Xuân sớm trên làng tái định cư
Chúng tôi có dịp ghé thăm khu tái định cư thủy điện An Khê - Kanak huyện Kbang (Gia Lai). Dù đã ngót 5 năm chuyển đến nơi ở mới nhưng chưa năm nào người dân vùng tái định cư lại có niềm vui như mùa xuân năm nay.
Khu tái định cư làng Cam, xã Đắk Smar.
Là một hộ dân nằm trong diện tái định cư, ông Đinh Nhương, làng Cam, xã Đắk Smar hẳn chưa quên kí ức về cái ngày mà hơn 43 hộ dân trong làng phải gồng gánh đồ đạc di chuyển đến nơi ở mới với chút luyến tiếc, xót xa. Dù đã nếm trải bao khó khăn, vất vả, thấm tháp bao cay đắng ở ngôi làng mới nhưng với ông niềm vui lớn nhất lúc này chính là được nhìn thấy ánh điện, con đường khang trang chạy dài đến tận buôn làng. Và nơi ở mới thật sự đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con.
Không giấu được cảm xúc, ông bảo: “Mình vui lắm!. Năm nay bà con trong làng hết đói rồi. Dân làng tập trung gần nhau rất vui, đầm ấm và càng thêm gắn kết, quây quần”.
Không riêng gì những hộ dân làng Cam mà hơn 102 hộ dân làng Krối cũng cảm thấy vui hơn khi Tết đến Xuân về. Họ vui vì không còn cảnh đói nghèo như cách đây 2 năm trước. Những hạt bắp, lúa, cà phê rồi cao su đã và đang mang đến sự ấm no cho hàng trăm hộ dân nghèo vùng tái định cư. Những ý định rời bỏ làng để quay về nơi cũ giờ đây đã tan biến trong suy nghĩ của mỗi người dân làng Krối.
Trên đường đưa chúng tôi đi tham quan các ngôi làng tái định cư, ông Nguyễn Tiến Hào, Phó Chủ tịch xã Đắk Smar phấn khởi cho biết: Dù là xã mới được thành lập năm 2006 nhưng hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư rất tốt. Các làng tái định cư bây giờ cũng khang trang lắm! Người dân đến tái định cư ai cũng phấn khởi vì điều kiện sống ở đây tốt hơn nơi ở cũ... Hệ thống đường điện đã kéo về từng khu tái định cư và đến từng hộ; hệ thống nước sạch cũng đã được xây dựng tới từng thôn, vào từng nhà.
Rời xã Đắk Smar chúng tôi đến làng Chợt, xã Lơ Ku nơi có hơn 100 hộ nằm trong diện tái định cư. Nhìn những mái nhà khang trang cùng với sự no ấm của người dân đã thắp lên những hi vọng mới về một tương lai ở phía trước. Ông Đinh Hnơt vui vẻ khoe: “Làng Chợt chúng tôi già trẻ giờ ai cũng vui, nhờ Đảng, Nhà nước xây dựng cho làng nhà cửa mới khang trang sạch đẹp, thoáng mát. Bây giờ có nơi ở ổn định rồi làng chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm sao phấn đấu xây dựng làng Chợt thành “làng văn hoá kiểu mẫu”.
Phó Chủ tịch huyện Kbang- ông Phạm Xuân Trường cho biết: Thời gian đầu bà con ở khu tái định cư có những khó khăn, bất cập do nguồn nước xa xôi, thiếu đất sản xuất rồi chưa thích nghi được nơi ở mới nhưng đến nay mọi vướng mắc, bức xúc nhất đã từng bước được giải quyết. Đến cuối năm 2015, công tác đền bù, cấp đất sản xuất đã được chủ đầu tư cơ bản giải quyết dứt điểm.
“Bên cạnh đó, cùng với nguồn vốn của chủ đầu tư thì UBND huyện Kbang cũng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây con giống giúp dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống nơi ở mới” - ông Trường cho biết thêm.
Để ngăn đập tích nước lòng hồ thủy điện An Khê - Kanak, năm 2010 hơn 278 hộ dân tại 2 xã Đắk Smar và Lơ Ku, huyện Kbang phải di dời nhà cửa, vật dụng để chuyển đến nơi ở mới. Từ những bất cập phát sinh do không quen với phong tục tập quán đến điều kiện sản xuất hết sức khó khăn đã khiến hàng trăm người dân lâm cảnh thiếu đói thì đến nay nhiều người dân mới thực sự thấm thía câu thành ngữ “an cư lạc nghiệp” của ông cha ta và công nhận rằng, nơi ở mới thực sự là khu dân cư văn minh, khác rất nhiều so với nơi ở cũ trước đây.