Rút ngắn khoảng cách
Trong tham luận góp ý văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng 30 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, kể cả thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút, khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Đó là vấn đề
Thu nhập của người nông dân thấp so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội.
Trong nhiều năm qua, bằng những nỗ lực vượt bậc, bằng nhiều chủ trương, giải pháp, Đảng, Nhà nước rất chú trọng tới việc thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội. Phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, trong đó mọi người đều có quyền cống hiến, đóng góp, hưởng thụ cũng chính là mục tiêu tối cao của đất nước. Đành rằng, trong thực tế, không một quốc gia nào có thể bảo đảm sự đồng đều về thu nhập giữa tất cả mọi người, nhưng rút ngắn, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo cũng chính là mục tiêu quan trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, do nhiều lý do mà khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội chưa được thu hẹp như mong muốn. Trong một công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 7-2011 dựa trên kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần. Trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt 1,387 triệu đồng/người/tháng (thời điểm lúc bấy giờ), thì nhóm nghèo nhất mỗi tháng một người chỉ thu nhập 369.000 đồng, còn thu nhập trung bình của nhóm giàu là trên 3,4 triệu đồng. Một kết quả điều tra khác, năm 2010, không chỉ giữa đô thị và nông thôn, mà ngay trong các vùng quê, chênh lệch giàu nghèo cũng lớn. Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (công bố tháng 7-2010), cho thấy ngay trong những gia đình nông thôn, khoảng cách giàu nghèo giãn rộng.
Mức thu nhập bình quân thấp nhất là Quảng Nam với trung bình chỉ 42 triệu đồng/hộ/năm, tiếp đến là Lai Châu 46 triệu đồng/hộ/năm. Cao nhất là Long An với 114 triệu đồng/hộ/năm. Trước đó, tại Hội nghị cập nhật nghèo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức (tháng 3-2007) cho thấy, năm 1993, chi cho tiêu dùng bình quân đầu người của gia đình giàu nhất cao gấp 5 lần so với gia đình nghèo nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng lên 6,3 lần vào năm 2004.
Trở lại với tham luận của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông cho rằng nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo và xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần; đầu đổi mới 5,6 lần; hiện tại khoảng 10,2 lần.
Điểm lại những con số cho thấy, công cuộc phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo là vô cùng gian nan. Trong nền kinh tế thị trường (mà cũng không chỉ kinh tế thị trường), chênh lệch giàu-nghèo là không tránh khỏi. Nhưng khoảng cách “bao xa” mới là vấn đề quan trọng. Không thể “cào bằng” thu nhập giữa các đối tượng, vấn đề là nâng thu nhập của người nghèo, đó chính là điểm cốt lõi của an sinh xã hội, ổn định xã hội. Với đối tượng giàu, làm giàu bằng chính khả năng của mình là tấm gương sáng cho xã hội noi theo; ngược lại, làm giàu bất kể thủ đoạn, giàu có nhờ tham nhũng, trục lợi thì không thể chấp nhận vì nó gây nên bức xúc xã hội, mất công bằng xã hội.
Thời gian qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đó là thành tích không thể phủ nhận, là kết quả “ngoạn mục”. Chính vì thế, trên nền tảng vững chắc ấy, cần có những chủ trương, giải pháp mạnh mẽ để cải thiện mức sống của các đối tượng thu nhập thấp, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
Mà một trong những đối tượng cơ bản chính là người nông dân.
Việc ly nông, ly hương diễn ra trong một thời gian dài cho thấy thu nhập thực tế của người nông dân thấp hơn nhiều so với những đối tượng khác. Tâm sự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng xuất phát từ đó, khi ông đặt câu hỏi vì sao người nông dân bỏ ruộng vườn, làng xóm tìm việc việc làm ở những nơi khác, chấp nhận rủi ro. Điều đó có nghĩa là nông nghiệp đã không mang lại lợi nhuận cần thiết, nông thôn đã mất dần sự hấp dẫn. Trong khi, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, khu vực nông thôn có tới gần 70% số người sinh sống.
Thu nhập của người nông dân thấp, trong khi số lượng đông đảo, đã làm cho khoảng cách giàu-nghèo nới rộng. Vì vậy, không thể không chú trọng tới đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Việc đầu tư ấy đã được Đảng, Nhà nước chú ý, tuy thế tới nay số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, khu vực này rất thấp (1% doanh nghiệp trong nước, 3% doanh nghiệp FDI). Quá trình tái cơ cấu, hiện đại hóa nông nghiệp nếu không nhận đươc sự đầu tư của khối doanh nghiệp (vốn, kĩ thuật, tiêu thụ…) thì sẽ không mang lại hiệu quả như trông đợi. Câu chuyện “liên kết 4 nhà”, tích tụ ruộng đất để có điều kiện sản xuất lớn, hình thành chuỗi liên kết… cần phải được đặt ra, làm sâu sắc hơn, đi vào thực chất thì mới tạo ra sự biến chuyển thực sự của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chỉ khi mà người nông dân được thụ hưởng xứng đáng công sức lao động của mình, không phải ly hương, ly nông thì mới có được sự phát triển bền vững, khoảng cách giàu-nghèo mới được thu hẹp.
Toàn dân trông đợi, gửi niềm tin vào Đại hội XII của Đảng. Trong những chủ trương phát triển đất nước, thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân rất trông chờ vào những quyết sách mạnh mẽ để phát triển. Đặc biệt, khi nền kinh tế đất nước hội nhập sâu, thì không thể để sản phẩm nông nghiệp của một quốc gia lấy nông nghiệp làm gốc “thua trên sân nhà”, mà phải chiếm lĩnh thị trường thế giới, cạnh tranh một cách mạnh mẽ với sản phẩm của các nước.
Cùng với trào lưu đô thị hóa, nông thôn, nông nghiệp của đất nước cũng phải tạo được sự biến chuyển mạnh mẽ, đời sống của người nông dân được nâng lên. Khi đó, người nông dân sẽ yêu ruộng yêu vườn, yêu làng xóm của mình, đất nước phát triển hài hòa, bền vững. Nói như Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường thì đã đến lúc phải trả lời câu hỏi: Vì sao ngay cả chúng tôi cũng không muốn con mình là nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo, mò cua bắt ốc chỉ để mong con đi học, đừng có làm nông dân như mình? Và ông Cường cũng dẫn ra các con số: Đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% những năm 2005-2010, và chỉ còn 6,12% đến 6,06% những năm 2012-2014.