NSƯT Vân Khánh: Ngủ trong lòng Huế
Huế, dẫu xưa hay bây chừ, luôn là xúc cảm mạnh mẽ nhất trong cuộc sống nội tâm của Vân Khánh, chỉ duy, được hiển lộ rõ rệt nhất khi chị cất tiếng hát. Ca hát là con đường để Vân Khánh đi tìm, kể lại những giá trị thuộc về Huế theo cách của riêng mình. Ngắm nhìn cái cách Vân Khánh nuôi nấng ca từ khi hát về Huế mới thấy chị, dường như đã, chìm mình trong mảnh đất cố đô ấy từ thuở nằm nôi.
NSƯT Vân Khánh.
1. Vân Khánh thực chất là con đẻ của miền quê Vĩnh Linh - Quảng Trị. Sinh ra trên rìa đất quanh năm đầy gió Lào và lau trắng, bản tính thâm trầm đã ghim chặt trong chị như một chất xúc tác để đến gần hơn với những ca khúc ai hoài xứ Huế. Học xong lớp 10, Vân Khánh thi đỗ hệ Trung cấp của trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế).
Lần đầu tiên, trái tim trẻ trung của cô gái Vĩnh Linh chạm sông Hương núi Ngự mà đâu đây nét rêu phong đền đài lăng tẩm vẫn in hằn trong di tích của một vương triều phế đô. Nhưng neo đậu trong lòng Vân Khánh, sâu nhất, phải là những câu hò Huế trên dòng Hương giang. Đó dường như là bóng dáng “ai ngồi ai câu ai sầu mà ai thảm” những chiều âu lâu trên sông, hoặc thảng như “tiếng ca nào vương trên mạn thuyền, có ai chờ ai qua Trường Tiền”, xa xăm mà gần gụi, mách bảo rằng, chị đã ở trong vòng tay của Huế từ thuở thiếu niên.
Vân Khánh yêu Huế bằng bản năng của một người con gái miền Trung, e thẹn kín đáo nhưng hồn hậu, nên thật nguyên thủy vô nhiễm. Và vì thế, thi thoảng có lúc người Quảng Trị vẫn phải đính chính chị là người con của miền gió Lào cát trắng chứ không phải người Huế mỗi khi có khán giả nhầm lẫn nơi chị sinh ra. Khánh cười hiền, bảo dù Huế hay Quảng Trị thì cũng là khúc ruột Bình Trị Thiên khói lửa đấy thôi.
Nhưng nếu Quảng Trị là nơi chị sinh ra để bắt đầu làm một con người thì Huế là mảnh đất cất giấu và tàng trữ thiên tư âm nhạc, cho chị danh xưng Nghệ sĩ Ưu tú trước cái tên mà cha mẹ đặt cho.
Và Huế đã trở thành một khu vườn của riêng Vân Khánh, với bộn bề lá rụng và sương rơi ẩm ướt, dung dưỡng trong chị những giấc mộng đầu đời về âm nhạc dân gian.
Bìa album "Huế xưa" của nghệ sĩ Vân Khánh.
2. Ca khúc “Huế thương” của cố nhạc sĩ An Thuyên chính là mối tình đầu của Vân Khánh với Huế, và cũng là dấu mốc đầu tiên định vị con đường âm nhạc chuyên nghiệp của chị. Với ca khúc này, Vân Khánh giành Huy chương Vàng Tiếng hát HSSV chuyên nghiệp toàn quốc 1996 tại Hà Nội và một năm sau đó, trình diễn trong đêm giao thừa tại đầu cầu Huế.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình khi lần đầu tiên nghe Vân Khánh hát Huế thương tại SV 96. Mộc mạc, hồn nhiên và đặc biệt rất thương. Thương, là cảm giác xiêu lòng về vùng đất kinh kỳ mà trước đó tôi mới chỉ được biết đến qua sách báo thì giờ đây hiển hiện trên sân khấu một “dáng ai đi về hòa tan trong Huế” mỏng manh, hiền hạnh nhưng trong lòng đầy ắp đam mê bão táp. Năm ấy, Khánh vừa tròn 18 tuổi.
Huế là một thành phố riêng biệt, không đại diện cho tiết tấu sôi động của Việt Nam. Huế nằm giữa, im lìm và riêng chịu một thân phận kiểu phương Đông rồi chứng kiến sự ra đi và trở về đầy hối hả của con người hai miền Nam - Bắc. Nhưng chính sự im lìm ấy đã cấu tạo Huế thành một vùng đất phong phú và độc đáo trên nhiều phương diện: thiên nhiên, phong tục, kiến trúc, văn chương, trang phục...
Tất cả những giá trị này là chất liệu bản địa để Huế định vị mình trong âm nhạc với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Huế tình yêu của tôi”, “Huế xưa”, “Rất Huế”, “Mưa trên phố Huế”, “Dòng sông ai đã đặt tên”, “Thương về cố đô”... Và Vân Khánh đã hát những ca khúc đó như bản năng âm nhạc trong chị. Từ sự tò mò, trải nghiệm, Khánh hình thành ý nghĩ tự hào về Huế và biết ơn Huế đã cho chị một gương mặt, ít nhiều, cũng là gương mặt còn lại với đời sống âm nhạc hôm nay.
Dấu ấn của nền văn minh cố đô như hư như thực hiện lên trong mỗi câu ca mà Vân Khánh hát. Bởi chị đã tự tạo cho mình một tinh thần nguyên hợp khi hát nhạc Huế: áo dài, nón lá, tóc thề ngang vai dạo bước Trường Tiền. Áo dài Vân Khánh mặc luôn toát lên một màu Việt cổ dân gian thuần túy, đủ sức ôm chứa nét dịu dàng, e lệ của người con gái cố đô. Những đêm trăng lên ghếch bóng Hương giang, thảng nghe câu hát ai hoài “bóng trăng hồ sen trong Hoàng thành, tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn” hay giọng thủ thỉ như van nài “Xin em chớ cắt mái tóc thề” thật khó có thể khước từ nhận định Vân Khánh chính là một trong số ít giọng ca đương đại hát hay nhất về xứ Huế u buồn mộng mơ.
Bằng cái thổ âm đặc sệt vùng cửa sông Hương, tôi nghe thấy trong dập dềnh phù sa là tiếng gió lũ lượt mang nỗi cô đơn về bờ bãi. Chính lợi thế về thổ ngữ đã giúp Vân Khánh lấy được tình cảm của người nghe nhạc. Từ cách nhả chữ, luyến láy đài từ đến thần thái, dáng điệu khi Khánh đứng trên sân khấu là khuôn hình đặc trưng về vẻ đẹp ước lệ của Huế.
Để mỗi người con Huế khi nghe chị hát hình dung mình đang đi trên con đường đầy mưa rơi trên tháp cổ, Phu Văn Lâu soi bóng mặt hồ, và ngoài xa kia những cô nữ sinh Đồng Khánh “áo trắng chắp hai tà” với dáng đi “gót nhẹ xanh hồn cỏ” trong bóng chiều trăm năm. Ký ức diễm lệ xửa xưa ấy khiến ta vừa tiếc nuối vừa run rẩy bàng hoàng.
Hát về Huế hôm qua và hôm nay, không khó để điểm diện nhanh vài tên tuổi: NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo, danh ca Bảo Yến, ca sĩ Hương Mơ... Mỗi người là một âm bản không thể so sánh càng không thể thay thế. Nhưng rõ ràng, NSƯT Vân Khánh đã hát về Huế một cách thủy chung, bền bỉ từ khi khởi nghiệp cho đến lúc thành danh. Và cũng chính dòng nhạc này đã xác lập bản sắc của chị trên cây gia hệ âm nhạc Việt Nam một cách điềm nhiên và riêng biệt.
Vân Khánh hát điềm đạm, chừng mực, đủ sức quán xuyến không gian trầm tĩnh này khiến người nghe không cảm thấy sốt ruột trước một vài náo nhiệt của nhạc thị trường. Hình ảnh Vân Khánh thăng hoa trên sân khấu là sự chụm ngọn của hai đỉnh cao: Huế trang đài và Huế trầm sâu. Như sức phát sáng của loài đom đóm, khi có sự hợp linh của bóng tối và cỏ cây.
Trong tiềm thức, Huế đã trở thành một vùng đất ruột thịt của Vân Khánh, như Vĩnh Linh. Bởi Huế chứng kiến đoạn đời tuổi trẻ đầu tiên của Vân Khánh với sự trong sáng, hồn nhiên và ở nơi mưa trắng trời quanh năm ấy, mỗi sáng thức giấc chị thấy giấc mộng âm nhạc của mình vẫn còn nguyên vẹn. Và dù cho Vân Khánh rảo bước theo nhịp độ của đời sống âm nhạc chuyển vào Sài Gòn năm 1998 thì Huế vẫn là tín chỉ của tình yêu nghệ thuật với những gam trầm của tuổi thanh xuân.
Hai mươi năm ca hát chuyên nghiệp, gia tài của Khánh phần nhiều là những album về Huế: “Huế ngày trở về”, “Nhớ Vỹ Dạ đò trăng”, “Thương mãi câu hò”, “Thương Huế mùa đông”, “Huế xưa”, “Huế bây chừ”... Mỗi album đánh dấu một bước đi của chị trên lộ trình tình yêu với xứ Huế, thêm một lần xác nhận sự tự nguyện đóng đinh trên cây thập giá khi hát về dòng nhạc trữ tình quê hương trong cốt tủy chỉ của một vùng đất. Bởi Vân Khánh, trước hết và sau hết, luôn hát về Huế như một nghi lễ.
Điều hay nhất ở Vân Khánh, là cho đến tận bây giờ khi đã thành danh trong nền âm nhạc nước nhà, chị vẫn không bị chi phối bởi những ồn ào của showbiz. Vân Khánh chưa bao giờ thuộc về showbiz. Chị không tỏ ra hoài nghi hay tin tưởng sự sôi động này mà điềm tĩnh bước đi con đường của riêng mình. Chị hát ở nhiều không gian, trên các sân khấu lớn nhỏ, giao lưu nhiều gương mặt trong giới nhưng chưa bao giờ bị cuốn theo bất cứ một cuồng phong nào. Đó là cách của Vân Khánh, khi chị luôn biết tìm những người có cùng giá trị với mình.
3. Ngắm nhìn Vân Khánh hát, ít ai có thể nghĩ người đàn bà ấy mang mệnh Hỏa lại đứng chữ Mậu. Ít gì cũng phải lên gân lên cốt một tí chứ. Điên một tí chứ. Xộc xệch nữa. Nhưng Khánh lại “lệch căn” những điều mà người ta vẫn hình dung về một Mậu Ngọ mệnh Thiên Thượng Hỏa. Chất lửa trong giọng hát Vân Khánh không phải là sự gầm gào chực xô ngã tất cả cánh cửa mà ngầm ẩn bên trong sự khoan hòa dìu dặt như những con sóng nhỏ, mang đến cho người nghe sự đồng cảm, day dứt và xót xa khi nghe những nhạc phẩm quê hương. Nhưng may thay, Vân Khánh không áp toàn bộ sự nền nã ấy vào đời sống thực tế của mình.
Ngoài đời, Vân Khánh là cả một bất ngờ với những ai đã từng được tiếp xúc với chị. Sầu nữ miền Trung ấy dường như phủ nhận mọi khuôn hình của một Vân Khánh ca-sĩ trên sân khấu để làm một Vân Khánh đời-thường. Hài hước, lí lắc, trẻ trung. Khánh nói giọng miền Trung giữa Sài Gòn. Trên facebook vẫn xưng “o” với những người đồng hương thân thiết.
Tính cách thẳng thắn, chân thật, không màu mè không đưa đẩy. Chị là mẹ của 3 đứa con, chồng chị cũng người dân miền gió Lào vào Sài Gòn lập nghiệp. Những hôm rảnh rỗi, Vân Khánh vẫn xách làn đi chợ nấu món Huế cho cả gia đình. Nhà hàng Sắc Tím của chị cũng là một không gian đặc chất Huế cổ xưa giữa lòng Sài Gòn đông đúc hoa lệ.
Cũng giống như làm thơ viết văn, ca hát là nghiệp “trời đày”. Vân Khánh được sinh ra với một cam kết bí mật: hát về quê hương miền Trung gian lao mà kiêu hãnh. Ở đó, Huế như một thung lũng kín gió, ôm trọn mọi bất ổn và bình yên của con người sau tay áo sông Hương. Có một Vân Khánh tuổi chạm ngõ thềm trăng 40, vẫn háo hức bồi hồi mỗi lần về Huế hát.
Bạn bè và những buồn vui của tuổi hai mươi yêu dấu nương tạc bất cứ nơi nào ở Huế, tuồng như chỉ cần chạm vào là hiện ra đầy bộ nhớ. Những cơn mộng mị thanh xuân bé bỏng mãi mãi ngủ yên ở đó, như một sự quây quần mỗi lần chị trở lại. Với chị, Huế không đơn thuần là khúc ruột của miền Trung mà là khúc ruột của chính mình.
Năm tháng vẫn mặc nhiên trôi đi, như nỗi thịnh suy dài ngắn ở đời. Chỉ có mộng mị được ủ tàng kỹ nhất, như rượu cũ đã lâu ngày trong vắt lên tăm. Huế là nơi thành quách đã ngủ yên, một vương triều phong kiến rực rỡ bậc nhất đã ngủ yên, và có những con người nhỏ bé hôm nay đã chọn đó là nơi cất giữ mọi vui buồn. Và trong giấc ngủ thăm ở ngôi nhà thơ mộng ấy, Khánh đã mơ rất sâu và chưa bao giờ thức dậy.