2000 cái vẩy tay, 5km đi bộ và việc dân, việc nước

Cẩm Thúy (thực hiện) 10/02/2016 07:50

Nguyên Uỷ viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt tâm sự mỗi ngày ông tập thể dục 2 lần: Vẩy tay đủ 2000 cái, đi bộ từ nhà ra rồi vòng 2 vòng Hồ Gươm đủ 5 cây số. “Cuộc đời của một ông già nghỉ hưu thế là thanh thản và lành mạnh”- ông cười hóm hỉnh- “cái ông Duyệt còn cảm thấy chưa yên tâm là việc dân, việc nước”.

Ông Phạm Thế Duyệt.

PV:Thưa ông, ông thường đón Tết ở quê hay ở Hà Nội?

Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi đi lại cả hai nơi. Trước Tết tôi thường về quê. Tôi thuộc tên từng người cao tuổi ở làng tôi, biết có bao nhiêu cụ năm nay 80 trở lên. Trước Tết bao giờ cũng đến thăm những cụ cao tuổi như mình (cười).

Thế thì mỗi lần ông về quê vui lắm nhỉ?

- Vui lắm, họ coi tôi như người ở quê chứ không phải là một ông Bộ chính trị nghỉ hưu. Đối với người dân ở quê thì cái danh xưng của mình nó chẳng có nghĩa gì hết, đến lúc nào đó mình thấy cũng vô vị. Mình sống thế nào cho xứng đáng là người con của dân, sinh ra từ đó, được nuôi dưỡng ở đó, về bây giờ được nhân dân gần gũi quý mến, thế là vui rồi. Về quê tôi hay mời bà con đến nhà ăn cơm, mời các anh ở thôn, ở xã đến nhà uống với họ chén rượu hỏi họ về cuộc sống của mọi người, góp ý với các anh ấy một số việc. Mình thấy về hưu thì mình sướng hơn lúc đang chức nhiều.

Nhiều người bảo gặp ông khi đi tập thể dục ở Bờ Hồ, ông rất hoà đồng và hồn hậu trò chuyện với mọi người?

- Hôm nào trời lạnh quá ngại đi bộ tôi chỉ ra đứng ở một góc hồ vẩy tay, trò chuyện rôm rả với bà con cùng tập xung quanh mình. Cũng nghe được nhiều chuyện thú vị. Có hôm có anh nhận ra mình, chửi đổng hoặc xỏ xiên vài câu không phải về mình mà về một đồng chí đương chức nào đó, nghe nhiều lúc cũng thấy đau. Bây giờ về đời sống cá nhân thì mình đang sống vui vẻ, thanh thản, không còn phải ân hận điều gì. Nhưng về việc chung của đất nước, nhìn vào đời sống nhân dân, nghe nhân dân nói thì thấy chưa thể yên tâm được.

Mọi năm các báo hay phỏng vấn ông về việc học Bác Hồ, năm nay, nếu lại nói về điều ấy, ông sẽ nói gì?

- Học Bác Hồ thì phải học suốt đời cũng chưa đủ, vẫn không sao hết được. Nhưng học rồi, thuộc rồi thì phải làm theo Bác, chỉ học Bác không cũng chưa đủ. Học thuộc rồi mà vẫn không chịu làm, hoặc làm ngược, hoặc cố ý làm sai để thực hiện quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, quan liêu, xa dân, mặc kệ, vô cảm… Học rồi phải làm theo Bác đi chứ. Đó là chỗ tôi suy nghĩ nhiều.

Điều ông lo nhất?

- Là những gì tôi vừa nói, Đảng đã nhận định rồi mà cứ để kéo dài mãi, không sửa được thì không còn là đường lối của Bác Hồ. Tôi khác với ý kiến nhiều người cho rằng việc gì cũng có quá trình, tôi thì tôi muốn việc gì cũng phải giải quyết ngay, đừng để chậm trễ. Tất nhiên không thể làm ngay một lúc nhưng phải làm cương quyết…

Việc nữa là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Bác đã nhắc từ rất sớm, Đảng cầm quyền phải coi sự đoàn kết trong Đảng là con ngươi của mắt mình. Từ lúc ít ai nhắc đến sự chia rẽ trong Đảng thì Bác đã dạy, đã nhắc. Và chúng ta thấy rõ ràng những năm qua ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, sự đoàn kết trong Đảng đã không được tốt. Nó thể hiện ở phê bình tự phê bình, thể hiện ở bầu chức danh lãnh đạo, thể hiện ở một số nơi kéo dài tình trạng chưa bầu được lãnh đạo. Cái đó không phải là đa số nhưng không phải là không có. Phải có đoàn kết thì mới phát huy được nhân dân, không phát huy được nhân dân thì không làm được gì đâu.

Có lẽ vào thời điểm này, ông và nhiều cán bộ lãnh đạo lão thành khác đều có những tâm tư trước một thời điểm quan trọng của đất nước: Đại hội Đảng lần thứ XII?

-Ban chấp hành Trung ương chưa đầy 200 người, thay làm sao được trí tuệ của toàn dân. Cho nên tài lãnh đạo là vừa thực hiện quyền tập trung nhưng phải phát huy cao quyền dân chủ, biết tận dụng trí tuệ của trí thức trong Đảng ngoài Đảng, của Kiều bào xa tổ quốc yêu nước. Như thế thực hiện quyền lãnh đạo mới sáng suốt. Còn bảo Trung ương quyết cái gì cũng đúng thì làm sao yên tâm được.

Tới đây ai tham gia Trung ương, ai vào vị trí lãnh đạo nào thì cũng phải thấy trách nhiệm của mình, nếu còn có chỗ nào chưa hoàn thiện như thiếu thực tiễn chẳng hạn thì cố mà làm quyết liệt để bù đắp những cái mình còn thiếu. Những người lãnh đạo dù phiếu bầu có cao bao nhiêu vẫn phải rèn luyện phấn đấu, biết lấy dân làm gốc, phát huy dân chủ mới tạo được lực lượng, sức mạnh, khối đại đoàn kết dân tộc.

Từ trước đến giờ cũng nói nhiều về người đứng đầu phải biết chịu trách nhiệm. Nhưng tôi cho rằng quan trọng là người đứng đầu phải tiêu biểu nhất, tiêu biểu về đạo đức lối sống, phong cách làm việc, hiểu biết thực tế, có trình độ, nói và làm, có uy tín với dân… Bất kể là vị trí nào nhưng đều phải là tấm gương đoàn kết, thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm rèn luyện, giáo dục gia đình… để cho anh em người ta noi theo.

Ông hình như vẫn sử dụng internet và tiếp nhận được nhiều thông tin từ kênh này. Quan điểm của ông thế nào về cách ứng xử với những luồng thông tin khác nhau đang làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng?

- Thông tin bây giờ không thể hiểu như trước kia chỉ có đài phát thanh và mấy tờ báo của Đảng. Mình phải hiểu cái đó, chấp nhận tham gia TPP thì chuyện thông tin bảo rằng chỉ có của nhà nước thì chắc không thể có cái đó. Khoa học kỹ thuật về thông tin phát triển như thế này bảo cấm thì không tài nào làm được.

Phải chấp nhận có những luồng thông tin khác nhau. Nhưng tiếp nhận thông tin có trách nhiệm thì phải biết phân biệt có loại thông tin lợi dụng chia rẽ trong Đảng, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, làm hạ uy tín của lãnh đạo, chĩa mũi nhọn vào một số đồng chí còn có khiếm khuyết, có ít thì họ tăng lên nhiều, nhỏ thì nói thành lớn, hiện tượng thì thành bản chất. Phải hết sức thận trọng khi tiếp nhận những cái đó. Nhưng bảo họ không có cái gì thật thì cũng không đúng. Có nhiều cái cũng cần phải chú ý. Họ đưa nhiều cái không có lợi cho mình. Nhưng cũng phải thấy có những việc họ nói đúng thì phải nghe, phải sửa, đừng phủi rằng tất cả những tin trên mạng đều sai hết thì cũng không phải.

Cứ 1 giờ đêm thì tôi thức giấc, tôi ngồi vào bàn xem mạng ngày hôm nay nói những chuyện gì. Nhưng tôi là người phân biệt được, tôi không chủ quan nhưng tôi không sợ những loại nói bậy nói bạ, xuyên tạc, đả kích, tìm cách bôi nhọ nói xấu, làm gì mình không biết phân biệt. Nhưng họ nói một số vấn đề mình phải hết sức quan tâm. Hơn nữa trong số thông tin mạng không phải đều là phần tử chống đối đâu, có nhiều người họ chân thành, có tên có tuổi hẳn hoi, thế thì mình phải đối thoại với người ta, cái gì họ nói sai thì giải thích cho họ hiểu, cho rõ, người ta nói đúng thì phải tiếp thu, phải sửa.

Kể từ Đại hội Đảng mang dấu ấn của Đại hội đổi mới là Đại hội 6 đến Đại hội lần này cũng đã qua 6 nhiệm kỳ, ông kỳ vọng và gửi gắm điều gì ở mùa xuân 2016 này?

-Tôi nghĩ rằng đến Đại hội này nhận thức không thể như những khoá vừa qua nữa. Phải làm sao để sau Đại hội phải quyết tâm làm cho khoá 12 này có một bước chuyển rất mạnh, như những năm chuyển đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Bởi vì lúc này kinh tế khá lên đấy nhưng vẫn còn thấp kém rất nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng hiện nay chưa phải là nội lực bản thân nền kinh tế quyết định, mà là tăng trưởng từ vốn đầu tư FDI, ODA, từ kiều hối. Tay nghề thì giỏi nhưng chưa làm được những sản phẩm chính. Thế thì khóa 12 phải làm được cho đất nước tiến nhanh, CNH-HĐH được phần nào rõ phần ấy, lĩnh vực nào cũng phải phát triển.

Còn nội bộ Đảng thì kiên quyết khắc phục được quan liêu, tham nhũng, xa dân, vô cảm, sống tách biệt dân, và bớt đi những quyền lợi gì không đáng có. Kể cả những người về hưu như chúng tôi thấy không đáng hưởng gì cũng cần xem xét để cắt bớt đi.

Đại hội xong mà làm được những bước chuyển quyết liệt thế chắc sẽ được lòng dân, dân sẽ tin. Và từ đó, đời sống nhân dân đi lên, bộ mặt xã hội đổi mới, vị thế Việt Nam mới rõ, chủ quyền sẽ không bị đe doạ nữa. Để nhân dân phấn khởi phát huy nội lực thì việc chỉnh đốn không thể chậm trễ.

Tôi cũng muốn nói xây dựng chỉnh đốn Đảng tới đây, cần phải làm tích cực từ trên xuống chứ không phải làm từ dưới lên. Nếu được như thế thì chắc chắn sẽ vững chắc. Bộ phận không nhỏ đều rơi vào những người có quyền, có trách nhiệm, chuyện đó phải tự giác thấy để khắc phục, để kiên quyết làm. Dứt khoát phải chống cho được lãng phí. Đã là của công, của dân, đã là đồng tiền ngân sách, đều là của thuế bằng sức của dân thì cấp nào cũng phải tiết kiệm không phô trương lãng phí, đừng thay bàn ghế, thay phòng, thay trụ sở... Nơi nào đã chót làm rộng thì cứ thế mà ở nhưng người nên bớt đi. Giảm biên chế ở đâu? Phải giảm từ trên xuống.

Nhìn lại 30 năm đổi mới mà ông dự một phần trực tiếp trong chặng đường này, theo ông, bài học lớn nhất rút ra là gì?

- Có nhiều bài học lắm. Nhưng bài học quan trọng là phải biết đổi mới những cái hiện nay không còn phù hợp. Thứ hai là chúng ta không bao giờ bỏ sự lãnh đạo của Đảng nhưng phải đổi mới đồng bộ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Thời kỳ đầu tiên của đổi mới, chúng ta nói trước hết là đổi mới kinh tế. Nhưng đến nay rõ ràng không thể không đổi mới chính trị. Về đường lối chúng ta không xa rời CNXH nhưng phải đổi mới cách làm, cách tổ chức, cách phát huy hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo tuyệt đối giỏi, sáng suốt, chính quyền phấn đấu làm việc tốt, hết sức mình và đúng chức năng; Mặt trận và các đoàn thể thì đã có quy chế giám sát phản biện…

Đừng có khuôn phép, đừng làm gì để người dân không dám thể hiện chính kiến thì tôi nghĩ nên đổi mới những cái đó. Và dứt khoát phải học cho được những cái tiên tiến trong quản lý, trong phát triển khoa học, cả khoa học tự nhiên, xã hội, và nhanh chóng lo giáo dục cho thật ổn định cho hợp lòng dân.

- Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc ông năm mới sức khoẻ, an khang, thịnh vượng!

Cẩm Thúy (thực hiện)