Đối thoại doanh nghiệp với người lao động: Vẫn chỉ làm cho có
Nơi nào tổ chức tốt việc đối thoại tại nơi làm việc thì nơi đó quan hệ lao động luôn ổn định, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể. Đây là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc đối thoại doanh nghiệp với người lao động hiện nay vẫn chỉ được tiến hành dưới hình thức chia sẻ thông tin, làm cho có.
Đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động
một cách thiết thực để tìm ra tiếng nói chung.
Cuối tuần qua Bộ LĐTB&XH đã công bố Báo cáo khảo sát tình hình thực hiện đối thoại tại nơi làm việc. Báo cáo này được Bộ LĐTB&XH thực hiện tại 120 doanh nghiệp tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Doanh nghiệp khảo sát thuộc 8 nhóm ngành nghề (điện, điện tử, điện gia dụng; dệt may, da giày; vận tải, kho bãi; cơ khí chế tạo máy, sơn, hóa chất...) có sử dụng từ 300 lao động trở lên, thành lập trước ngày 1/1/2014 và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Báo cáo cho thấy, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều đã triển khai đối thoại tại nơi làm việc, trong đó có 36 DN tổ chức đối thoại định kỳ 1 tháng/lần (chiếm 30%), 62 DN tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần (chiếm 52%), 5 DN tổ chức 6 tháng/lần (chiếm 4%) và 17 DN tổ chức 1 năm/lần (chiếm 14%). Số DN tổ chức định kỳ 1 tháng/lần chủ yếu là các DN tham gia Chương trình Betterwork. Các vấn đề được các DN trao đổi nhiều nhất tại các cuộc đối thoại bao gồm: tình hình sản xuất kinh doanh của DN, tiền lương, tiền thưởng; chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động và chế độ an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, công tác đối thoại tại nơi làm việc vẫn còn nhiều hạn chế do biến động lao động lớn, nhất là ở các DN dệt may, có nơi tỷ lệ biến động lao động lên tới 50%. Ý kiến người lao động mới chỉ tập trung vào việc giải quyết quyền lợi cho người lao động mà chưa quan tâm nhiều đến giải pháp nâng cao năng suất lao động, thậm chí một số DN còn nhầm lẫn giữa nội dung đối thoại và thương lượng.
Đánh giá về hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân thẳng thắn cho rằng, đối thoại tại nơi làm việc là giải pháp tìm tiếng nói chung để từ đó hạn chế những mâu thuẫn phát sinh giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đây là việc làm được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam quy định này cũng được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật điển hình như tại Điều 10 Nghị định 60/2013/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc đối thoại tại nơi làm việc vẫn được các DN tổ chức dưới hình thức chia sẻ thông tin.
“Để việc đối thoại hiệu quả, hai bên phải có sự trao đổi với nhau để cùng tìm ra giải pháp xuất phát từ lợi ích kinh doanh, ổn định quan hệ sản xuất. Thực hiện đối thoại sớm sẽ giúp người lao động được giải đáp những vướng mắc gây tổn hại lợi ích của DN. Còn những DN không thực hiện đối thoại thì rất khó tìm được tiếng nói chung với người lao động” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho rằng, đối thoại là xu hướng được khuyến khích trong thời kỳ hội nhập, là điều kiện cần để ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp một cách căn cơ. Mạnh dạn đưa ra chính kiến, cùng trao đổi và đưa ra hướng giải quyết trên cơ sở đồng thuận sẽ giúp DN và người lao động xây dựng niềm tin, từ đó cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích phải là mục tiêu mà đối thoại hướng đến
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm xảy ra 450 vụ ngừng việc tập thể và đình công. Các cuộc đình công có tới 80 - 90% liên quan đến chế độ tiền lương như mức lương thấp, không được tăng lương theo cam kết, bị nợ lương… Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như tăng ca quá nhiều, điều kiện, môi trường làm việc chưa bảo đảm; người lao động không được ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT đúng quy định...