng phải điều gì lớn lao mà là những điều đơn giản nhất ta đối xử với nhau mỗi ngày. Song dường như xã hội ngày nay đang rất... thiếu tử tế, trong khi sự văn minh, bền vững của một xã hội lại thường bắt đầu từ những việc rất nhỏ như nhắc đến ở trên.
Dẫu vậy, tôi vẫn tin xã hội không thiếu những người tử tế. Song không nên để những điều tử tế lặng thầm mãi, xã hội hãy tôn vinh và nhân lên nhiều hơn những điều tử tế vì lòng tử tế, hiện hữu trong mỗi con người. Như TS Hòa thượng Thích Nhật Từ đã nói: Lòng tử tế như một quặng mỏ, biết khai thác sử dụng sẽ làm cho nó trở nên có giá trị hơn. Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế.”