Đại hội của đoàn kết và dân chủ
Sau 9 ngày làm việc (trong đó có một ngày họp trù bị), hôm qua 28/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu ra được một BCH Trung ương mới với 180 Ủy viên chính thức BCH Trung ương và 20 Ủy viên dự khuyết. Trong phiên họp thứ nhất Hội nghị BCH Trung ương khóa XII đã bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái cử chức danh Tổng Bí thư với số phiếu rất cao. Trong phát biểu nhận nhiệm vụ ngay sau khi ra mắt, thay mặt BCH Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư đã bày tỏ lời cám ơn và nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy đây là vinh dự và nguồn động viên hết sức to lớn để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là để vượt qua không ít những khó khăn, thách thức đang ở phía trước.”
Đại hội lần thứ XII diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn có những diễn biến phức tạp, những mối đe dọa, thách thức của an ninh truyền thống và phi truyền thống đang hiện hữu và là lực cản cho hòa bình, ổn định cho sự phát triển đi lên của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính vì lẽ đó mà trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nói thách thức đang ở phía trước.
Đại hội XII vì thế đã trở nên quan trọng không chỉ vì nó đặt ra mục tiêu, đường hướng cho 5 năm tiếp theo, không chỉ vì nó đề ra các mục tiêu kinh tế- xã hội cụ thể cho giai đoạn ngắn hạn- giai đoạn 5 năm mà quan trọng hơn là đề ra mục tiêu cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn. Với 1508/1510 đại biểu biểu quyết, các vấn đề lấy ý kiến Đại hội đều được đồng ý với tỷ lệ cao, từ 98%-99,9%. Cùng với việc thống nhất chủ đề Đại hội, các đại biểu cũng thông qua các mục tiêu tổng quát 5 năm tới. Đại hội đồng ý mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7%/ mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đến 2020 đạt 3.200-3.500 USD; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm. Đến 2020 mục tiêu 95% cư dân thành thị, 90% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Những con số biểu quyết có vẻ khô khan ấy cho thấy 2 điều.
Thứ nhất, gần như tất cả các đại biểu ĐH đã thống nhất ý chí hành động, đoàn kết cùng có tiếng nói chung trong các mục tiêu phát triển. Thứ hai, rõ ràng, các văn kiện đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo mọi chỉ tiêu, cùng các giải pháp- vì thế nên nó nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu.
Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Các văn kiện tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta; xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng và không ít khó khăn, thách thức.
Đại hội cũng đã biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong những năm tới, thực hiện bằng được mục tiêu tổng quát : “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Đương nhiên, chúng ta có một lợi thế- đó là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Nhưng, thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hoá, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Và để thành công, để có những kết quả cụ thể, chắc chắn đường lối chiến lược cần nhiều giải pháp, bước đi cụ thể; nhưng nếu không đoàn kết thì sẽ chẳng thể đi đến thành công. Tư tưởng đại đoàn kết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra và trở thành tư tưởng xuyên suốt trong lý luận và đấu tranh cách mạng Việt Nam.
Báo cáo của BCH Trung ương khóa XI đã nhấn mạnh: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Thực tế, đại đoàn kết chính là cội nguồn để phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng. Cũng vì thế, trong đường lối của Đảng ta, lâu nay đã khẳng định: Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Và, đoàn kết trong Đảng được coi là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện tốt tất cả các mục tiêu nói trên vai trò của MTTQ Việt Nam là rất lớn; vì đây liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị; các tổ chức chính trị-xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đảng cũng đặt niềm tin son sắt vào MTTQ Việt Nam và nhấn mạnh nhiệm vụ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như một yếu tố không thể thiếu của cách mạng Việt Nam.