Mạnh giàu lên từ biển

Duy Khang 27/01/2016 08:19

Trên thế giới, những nước có bờ biển đều mong muốn hướng ra biển, khai thác tiềm năng của biển, xây dựng chiến lược biển vì biển thực sự là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá. Nhiều nước đã thành công khi lựa chọn biển làm mũi nhọn kinh tế của quốc gia. Việt Nam, quốc gia biển, đó là thế mạnh vô cùng to lớn để xây dựng và phát triển một nền kinh tế hướng biển. 

Mạnh giàu lên từ biển

Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Khánh Hòa.

Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành hàng hải, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển... bước đầu cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, mặc dù nhà quản lý đã rất nỗ lực trong việc đầu tư cho kinh tế biển, hiện đại hóa các tàu cá giúp ngư dân vững tâm vươn khơi, song, số tàu cá lớn, hiện đại vẫn còn là một con số rất khiêm tốn. Vì vậy, Nghị định 67 cho ngư dân vay vốnvới lãi suất thấp để hiện đại hóa tàu đánh cá, thay thế dần tàu gỗ bằng tàu vỏ thép rất được các địa phương ven biển ủng hộ.

Việt Nam có trên 3.260km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.000 đảo, quần đảo… Đất nước sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá mà không nhiều quốc gia có được.

Vươn ra biển, khai thác và bảo vệ biển là sự lựa chọn có tính chất sống còn của dân tộc Việt Nam. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhằm nhanh chóng đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển. Chiến lược biển xác định: Phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP cả nước. Chiến lược biển nhấn mạnh: Thế kỷ 21 được thế giới xem là thế kỷ của đại dương, do đó đất nước phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển.

Tới nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách, biện pháp, nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực chủ yếu của kinh tế biển, với tốc độ nhanh và bền vững. Nhờ đó đã mang lại những thành tựu đáng kể: Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên rõ rệt, có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Kinh tế biển đã và đang mang lại cho các địa phương có thế mạnh về biển đảo sự “thay da đổi thịt”, đời sống của ngư dân các vùng ven biển cũng được nâng lên rõ rệt.

Chỉ với riêng lĩnh vực du lịch, biển hằng năm đã đem lại nguồn thu lớn cho nhiều địa phương. Con số thống kê cho biết, các địa phương vùng biển mỗi năm thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/ năm.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài các ngành kinh tế biển truyền thống như thủy sản, hàng hải, du lịch,... thời gian qua, cơ cấu ngành, nghề cũng thay đổi với sự ra đời của những ngành mang lại nguồn thu cao như khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản, vận tải biển... Trong đó, dầu khí đã đem lại hiệu quả kinh tế to lớn nhiều năm qua. Sản lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu liên tục gia tăng với tốc độ bình quân đạt khoảng 15%/năm. Xuất khẩu dầu thô đã mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu của nền kinh tế, đồng thời tạo nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế đất nước ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Kể từ thời điểm Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới đến nay, nhu cầu giao thương với các nền kinh tế lớn mạnh ngày càng được nâng cao. Bởi vậy, ngành hàng hải được quan tâm đầu tư xây dựng với những đội tàu mạnh, cảng biển lớn có khả năng giao thương, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu với khối lượng hàng hóa ngày một gia tăng. Hiện nay, ngoài đội tàu, đất nước có hệ thống khoảng 90 cảng biển lớn nhỏ với tổng năng lực hàng hóa thông quan gần 100 triệu tấn/năm.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hội nhập kinh tế quốc tế này càng sâu rộng, đặc biệt từ 1-1-2016 vừa qua, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) chính thức thành lập sẽ mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành vận tải biển Việt Nam nói riêng, sự phát triển của kinh tế đất nước nói chung, trong đó có cả lĩnh vực dịch vụ hàng hải. Hội nhập kinh tế sâu rộng là điều kiện tiền đề, cũng là động lực cho các doanh nghiệp dịch vụ vận tải mở rộng khả năng vận chuyển, cung ứng, kho bãi, bến cảng… nâng cao thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực. Như vậy, với lợi thế nhiều cảng nước sâu, các trung tâm logistic sẽ đem lại hiệu quả to lớn không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài.

Thời gian qua, nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đã mang lại nguồn thu quan trọng cho ngư dân các địa phương vùng ven biển. Các đội tàu lớn đánh bắt xa bờ ngày một nhiều lên. Nhiều năm qua với lợi thế bờ biển dài, các địa phương khu vực Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung đã phát triển khá nhanh và mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản. Diện tích và sản lượng tăng đều theo các năm góp phần vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản, bên cạnh đó, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập của bà con nông dân vùng ven biển. Đặc biệt, với Nghị định 67 được Chính phủ ban hành hồi năm 2014 nhằm hỗ trợ phát triển thủy sản, ngư dân nhiều địa phương đã được vay vốn lên tới 95% giá trị con tàu với lãi suất thấp để hiện đại hóa tàu đánh cá, thay thế dần tàu gỗ bằng tàu vỏ thép. Đây là chính sách hết sức hợp lý nhằm tạo điều kiện để ngư dân vùng ven biển yên tâm vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Có thể thấy, cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành hàng hải, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển... bước đầu cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, mặc dù nhà quản lý đã rất nỗ lực trong việc đầu tư cho kinh tế biển, hiện đại hóa các tàu cá giúp ngư dân vững tâm vươn khơi, song, số tàu cá lớn, hiện đại vẫn còn là một con số rất khiêm tốn.

Anh Nguyễn Văn Tăng, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã từng chia sẻ với phóng viên Đại Đoàn Kết rằng, những ngư dân như anh đang ngày đêm bám biển không chỉ với mục đích duy nhất là mưu sinh, kiếm sống mà cao cả hơn thế, đó là luôn đau đáu với tình yêu biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Anh cảm thấy rất tự hào vì vẫn đang từng ngày, từng giờ vượt sóng vươn khơi bám biển. Niềm khát khao lớn nhất của anh Tăng cũng như hầu hết ngư dân là trong tương lai không xa, cùng với chiến lược biển Việt Nam, biển đảo Việt Nam sẽ mang một dáng dấp mới với những con tàu vỏ thép hiện đại có thể hiên ngang vươn ra khơi xa.

Như vậy, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là mục tiêu mang tính chiến lược. Những đội tàu cá lớn đủ mạnh để ngư dân yên tâm bám biển, những hệ thống trạm quan trắc, dự báo ngư trường hiện đại, phát triển cảng nước sâu, trung tâm logistic… sẽ là những giải pháp tối quan trọng cần triển khai nhanh, mạnh để có thể đưa Việt Nam trở thành một nước thực sự “mạnh từ biển, giàu từ biển”.

Duy Khang