“Thần tài hè phố”
Ở Miền Tây Nam bộ, đi ra đường là gặp người bán vé số, những “thần tài hè phố” luôn mang nguồn lợi khủng về cho các công ty, mang vận may đổi đời đến cho người mua vé số. Thế nhưng bản thân họ lại phải sống cuộc sống khó khăn cơ cực, bấp bênh. Nghịch cảnh này đang diễn ra hàng ngày ở nơi đây.
Chuyện buồn của các “thần tài”
Cơn mưa chiều bất chợt khiến tôi phải tấp vội vào quán cà phê ven đường, chưa kịp gọi ly cà phê thì giật mình bởi cái vỗ nhẹ, một người đàn ông vận chiếc áo sơ mi mỏng sũng nước mưa giọng lập cập: Chú ơi mua giùm tôi tờ vé số, gần hết giờ rồi mà gặp trận mưa này chắc ế rồi. Ở Miền Tây Nam Bộ, có đặc điểm là nắng đó mưa đó, không biết đâu mà lần. Thỉnh thoảng lại có trận gió luồn khiến cho người ớn lạnh, ốc cục nổi lên. Tôi quay sang hỏi ông, áo ngấm nước vậy coi chừng cảm lạnh đó bác. Cười buồn ông bảo, quen rồi chú ạ, mưu sinh vỉa hè sao có thể sạch sẽ, ấm áp được.
Ông tên Nguyễn Văn Tý, 61 tuổi, quê gốc Sóc Trăng, vốn làm nghề nông, trong một lần làm cỏ ruộng vô tình chặt đúng đầu đạn nên bị cụt cả 2 tay và mù 1 bên mắt. Vài năm sau vợ ông qua đời vì bệnh ung thư, để lại đứa con gái “không bình thường” cho ông nuôi nấng, đến nay cũng gần 40 tuổi. Cuộc sống lại cơ cực thêm, hai cha con dắt díu nhau đi bôn ba lên tận Cần Thơ rồi ở trên 1 chiếc ghe và làm nghề bán vé số dạo. Được một thời gian chiếc ghe hư ông đành đi ở trọ, cũng may thấy hoàn cảnh của ông người ta thương tâm và mua vé số nên mỗi ngày trung bình ông cũng bán được trên 100 tờ.
Anh Tý bán vé số.
Ở Miền Tây Nam Bộ người bán vé số dạo nhiều vô kể, không giống như ngoài miền Bắc người ta mua vé số theo đúng với slogan ghi trên tờ vé số “Xổ số ích nước lợi nhà”. Có người bạn ở miền Bắc lần đầu tiên vào miền Tây nhận ra ngay, ở ngoài kia, người đi đánh giày nhiều bao nhiêu thì ở trong Nam người bán vé số nhiều bấy nhiêu. Ở trong này người dân mua vé số chủ yếu là cầu may, vì giá trị của nó rất lớn, nếu trúng đặc biệt 1 vé được 1,5 tỷ đồng, đối với người nghèo và hạng trung thì đây được xem là cơ hội đổi đời.
Trở lại với câu chuyện của ông Tý, gần đến Tết rồi, ngày Tết là ngày đoàn viên sum họp gia đình, ai đi xa cũng mong được trở về, “nơi chôn nhau cắt rốn” nhưng ông Tý lại không muốn về quê, phần vì tốn kém, phần vì ông không muốn trở về nơi gợi lại cho ông những kỷ niệm buồn. Ông Tý chia sẻ thêm: Tôi mong Tết vì Tết có nhiều người mua vé số, kể cả tụi học sinh cũng mua nhiều. Nhưng thực lòng tôi không muốn bán vé số cho mấy đứa nhỏ vì như vậy sẽ tạo cho chúng thói ỷ lại, không lo học hành, không lo cho tương lai.
Ông kể, có mối hầu như ngày nào cũng mua vé số của tôi, đó là hai vợ chồng thợ hồ nhà nghèo lắm, vợ chồng làm thuê làm mướn cả ngày cũng được khoảng 100 ngàn thì mua vé số hết 70 ngàn để cầu may đổi đời thoát nghèo, riết rồi mạt luôn, đổ nợ bỏ xứ làm ăn. Mà cách đó đâu có bền vững đâu chú ơi – ông Tý khẳng định với tôi như vậy.
Ông kể tiếp, khoảng năm 2000 ông N.T.P. ngụ phường Hưng Lợi, TP Cần Thơ trúng 5 tờ vé số đặc biệt, hồi đó mệnh giá đặc biệt chỉ có 125 triệu đồng, tổng số tiền trên 600 triệu đồng. Có tiền, ăn xài phung phí, vợ chồng hục hặc nhau trong chi tiêu và quản lý tiền bạc dẫn tới ly tán, con cái không ra gì, một thân một mình vất vưởng, giờ nhìn ông P như cái xác không hồn, nhậu nhẹt tối ngày, khối tài sản đó cũng không cánh mà bay hết. Chứng kiến được nhiều cảnh như vậy nên ông Tý nghiệm ra: “Thường tiền từ trên trời rơi xuống không bền, tiền tự mình vất vả làm ra mới bền và mới biết xài đúng cách…”
Cũng tật nguyền như ông Tý, nhiều năm qua, dù mất đôi chân nhưng anh Hoàng đã không buông xuôi, không làm được gì anh chọn nghề bán vé số mưu sinh, tự chế ra chiếc xe nằm và lết hết nơi này đến nơi khác để bán vé số. Anh tâm sự: Những ngày thường thì không sao, đến tháng mưa vất vả lắm, đang lết dọc đường bỗng nhiên mưa, trở tay không kịp có nhiều người thương tình lại đẩy giúp xe vào trú mưa, còn không là ướt hết, chỉ kịp lo làm sao không bị ướt vé số.
Chỉ hai hoàn cảnh thương tâm thôi cũng phần nào hình dung ra được cuộc mưu sinh của những người bán vé số. Họ là những người già, trẻ mồ côi, cơ nhỡ, người tàn tật…mỗi ngày rong ruổi đến vài chục cây số trên mọi nẻo đường phố, chỉ mong kiếm đủ miếng cơm manh áo qua ngày.
Có công bằng
Nhiều người tưởng nghề bán vé số dễ ăn, chỉ cần cầm tờ vé số đi bán, bán được 1 tờ lãi 1.000 đồng. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu cuộc đời hoàn cảnh của người bán vé số mới thấy hết những nỗi cơ cực.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những người bán vé số có thâm niên chừng 1 năm trở lên ít nhất cũng vài lần gặp “tai nạn”, có thể là bị giật toàn bộ vé số, trắng tay, hay bị kẻ lừa đảo đổi vé trúng giả, không những mất toàn bộ vốn mà còn phải bù lỗ. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm cho người bán vé số nản lòng bằng các quy định “trời ơi” của các đại lý và công ty xổ số.
Trước đây quy định 15h hàng ngày người bán vé số dạo được trả lại 30% số vé đã lấy, nhưng từ năm 2014 chỉ được trả lại 5 đến 15% (còn tùy vào quy định từng công ty – PV), có nhiều người mải miết đi bán quên thời gian trả vé hay gặp những hôm mưa dầm là ôm xô luôn. Với quy định khắc nghiệt này đã khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bán vé số dạo ở miền Tây Nam Bộ bỏ nghề, thậm chí nhiều người nghèo cố gắng bám trụ thêm nhưng rồi cũng lâm nợ đành khăn gói về quê .
Tiếp xúc với một cán bộ của một công ty xổ số ở miền Tây Nam Bộ chúng tôi mới biết được, cứ phát hành được 1 triệu tờ vé số, các công ty xổ số kiếm vào ít nhất 1 tỉ đồng. Ngành chức năng thống kê ở vùng ĐBSCL có tới 300.000 đến 500.000 người bán vé số dạo, đây có thể coi là đội ngũ nhân lực vô cùng lớn mà các công ty XSKT ở miền Tây đang sở hữu mà lại không phải trả bất cứ một khoản trợ cấp hay hỗ trợ nào.
Có một thực tế chua xót là trong khi những người dân nghèo bán vé số lân la hàng ngày để đóng góp cho các đại lý, cho các công ty xổ số với số tiền lớn vô kể, nhưng bù lại cuộc sống của họ vẫn trăm bề khốn khó. Ấy vậy mà gần đây lại rộ lên những chuyện về thu nhập “khủng” của lãnh đạo, nhân viên các công ty xổ số, thậm chí là bảo vệ lương cũng lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.