Dưa hấu Ninh Thuận: Vẫn tắc đầu ra
Những ngày này, nông dân Ninh Thuận đang quay quắt vì được mùa dưa hấu nhưng rớt giá thảm hại. Theo phản ánh của bà con dưa hấu được thương lái thu mua chỉ với giá 1.200 đồng – 2.000 đồng/kg khiến người trồng dưa lỗ nặng.
Nông dân Ninh Thuận lao đao vì dưa hấu vụ Tết mất giá.
Từ 1.200 đến 2.000 đồng/kg
Thực trạng dưa hấu được mùa rớt giá không còn là chuyện mới, nó đã tiếp diễn hết năm này qua năm khác, song đến nay việc tìm ra lời giải cho thực trạng này dường như vẫn đang bế tắc.
Khoảng nửa tháng trở lại đây, thực trạng được mùa dưa hấu nhưng giá rớt thảm hại đối với bà con nông dân vùng dưa tỉnh Ninh Thuận lại tái diễn. Theo phản ánh của bà con nông dân địa phương này, giá dưa hấu chỉ được thương lái trả khoảng 1.200 đồng – 2.000 đồng/ kg, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Với mức giá như vậy, người trồng dưa chỉ còn cách chấp nhận bán chịu lỗ, vì nếu không bán thì dưa hấu thối, hỏng, cũng phải đổ cho gia súc ăn.
Tình cảnh của bà con vùng trồng dưa hấu tỉnh Ninh Thuận dường như đã không còn xa lạ gì, bởi câu chuyện nông sản “được mùa rớt giá” đã trở nên quá quen thuộc.
Trong năm 2015, nhiều người đã phải chứng kiến hàng chục tấn dưa hấu cũng như nhiều loại nông sản khác như xoài, thanh long… bị ùn tắc, không thể thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vì lượng cung quá lớn. Nhà quản lý cũng như cộng đồng xã hội đã nhiều lần phải tổ chức các chương trình “giải cứu nông sản” cho bà con các địa phương có nguồn nông sản thu hoạch quá nhiều, quá cấp tập.
Trở lại với thực trạng mùa dưa hấu của bà con nông dân tỉnh Ninh Thuận đang trong tình cảnh “được mùa rớt giá”, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có thực trạng này là bởi bà con nông dân địa phương đã tự phát mở rộng diện tích trồng dưa dẫn đến nguồn cung vượt cầu, đẩy giá dưa hấu rớt thê thảm.
Thực tế này một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Bao giờ người nông dân – những người trực tiếp làm ra các loại nông sản – hết lâm cảnh “được mùa rớt giá”?
Vẫn trồng theo phong trào
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, dưa hấu là loại nông sản ngắn ngày, dễ chuyển đổi nên thường được đưa vào trồng tăng vụ, xem kẽ với các loại nông sản khác nên không xây dựng được quy hoạch vùng trồng, dẫn tới thực trạng sản lượng dưa hấu thường không ổn định.
Vì không có quy hoạch nên tại nhiều địa phương, người nông dân vẫn thường tự phát tăng diện tích trồng dưa, từ đó dẫn đến nguồn cung lớn vượt cầu khiến giá dưa bị đẩy xuống thấp.
Giải bài toán tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, trong đó có dưa hấu đã được các nhà làm quản lý đưa ra bàn luận rất nhiều lần. Tuy nhiên, dường như tất cả vẫn đang dừng ở giải pháp tình thế. Đơn cử như ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc thì có chương trình thiện nguyện, tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân của cộng đồng xã hội. Rồi các nhà chức trách cũng đề xuất những giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng, mở thêm các điểm thông quan để tránh cảnh ùn tắc nông sản nơi cửa khẩu. Tuy nhiên, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, vấn đề dài hơi hơn là cần phải giải bài toán về quy hoạch vùng trồng nông sản cũng như thay đổi tư duy của người nông dân, để họ không còn tư duy “tự phát”, tự mở rộng diện tích trồng trọt, dẫn tới cung vượt cầu, ế thừa nông sản, thua lỗ… mới là vấn đề giải quyết tận gốc thực trạng “được mùa rớt giá” đã tồn tại nhiều năm qua.
Thực tế, thời gian qua, người nông dân vẫn thường xuyên sản xuất theo kiểu tự phát, phong trào, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch vùng trồng nông sản. Bà con nông dân cứ thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là lại chặt bỏ cây để chuyển đổi sang cây con khác, hoặc thấy cây gì có lợi nhuận là lại lao vào trồng ồ ạt… Chính việc phá vỡ quy hoạch, thấy lợi là đổ xô trồng đã dẫn tới tình trạng cung vượt cầu như hiện nay. Theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để thay đổi được tư duy đó, công tác thông tin, dự báo thị trường là điều cần thiết, để bà con nông dân có thể biết thị trường cần gì, và không cần sản phẩm gì từ đó trồng cây gì cho hợp lý, tránh tình trạng đổ xô vào trồng môt loại cây dẫn tới nguồn cung quá lớn.
Riêng đối với mặt hàng dưa hấu, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, chúng ta cần xác định xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến. Dưa hấu là một loại cây ngắn ngày, diện tích không ổn định nên đặt vấn phải quy hoạch vùng trồng là rất khó. Song, nếu tại các vùng trồng dưa chúng ta có sự kết nối với nhà máy chế biến thì là điều hoàn toàn có thể làm được. Điều này không khó song dường như chưa có sự kết nối, chung tay giữa DN và người nông dân nên câu chuyện dưa hấu bị ế thừa, người trồng dưa bị thua lỗ vẫn chưa có hồi kết.