Quốc gia có 1/5 dân số đi hiến giác mạc
Để phục hồi thị lực cho mắt bị tổn thương, các bác sỹ cần phải cấy ghép giác mạc - lớp màng mỏng bao phủ tròng mắt và đồng tử - lấy từ tử thi một người hiến tặng. Trong khi thế giới đang rất thiếu giác mạc để ghép, thì duy nhất ở Sri Lanka, người dân đi hiến tặng giác mạc rất nhiều mà không cần bất kỳ phần thưởng nào.
Sri Lanka cung cấp giác mạc hiến tặng
đến hơn 50 quốc gia trên thế giới. (Nguồn: BBC).
Paramon Malingam vừa được hiến tặng giác mạc. Một bên mắt của anh dán kín bằng băng ca, trong khi mắt còn lại rơi những giọt lệ vui sướng. “Tôi cứ nghĩ sẽ phải sống phần đời còn lại mà chỉ có một con mắt”, Paramon nói.
Cách đây 13 năm, Paramon, một chủ cửa hàng nhỏ ở miền Trung Sri Lanka, không may bị mảnh thép cứa vào mắt. Năm ngoái, con mắt bị thương của Paramon lại bị một mẩu gỗ cắm vào. Sau cả hai tai nạn trên, tưởng chừng như cướp đi con mắt đó, Paramon đã được cứu rỗi nhờ một người hiến tặng giác mạc.
Giác mạc là phần trong suốt nằm phía trước mắt, nó cho phép ánh sáng đi qua và giúp cho hình ảnh tập trung vào võng mạc. Khi giác mạc chịu tổn thương, do tai nạn hoặc bệnh tật, tầm nhìn của con người sẽ bị giảm, đôi lúc dẫn tới mù lòa. Giải pháp duy nhất lúc đó chính là ghép giác mạc. Nhưng ở nhiều quốc gia, giác mạc được hiến tặng rất thiếu và thường chỉ được hiến tặng từ tử thi một người đã chết được vài giờ đồng hồ.
Paramon đã phải đợi 4 ngày để được cấy ghép giác mạc, và hiện đang dần hồi phục tại một bệnh viện mắt ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Chỉ cách đó có vài phòng, nữ sinh viên tên Viswani Pasadi đang chuẩn bị ký một biên bản, trong đó cam kết sẽ hiến tặng đôi mắt mình sau khi chết.
Cũng giống như phần lớn người Sinhala - dân tộc chiến tới 75% dân số Sri Lanka - Pasadi theo đạo Phật. Cô tin vào vòng luân hồi, sự sống và tái sinh, và cho rằng việc hiến tặng của mình như một hành động để tích đức. “Nếu tôi hiến tặng mắt mình trong cuộc sống hiện tại, tôi sẽ có đôi mắt tốt hơn ở kiếp sau”, Pasadi nói.
Theo Tổ chức Hiến tặng Mắt - một tổ chức phi lợi nhuận được bác sỹ trẻ Hudson Silva thành lập năm 1961 - cứ có 5 người Sri Lanka thì có một người cam kết hiến tặng giác mạc của mình. Số này không bao gồm những người đăng ký với Ngân hàng Mắt Quốc gia, một tổ chức bắt đầu hoạt động cách đây 5 năm, như Pasadi.
Và việc người dân Sri Lanka đổ xô đi hiến tặng giác mạc cho người khác, đồng nghĩa rằng quốc gia này đã có thừa số lượng giác mạc mà họ cần, và còn có thể chuyển số giác mạc hiến tặng đến các quốc gia khác đang cần chúng.
Trước đây, hồi năm 1964, khi còn sống, bác sỹ Hudson Silva từng bắt đầu quá trình chuyển giác mạc hiến tặng ra nước ngoài bằng cách bảo quản chúng trong các hộp lạnh cách nhiệt, vốn được sử dụng để đựng trà. Sau đó ông mang theo chúng trên một chuyến bay đến Singapore.
Tính đến năm 2014, tổ chức của ông đã chuyển ra nước ngoài 2.551 mảnh giác mạc hiến tặng, trong đó 1.000 tới Trung Quốc, 850 đến Pakistan, 250 đến Thái Lan và 50 đến Nhật Bản.
Sự trỗi dậy của Sri Lanka như một quốc gia cung cấp giác mạc hiến tặng lớn nhất thế giới chủ yếu là nhờ nỗ lực của bác sỹ Silva. Khi còn là sinh viên, vào năm 1958, trong một bài báo đồng tác giả với mẹ và vợ ông, Silva đã kêu gọi người dân hiến tặng giác mạc để cứu những người bị bệnh về mắt. Những mảnh giác mạc hiến tặng đầu tiên mà ông nhận được được lưu giữ trong chính tủ lạnh nhà ông. Đến năm 1960, khi người mẹ qua đời, Silva tiếp tục chiếm được cảm tình của người dân Sri Lanka sau khi hiến tặng giác mạc của bà cho một người nông dân nghèo, giúp người này phục hồi thị lực.
Ở Sri Lanka, giới tăng lữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc đi hiến tặng giác mạc, và tuyên truyền cho mọi người về hành động đẹp khi biết cho đi mà không đòi hỏi được nhận lại.
Ở các nước Hồi giáo, việc gây tổn hại cho cơ thể người thường bị cấm, kể cả trước và sau khi họ chết đi, bởi vậy mà Ai Cập và Pakistan cũng nằm trong số các nước nhận được giác mạc hiến tặng từ Sri Lanka. Malaysia, Nigeria, Sudan cũng nằm trong danh sách hơn 50 quốc gia nhận giác mạc từ Sri Lanka.
Được biết, giác mạc là một trong những phần dễ cấy ghép nhất trên cơ thể người, do không có sự đào thải. Mô của giác mạc không có máu, và lấy oxy trực tiếp từ không khí. Cũng có thể lấy giác mạc từ một người già để ghép cho người trẻ tuổi. Nhưng nếu người hiến đã quá tuổi 80, phần giác mạc của họ có thể không còn dùng được nữa.
Giác mạc và bệnh mù lòa Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4% trong tổng số 39 trường hợp bị mù trên thế giới là do chứng đục giác mạc, trong khi 3% khác là do bệnh đau mắt hột. Bệnh đục nhân mắt và tăng nhãn áp tuy gây ra tỷ lệ mù lòa cao hơn, nhưng đau mắt hột lại được mô tả là nguyên nhân chính gây nên mù lòa trong khi có thể tránh khỏi được. |