Các chính sách thất bại của EU trong đối phó khủng hoảng di cư

28/01/2016 07:35

Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng kể từ sau Thế chiến II bằng hàng loạt các chính sách; từ chia sẻ gánh nặng giữa các thành viên, cho tới các biện pháp đóng cửa với người di cư… nhưng đa phần đều thất bại.

Người di cư.

Di chuyển tạm thời

Hồi đầu năm ngoái, hàng trăm nghìn người di cư từ châu Phi đổ dồn về Italy, và một phần khác đi đến Hy Lạp thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến 2 quốc gia này gần như bị quá tải vì không thể tiếp nhận nổi một số lượng người lớn như vậy chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Để giảm nhẹ gánh nặng đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-claude Juncker trong tháng 5-2015 đã đề xuất di chuyển 40.000 người từ 2 quốc gia trên sang các nước EU khác trong vòng 2 năm, và tuân thủ theo một hệ thống hạn ngạch tiếp nhận người di cư.

Đến tháng 9/2015, số lượng người di cư tiếp tục gia tăng, Hungary lúc đó lọt vào danh sách các nước tiếp nhận nhiều người di cư nhất với con số người phải tiếp nhận lên tới 160.000 người. Chính phủ nước này lúc bấy giờ còn cho người di cư đi máy bay miễn phí. Chỉ vài tuần sau đó, chính phủ nước này tranh cãi về việc chuyển chính sách tị nạn lên EU vì không thể tiếp nhận thêm người.

Cuối cùng thì chính sách này cũng thất bại. EC quay sang đổ tội cho các nước thành viên vì đã từ chối thực thi đúng kế hoạch. Các quốc gia EU thì nói rằng người di cư rất quyết tâm và chỉ muốn đến nước Đức chứ không đâu khác. Tính đến nay, chỉ có khoảng 414 người di cư được di chuyển theo chính sách thất bại này.

Di chuyển vĩnh viễn

Và hiện tại, ông Juncker đang tiếp tục lên kế hoạch để áp đặt một hệ thống hạn ngạch tiếp nhận khác, và lần này là nhằm di chuyển dòng người di cư vĩnh viễn chứ không phải tạm thời - chính sách mà một số nước như Ba Lan và Slovakia phản ứng rất gay gắt. Chính sách này được đưa ra trùng thời điểm mà EU đang xem xét lại hiệp ước Dublin, trong đó cho phép các nước gửi trả lại người di cư cho các nước thành viên khác mà họ đã từng băng qua.

Trục xuất

Hiện vẫn còn quá sớm để tính xem có bao nhiều trong số hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu trong năm 2015 được cấp quyền tị nạn. Frans Timmermans, Phó Chủ tịch thứ nhất của EU, cho hay cứ 6 trong số 10 người di cư đến châu Âu trong cuối năm 2015 là thuộc diện người di cư kinh tế, và họ không được coi như người tị nạn. Điều này mở ra khả năng rằng trong năm 2016 sẽ có đến gần một nửa trong số 1 triệu người di cư bị trục xuất khỏi châu Âu.

Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Valletta, thủ phủ của Malta, hồi tháng 10 năm ngoái, giới lãnh đạo EU từng đề xuất hỗ trợ các nước châu Phi khoản tiền 1,8 tỷ Euro cùng các lợi ích khác như thị thực ngoại giao và học bổng…để các nước này tiếp nhận những người bị trục xuất khỏi EU. Nhưng kế hoạch này sau đó bị đổ bể do bị giới lãnh đạo châu Phi phản đối dữ dội.

Tính đến nay, chỉ có khoảng 683 người di cư bị trục xuất khỏi một số quốc gia như Kosovo, Pakistan, Nigeria và Italy.

Thổ Nhĩ Kỳ

Trong suốt mùa hè năm 2015, dòng người di cư di chuyển từ bờ biển Libya đến Italy cũng giảm đột biến do được chuyển hướng sang tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp.

Theo một thỏa thuận lớn được đưa ra ở Brussels, Bỉ hồi tháng 11 năm ngoái, EU cũng chấp nhận trao khoản tiền hỗ trợ trị giá 3 tỷ Euro cho chính quyền Ankara để nước này giúp họ ngăn chặn dòng người di cư bằng cách đặt ra các biện pháp kiểm soát biên giới.

Thế nhưng số lượng người di cư đến châu Âu hiện nay vẫn quá lớn, với khoảng 45.000 người đến Hy Lạp chỉ tính riêng trong tháng 1-2016. Trong khi giới ngoại giao EU liên tục phàn nàn rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không hề thực thi một biện pháp nào cả; khiến cho nhiều nhà lãnh đạo EU lại phải họp bàn để xem số tiền hỗ trợ trên đã biến đi đâu.

Lực lượng biên phòng

Từ trước đến nay, các quốc gia ở Bắc Âu liên tục chỉ trích Hy Lạp vì đã thất bại trong việc kiểm soát dòng người di cư. Và theo kế hoạch được ông Juncker đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, EU sẽ thành lập một lực lượng biên giới chung, được trang bị trực thăng, máy bay không người lái cùng một lực lượng lính gác lên tới 1.200 người đến từ các nước thành viên.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị một số nước phản đối do quyền hành của lực lượng này quá lớn.

“Đóng cửa” Hy Lạp

Và chính sách tiêu cực nhất trong số này phải kể đến kế hoạch “đóng cửa” Hy Lạp đối với người di cư, một kế hoạch mới được giới lãnh đọa EU đưa ra cách đây 6 tuần nhằm cứu vãn Hiệp ước Schengen.

Giới quan sát cho rằng kế hoạch này chả khác gì đẩy Hy Lạp ra khỏi khu vực tự do đi lại theo hiệp ước Schengen, và biến quốc gia này thành một trại tị nạn khổng lồ cho EU.