Gần Tết, săn hàng giảm giá

Anh Thư 02/02/2016 09:00

Cuối năm là dịp để các doanh nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu tung ra nhiều chiêu kích cầu mua sắm. Đặc biệt, tại các cửa hàng thời trang, có nơi giảm giá “khủng” lên tới 70-80%. Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ chỉ chờ dịp cuối năm để săn hàng “sale off”. Tuy nhiên, không phải tất cả các hàng giảm giá đều đáng tin cậy.    

Gần Tết, săn hàng giảm giá

Nở rộ hàng khuyến mại. (Ảnh: TL).

Giảm giá từ 30-70%

Dạo quanh thị trường những ngày cuối năm, đâu đâu cũng thấy gắn biển “sale off” với mức giảm giá “khủng” nhằm kích thích tiêu dùng. Mặt hàng được kích cầu mua sắm mạnh nhất phải kể đến hàng quần áo, thời trang. Thời tiết lạnh kéo dài, nắm được tâm lý người tiêu dùng, nhiều cửa hàng quần áo thời trang đã bung ra những chiêu “kéo khách” như giảm giá “khủng” đối với áo khoác đại hàn, áo phao… lên tới 70%.

Chị Trần Hồng Hạnh, chủ một cửa hàng quần áo “Made in Việt Nam” ở khu Trung Kính (Hà Nội) cho biết, kinh tế khó khăn nên nhiều người tiêu dùng chờ mua hàng giảm giá. Trong những ngày giá lạnh vừa qua, để kích cầu tiêu dùng, cửa hàng của chị Hồng đã treo biển giảm giá 30-50% các sản phẩm áo khoác mùa đông, và sự kích cầu này đã thu hút được nhiều người tiêu dùng đến xem và mua sắm. “Mặt hàng bán chạy nhất trong hơn 2 tuần qua chính là áo khoác đại hàn và khăn len, vì giá bán hợp lý và phù hợp điều kiện thời tiết” – chị Hạnh cho hay.

Không chỉ giảm giá khủng, tại các siêu thị, trung tâm mua sắm còn kích cầu bằng cách quảng cáo “Mua một tặng một” hoặc “mua một kèm một bao lì xì năm mới”... Chính vì vậy, cuối năm hầu hết các trung tâm mua sắm, siêu thị lúc nào cũng đông nghẹt người.

Tại các siêu thị lớn như Big C, Coop. Mart… những mặt hàng được treo biển giảm giá khủng cũng chủ yếu là quần áo thời trang, điện máy, đồ gia dụng, thực phẩm.

Chị Nguyễn Kiều Anh, ở phố Pháo Đài Láng, Hà Nội chia sẻ: “Dịp cuối năm, các hãng bung ra nhiều sản phẩm và giảm giá sâu nên gia đình tôi thường tranh thủ dịp này để mua sắm tại các siêu thị. Tôi đơn cử, bột giặt OMO túi 4,5kg ngày thường giá bán gần 200.000 đồng/ túi nhưng ngày này đi mua tôi chỉ phải bỏ ra 160.000 đồng đã được một túi bột giặt OMO loại 4,5 kg”.

Tương tự nhiều mặt hàng như điện tử điện máy, nước giải khát, rượu… những ngày này cũng được các hãng giảm giá sốc hoặc kèm quà tặng nên thu hút một lượng khách lớn đến mua sắm. Tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội), ngay từ 8 giờ sáng đã đông nghẹt người đến tham quan mua sắm. Và mới chỉ khoảng 10 giờ sáng, các quầy thu ngân của siêu thị này đã chật cứng khách hàng thanh toán.

Có một điều đặc biệt, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng được bày bán trong siêu thị này đều có chương trình khuyến mại, giảm giá…Thậm chí, các hóa đơn thanh toán cũng được tiếp tục kích cầu bằng cách: Hóa đơn từ 1 triệu đồng trở lên sẽ được tặng quà hoặc giảm giá thêm nhiều phần trăm khi mua một mặt hàng khác…

Gần Tết, săn hàng giảm giá - 1

Người tiêu dùng chờ thanh toán tại siêu thị Big C Thăng Long. (Ảnh: Duy Phương)

Thận trọng

Không chỉ các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị tranh thủ giảm giá cuối năm, trên các trang điện tử mua hàng trực tuyến, hàng hóa cũng được “sale off” tới 80% nhiều loại mặt hàng từ quần áo thời trang, mỹ phẩm, giày dép đến đồ gia dụng, kể cả hàng điện máy…

Trên trang Hotdeal – một trang mua sắm trực tuyến, những ngày qua đã giảm giá lên tới 34-40% hầu hết các sản phẩm như quần áo, hóa mỹ phẩm, và cả các tour du lịch, các set ăn tại các nhà hàng…

Không thể phủ nhận, trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc giảm giá, khuyến mại được các hãng, các DN, cửa hàng “tung ra” đã góp phần kích cầu mua sắm. Người tiêu dùng với mức thu nhập trung bình cũng có thể lựa chọn được các mặt hàng phù hợp với khả năng tài chính của mình nhờ vào các chương trình khuyến mại, giảm giá… Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, người bán hàng, hay các trang mua sắm trực tuyến đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng để tuồn các sản phẩm lỗi, hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng ra thị trường gây không ít bức xúc cho dư luận xã hội.

Theo chị Nguyễn Minh Tâm, ở phố Nguyễn Tuân, Hà Nội, chị đã hơn một lần mua phải hàng chất lượng thấp khi quá tin vào lời rao bán quảng cáo của nhà mạng.

“Trên hình ảnh thì chiếc áo khoác đại hàn cổ lông rất đẹp, giá đã giảm 30% còn hơn 600.000 đồng, tôi gọi điện đặt mua nhưng khi hàng về đến nơi thì khác hoàn toàn so với ảnh quảng cáo, đã thế, khóa lại bị hỏng” – chị Tâm cho biết.

Mặc dù khuyến mãi rầm rộ, giảm giá “khủng” nhưng nhiều người có kinh nghiệm mua thời trang giá rẻ và các chủ hàng cũng đưa ra lời khuyên với khách hàng nên cẩn thận, chọn lựa kỹ, tránh bị mua phải đồ “ôi”. Thực tế, giờ khuyến mãi rất nhiều, hàng nào cũng rao giảm 50 - 70%, rồi mua 1 tặng 1 nhưng không phải tất cả trong số đó đều là hàng chuẩn mà không ít cửa hàng dùng thủ thuật để đánh tráo, đưa hàng lỗi mốt, hàng cũ rồi bấm lại mác vào và nâng giá lên rất cao rồi nói giảm xuống...

Giới chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định mua một món hàng giảm giá, đặc biệt là hàng rao bán trên mạng càng cần phải thận trọng hơn. Tốt nhất là nên tìm mua các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, các hãng có thương hiệu để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” vì của rẻ thường đi kèm với chất lượng thấp.

Anh Thư