Thanh Bình trù phú
Nằm ven đồi cát dọc bờ biển, nương tựa vào rừng trâm bầu “bức thành” chắn gió cát của làng, thôn Thanh Bình, (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được ví von như “người con gái” được mẹ hiền ôm ấp, che chở trong vòng tay yêu thương. Giữa màu xanh của ruộng đồng, màu đỏ ngói mới, thôn Thanh Bình còn là nơi có truyền thống đánh bắt thủy sản mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.
Làng quê trù phú ở Thanh Bình.
Thôn Thanh Bình (xã Quảng Xuân) trước đây có tên là Nghĩa Nương, (có nghĩa là người con gái hiếu nghĩa), một ngôi làng nằm trải dài trên triền cát dọc bờ biển. Theo các cụ cao tuổi ở thôn kể lại, cách đây hơn 460 năm, khi ông tổ Dương Phúc Thái cùng 11 vị khai canh khác chọn mạch địa lý định đất theo hướng Bắc-Nam, lấy mạch nước từ rừng trâm bầu làm nguồn sinh sống, xây dựng các lân nóc (xóm). Thấy thế đất có rừng trâm bầu, trước mặt làng là cánh đồng thuận trồng lúa nước, hợp trồng ngũ cốc, tiền nhân đã đặt định danh tính, chịu sự quản lý của quan phủ trong vùng, dân làng cùng nhau lao động, khai hoang, mở đất, quần tụ sinh sống, cắt đặt lề lối, giữ gìn gia phong, nếp sống để dựng làng ngày một trù mật.
Bên chén trà đầu Xuân, trưởng thôn Thanh Bình, ông Đậu Thanh Minh cho biết, đến nay thôn có 516 hộ, với khoảng 2.134 khẩu. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Ban cán sự và người dân thôn Thanh Bình đã phát huy nội lực để vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển về nông, ngư nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu lao động. Hằng năm, người dân trong thôn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất cao vào gieo trồng, chăn nuôi. Các dịch vụ buôn bán, sản xuất vật liệu ngày càng phát triển đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm người lao động.
Với lợi thế gần biển nên nhiều hộ ngư dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển nghề đánh bắt và chế biến thủy sản. Không những thế, để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư sản xuất lâu dài, hơn 15 năm nay người dân ở Thanh Bình đã xuất khẩu lao động sang các nước, gửi nguồn ngoại tệ về xây dựng quê hương.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường rộng dài vừa đổ bê tông, ông Đậu Thanh Minh chia sẻ, đến nay toàn thôn có khoảng hơn 200 lao động đang đi xuất khẩu lao động ở các nước; có khoảng 100 ngôi nhà cao tầng khang trang được xây dựng từ nguồn tiền xuất khẩu lao động.
Năm 2006, với sự đồng thuận, chung tay đóng góp của người dân, thôn Thanh Bình đã xây dựng Nhà văn hoá rộng rãi với đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng và hội họp. Từ thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay nhân dân thôn Thanh Bình đang chung sức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các trục đường ngang dọc ở thôn Thanh Bình đã được bê tông. Ban đêm tại các trục đường chính đều có đèn điện chiếu sáng. Thôn cũng vừa khánh thành cổng làng với trị giá hơn 700 triệu đồng từ nguồn kinh phí do nhân dân quyên góp, ủng hộ.
Ông Phan Xuân Việt, Bí thư Đảng bộ thôn Thanh Bình, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn chia sẻ: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân trong thôn đã thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hương ước của thôn nên 3 năm liền (2013-2015), Thanh Bình đạt danh hiệu Làng văn hóa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thôn Thanh Bình quyết tâm, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp.