Thế giới sắp chứng kiến những năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại
Giới chuyên gia khí tượng mới đây lại đưa ra cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ còn tiếp tục gia tăng trong suốt 12 tháng trong năm 2016 do mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng cùng các ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng El Nino. Dự kiến 2016 sẽ trở thành một năm nóng kỷ lục mới trong lịch sử nhân loại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 30 năm qua là khoảng thời gian nóng nhất
trong lịch sử nhân loại, và xu hướng này còn tiếp tục trong tương lai. (Nguồn: AP).
Theo dự báo mới nhất của Met Office, cơ quan chuyên về dự báo thời tiết có trụ sở chính tại Anh, trong vòng 5 năm tới, 2016 dường như sẽ phá vỡ kỷ lục năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại từng được ghi nhận năm 2015. Đến năm 2017, nhiệt độ toàn cầu sẽ có đợt giảm nhẹ, nhờ các ảnh hưởng của hiện tượng El Nino biến mất, và trái đất sẽ có đợt dịu mát.
Nhưng sau đó, và trong suốt 3 năm cuối thập kỷ này, thế giới sẽ lại tiếp tục phải chứng kiến mức gia tăng nhiệt độ nhanh chóng của trái đất, thậm chí ghê gớm hơn cả năm 2015 và năm 2016. Dự báo của Met Office, dự kiến đưa ra trong tuần này, là bản báo cáo chính thức đầu tiên của cơ quan này trong năm nay kể từ sau khi cải tổ lại hệ thống dự báo khí tương hồi năm ngoái.
“Chúng tôi không thể nói chính xác trái đất sẽ nóng lên bao nhiêu, nhưng rõ ràng là xu hướng nhiệt độ này sẽ còn tiếp diễn” – Doug Smith, chuyên gia dự báo khí tượng của Met Office, cho hay – “Chúng tôi không thể nói chính xác năm 2018, 2019 hay 2020 sẽ nóng thế nào. Nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng xu hướng chung là nhiệt độ sẽ tăng dần”.
Hiện tượng El Nino đang hoành hành ở thời điểm hiện tại – hiện tượng khí tượng mà trong đó một dòng nước ấm xuất hiện ở Thái Bình Dương, bao quanh xích đạo – và mức độ tác động của nó đã ở mức cao nhất. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra do El Nino sẽ chậm hơn vài tháng, điều này khiến 2016 có thể sẽ là năm còn nóng hơn cả năm 2015 – hiện được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.
Một số chuyên gia khí tượng từng tuyên bố rằng chính hiện tượng El Nino là nguyên nhân khiến năm 2015 trở thành năm nóng lịch sử, chứ không phải do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, ông Smith đã bác bỏ tuyên bố này.
“El Nino đã xuất hiện từ trước đó” – ông Smith phân tích – “El Nino từng xuất hiện trong khoảng 1997-1998 là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiệt độ toàn cầu lúc đó lại thấp hơn nhiều so với năm 2015. Nguyên nhân chính phải là mức độ gia tăng lượng khí CO2 trong bầu khí quyển”.
Tuy nhiên, vào thời điểm mà El Nino kết thúc cũng là lúc có khả năng làm xuất hiện hiện tượng La Nina – hiện tượng giảm nhiệt độ mạnh mẽ ở khu vực trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương – dường như sẽ mang đến một đợt tạm ngừng hiện tượng nóng lên toàn cầu; theo Met Office.
Và kết quả là, năm 2017 sẽ chứng kiến một đợt giảm nhiệt độ toàn cầu. “Chúng tôi khá chắc rằng sẽ có một đợt giảm nhiệt độ trong năm đó”; ông Smith nói.
Nhưng rồi sau đó, nhiệt độ toàn cầu sẽ lại bắt đầu xu hướng tăng trở lại trong suốt cuối thập kỷ này. “Dù là năm 2018, 2019 hay 2020 cũng đều có khả năng trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại, vượt xa 2015 và 2016. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng đang dự đoán một thời điểm ở xa trong tương lai”; ông Smith nói.
Một nguyên nhân khiến cho các dự báo về khí tượng khó có thể chính xác hoàn toàn chính là việc các chuyên gia khí tượng không thể nắm bắt chính xác mức độ nóng lên của các đại dương. “Nếu muốn theo dõi sự thay đổi của khí tượng, bạn cần biết thông tin chính xác về tổng nguồn dự trữ năng lượng trên toàn cầu, trong khi hầu hết chúng lại đang nằm sâu dưới đáy dại dương”; ông Smith cho hay.
“Mới đây, tốc độ gia tăng nhiệt độ trên đất liền đã chậm lại, khiến cho nhiều người tin rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đã ngừng lại. Điều này là không đúng. Đại dương lúc nào cũng có xu hướng ấm lên” – ông Smith cho hay.
Trong một nỗ lực nhằm cải thiện thông tin về xu hướng ấm lên của các đại dương, giới khoa học đã phát triển ra một loại phao robot – một phần của hệ thống đo đạc quốc tế Argo – để đo đạc nhiệt độ ở các đại dương, ở vị trí sâu 2.000 m dưới mực nước biển. Giờ đây, một thế hệ các thiết bị mới trong hệ thống Argo sắp được triển khai và sẽ có khả năng đo nhiệt độ ở độ sâu tới 5.000 m dưới mực nước biển. Điều này sẽ khiến các chuyên gia khí tượng đưa ra được các dự báo chính xác hơn rất nhiều.
Báo cáo của Met Office đưa ra trùng thời điểm mà một nhóm các nhà khoa học khác cũng công bố một nghiên cứu cho thấy 30 năm trở lại đây là các năm nóng nhất mà châu Âu từng ghi nhận trong suốt 2.000 năm qua.