Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp: Đời người đời nghề

KTS Phạm Thanh Tùng 10/02/2016 14:35

Một chiều cuối năm, trời se lạnh. Tôi ngồi trong quán nước nhỏ nép ven hè phố Phó Đức Chính, mắt đăm đắm nhìn sang ngôi nhà đối diện có cái biển mang số 100 cũ kỹ, nước sơn đã có chỗ bong tróc, hoen rỉ. Bên kia, ngôi nhà 100 cửa vẫn  đóng im ỉm. Một chút buồn man mác trong tôi. Cách đây hơn ba mươi năm  trong ngôi nhà cũ kỹ kia, nay đã qua chủ khác, đã từng có một nhà kiến trúc quy hoạch tài ba sống và làm việc cho đến những phút giây cuối cùng của cuộc đời. Người đó là Kiến trúc sư (K

Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp: Đời người đời nghề

Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp

1. Ông sinh ra ở Huế, vào năm 1910, trong một gia đình khoa bảng có tinh thần yêu nước. Làng Nam Phổ Thượng ( Huyện Phú Vang) bốn mùa rợp bóng những hàng cau là quê ông. Tuổi thơ của Hoàng Như Tiếp tắm trong dòng nước sông Hương thơ mộng, quanh năm thơm ngát thạch xương bồ cùng những câu ca Huế diết da sâu lắng. Cố đô Huế đã gieo vào tâm hồn ông một tình yêu quê hương mãnh liệt, để sớm hình thành một hoài bão, một khát vọng lớn lao, cháy bỏng của tuổi trẻ.

Năm 1927, Hoàng Như Tiếp rời kinh thành ra Hà Nội học và thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương (Khóa II) - một Trường danh giá lúc bấy giờ. Năm năm sau ra trường với tấm bằng tốt nghiệp Kiến trúc sư loại ưu, ông bắt đầu hành nghề tự do. Đến năm 1936, cùng với hai người bạn thân thiết là KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Nguyễn Gia Đức, ông mở Văn phòng thiết kế “ Luyện-Tiếp-Đức” tại 58 phố Tràng Thi (Hà Nội). Từ đấy cho đến Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã sáng tác nhiều công trình nhà ở, biệt thự, cửa hàng… được xây dựng tại các phố Hàng Than, Hàng Bông, Phan Đình Phùng, Phạm Đình Hổ, Thiền Quang… Đặc biệt trong giai đoạn 1936-1939, Văn phòng “Luyện-Tiếp-Đức” đã thiết kế và công bố mẫu nhà cho người lao động nghèo ở khu vực Phúc Xá ven sông Hồng. Đó là kiểu nhà “Ánh sáng”. Dư luận xã hội khi ấy, đặc biệt là giới trí thức đánh giá cao kiểu nhà này bởi tính nhân văn thể hiện qua ngôn ngữ kiến trúc giản dị mà sâu sắc. Cuối năm 1940, Hoàng Như Tiếp thiết kế tòa biệt thự của Tử tước Đielot (chị vợ vua Bảo Đại) trên đường Hoàng Hoa Thám. Đây là một tổng thể kiến trúc gồm nhà ở, dàn hoa, sân vườn được thiết kế sắp đặt và bố cục một cách hài hòa, độc đáo mang đậm phong cách phương Đông. Có thể nói, ngôi nhà Tử tước Đidelot là dấu ấn của Hoàng Như Tiếp thời kỳ tiền Cách mạng.

Toàn quốc kháng chiến, Hoàng Như Tiếp và gia đình cùng một số KTS, trí thức yêu nước rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Tháng tư năm 1948, tại vùng Thản Sơn, Vĩnh Phúc, KTS Hoàng Như Tiếp đã cùng với các KTS Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Linh, Nguyễn Ngọc Trân… tiến hành đại hội thành lập Đoàn KTS, tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. Đại hội đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư chúc mừng và căn dặn: “ phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”. Thấm nhuần lời dậy của Bác, Hoàng Như Tiếp đã thiết kế nhiều công trình với vật liệu chủ yếu là tranh tre, nứa lá… phục vụ kháng chiến như lễ đài, cổng chào, trụ sở UBKC, nhà thông tin, trường học, trạm xá…Trong đó, đáng chú ý là cụm công trình phục vụ Đại hội lần thứ II của Đảng(1952) tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Với đóng góp này, ông đã được mời làm Đại biểu dự thính của Đại hội. Đây là vinh dự lớn đối với một trí thức mới 3 tuổi Đảng như ông.

Những năm sống và làm việc trong chiến khu Việt Bắc, Hoàng Như Tiếp có dịp gặp lại những người bạn thân thiết là các văn nghệ sỹ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao… Giữa ông và họ đã có mối thâm tình từ những năm đi học và làm việc ở Hà Nội. Tình cảm tốt đẹp ấy được ông trân trọng giữ gìn cho đến mãi sau này, kể cả khi ông trở thành người lãnh đạo cao nhất của Hội KTS Việt Nam. Kỹ sư Hoàng Như Liêm, người con trai thứ của ông đã có lần kể với tôi: “Khi ở Tuyên Quang, chỗ “ Cây đa nước chảy” rẽ vào đồi cà phê sông Lô là một xóm nhỏ. Nhà tôi sát vách nhà nhạc sỹ Văn Cao, phía sau là nhà gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao. Đi quá 100m là nhà ông Xuân Thủy. Cha tôi thường đến chơi và đàm đạo với các vị ấy.”.

2. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Trở về Hà Nội, Hoàng Như Tiếp là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của Bộ Kiến trúc và lần lượt giữ các trọng trách: Quyền Cục trưởng Cục Đô thị nông thôn (1960) và Viện trưởng đầu tiên của Viện Quy hoạch Đô thị-Nông thôn ( 1962-1971). Ông là người đi đầu xây dựng cơ sở lý luận cho lĩnh vực thiết kế quy hoạch và phát triển đô thị, một ngành khoa học rất mới mẻ ở nước ta khi đó. Dưới sự chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của ông, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng ra đời như: Quy hoạch TP Vinh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Việt Trì… Là người thông tuệ, kiến thức sâu rộng, ông đã chắt lọc lý luận và kinh nghiệm quy hoạch đô thị của Liên Xô, Cu Ba và nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới để áp dụng vào việc lập quy hoạch đô thị Việt Nam một cách sáng tạo. Đồ án quy hoạch nông thôn Tam Thiên Mẫu của ông là bài học quý báu, đặt tiền đề cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn XHCN sau này. Không chỉ là nhà kiến trúc tài năng, Hoàng Như Tiếp còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc sâu sắc. Tác phẩm nổi tiếng nhà Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam) là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn tinh tế giữa kiến trúc công trình và cảnh quan chung quanh, tạo nên những tầng bậc phong phú, dẫn dắt đầy gợi cảm. Đặc biệt, những hoa văn trang trí nơi trần thiết, đại sảnh và quanh tường phòng được ông nghiên cứu công phu, chắt lọc tinh tế từ nghệ thuật trang trí miền núi. Cho đến ngày hôm nay, sau hơn 4 thập kỷ, Bảo tàng Việt Bắc, công trình tọa lạc trên quả đồi trung tâm ở TP Thái Nguyên, bên bờ sông Cầu thơ mộng vẫn là một công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc, được giới KTS đánh giá cao, là niềm tự hào của bà con các dân tộc phía Bắc.

Hoàng Như Tiếp viết nhiều. Từ những năm 70, tác phẩm “Quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng lãnh thổ” đã được ông viết rất công phu. Và trong cuốn sách này, Hoàng Như Tiếp đã nhìn thấy trước vai trò cực kỳ quan trọng của công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị. Ông cảnh báo sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền dẫn đến việc xây dựng tùy tiện trong các thành phố. Ông cũng chỉ ra việc sử dụng đất đai phải tiết kiệm, hợp lý, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đô thị lâu dài. Phải nói rằng, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời bấy giờ, những phát hiện của KTS Hoàng Như Tiếp đã thể hiện một tư duy khoa học, một tầm nhìn xa và rộng của một nhà quy hoạch tài ba, một bản lĩnh vững vàng, dũng cảm và đầy trách nhiệm của một nhà quản lý trước Đảng, trước nhân dân. Năm 1982, dường như đoán trước được số phận của mình, Hoàng Như Tiếp dồn sức làm việc không ngơi nghỉ. Ông viết bài “Hà Nội hôm nay và ngày mai” đăng trên Tạp chí Kiến trúc Liên Xô, trong đó ông đã đề xuất những nét cơ bản cho định hướng quy hoạch Thủ đô đến năm 2000, mà bây giờ xem lại, các nhà quy hoạch Hà Nội không khỏi giật mình vì những tiên liệu chính xác của ông. Ông còn dự định hoàn thành cuốn “Quy hoạch nông thôn Việt Nam” và “Kiến trúc hiện đại” ( viết chung với KTS Tôn Đại). Nhưng rất tiếc, bệnh tật đã không cho phép ông hoàn thành công việc còn dang dở của mình. Trái tim nhân hậu đầy nhiệt huyết và yêu thương của ông đã vĩnh viễn ngừng đập ngày 28-3-1982, sau một cơn đau đột ngột.

Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp: Đời người đời nghề - 1

Cuộc đời của KTS Hoàng Như Tiếp là cuộc đời của một nhà hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Kiến trúc quy hoạch, đào tạo và tổ chức. Giáo sư Đặng Thai Hoàng, nhà nghiên cứu kiến trúc có uy tín khi làm chuyên khảo về thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đánh giá rất cao vai trò của KTS Hoàng Như Tiếp trong việc sáng lập và phát triển Hội KTS Việt Nam. Kể từ khi Đoàn KTS Việt Nam được thành lập cho đến khi ông qua đời, Hoàng Như Tiếp đã có 34 năm giữ trọng trách lãnh đạo Hội, trong đó 24 năm ông làm Tổng Thư ký. Trên cương vị của mình, ông đã góp phần quan trọng xây dựng Hội trở thành một tổ chức nghề nghiệp sáng tạo vững mạnh, có uy tín trong xã hội; đưa Hội KTS Việt Nam gia nhập Liên hiệp Hội KTS quốc tế (UIA); thiết lập mối quan hệ hợp tác anh em với Hội KTS Liên Xô và Hội KTS các nước XHCN khác. Bản thân ông có mối quan hệ nghề nghiệp thân thiết với nhiều KTS nổi tiếng trên thế giới. Năm 1981, ông được Hội KTS Liên Xô trao tặng danh hiệu Hội viên Danh dự

3. Vậy là KTS Hoàng Như Tiếp đã đi xa hơn ba mươi năm. Ông đã không được chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ của đất nước. Một hệ thống gần 800 đô thị được hình thành và phát triển suốt từ cực Bắc đến mũi Cà Mau. Các thành phố, thị trấn, thị xã ngày một khang trang hơn, to đẹp hơn theo hướng văn minh, hiện đại.

Nhớ về ông, là nhớ về một KTS tài năng, một con người giản dị và có nhân cách lớn. Người vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý đợt đầu tiên. Ngày hôm nay, trên cánh đồng quy hoạch-kiến trúc Việt Nam thủa nào mà ông đã dày công khai phá, những thế hệ KTS tiếp nối ông vẫn tiếp tục gieo trồng, chăm sóc, để sự nghiệp kiến trúc nước nhà có những vụ mùa bội thu.

(Hà Nội, những ngày cuối năm cũ bước sang năm mới Bính Thân)

KTS Phạm Thanh Tùng