Khó kiểm soát thực phẩm bẩn
Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cảnh báo, thực phẩm bẩn đổ về thành phố sẽ rơi vào tình trạng đáng báo động nếu như không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.
Theo đại diện Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 1.000 – 1.200 tấn thịt các loại, bao gồm khoảng 8.000 – 10.000 con lợn, 750 – 850 con trâu bò, 120.000 – 130.000 con gia cầm và trên 200 tấn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu. “Trong thời gian tới, lượng hàng Tết về phục vụ tại thành phố tăng gấp 2 -2,5 lần, sẽ rất khó kiểm soát và sàng lọc. Nếu không kiểm tra và kiểm soát kịp thời thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn”, ông Phan Xuân Thảo chia sẻ.
Trước đó, ngày 8/1, Đoàn công tác liên ngành phòng chống dịch Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Chi cục Thú y TP HCM) kiểm tra tuyến quốc lộ 1A phát hiện xe tải biển số 51C-08863 vận chuyển 24 thùng xốp. Kết quả kiểm tra cho thấy, toàn bộ lô hàng là vú heo đông lạnh với tổng khối lượng 1.200 kg không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,7 triệu đồng. Ngày 13/11/2015 kiểm tra, Chi cục Thú y thành phố phát hiện ông Trần Xuân Quảng (235/5D Bis Bạch Đằng, phường 15, quận Bình Thạnh) kinh doanh sản phẩm động vật trái phép được vận chuyển từ Nam Định vào TP HCM bằng xe khách. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tang vật gồm 1.202 kg vú heo không giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong điều kiện chăn nuôi trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng 18 – 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân thì nguồn thịt nhập từ các tỉnh thành khác chiếm tỷ trọng lớn. Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm vào thành phố cũng gặp không ít khó khăn.
Không riêng gì thịt gia súc không có giấy chứng nhận kiểm dịch, heo bơm nước, heo được sử dụng chất gây mê “đổ bộ” vào thành phố rồi phân phối khắp địa bàn. Chi cục Thú y thành phố cho biết, đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện nhiều vi phạm.
Đơn cử, trong một thời gian ngắn kiểm tra 117 lô hàng với 365 mẫu thì phát hiện 64 mẫu dương tính với chất cấm. Để lách cơ quan quản lý thương lái thường thực hiện bơm nước và giết mổ tại tỉnh rồi vận chuyển về TP HCM tiêu thụ.
Kết quả trong năm đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 96 trường hợp có hành vi kinh doanh thịt heo bơm nước, với số tiền phạt hơn 250 triệu đồng. Chi cục Thú y TP HCM cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh, trong đó nhiều nhất là Long An, chấn chỉnh tình trạng bơm nước vào gia súc và kinh doanh thịt đã rỉ dịch.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn bủa vây, một số cơ quan quản lý thành phố bày tỏ lo ngại. Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cảnh báo, thực phẩm bẩn đổ về thành phố sẽ đáng báo động hơn nếu như không có biện pháp kiếm soát, ngăn chặn kịp thời. Bàn về vấn đề này bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM thông tin, Sở đã tăng cường kiểm tra từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó còn tăng cường công tác chốt chặn tại các cửa ngõ đi vào thành phố. Không chỉ kiểm tra thực phẩm ở thành phố mà ngành nông nghiệp còn tổ chức ký kết với các tỉnh khác để kiểm tra nguồn thực phẩm từ gốc và xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn của thành phố.