Bảo tàng tư nhân: Vận hành tự phát
Chỉ trong vòng tháng 1 năm nay, riêng TP Hà Nội đã có 2 bảo tàng ngoài công lập được cấp phép hoạt động (Bảo tàng Radio, Bảo tàng nghệ thuật hồn Việt Bát Tràng). Trước đó trong năm 2015, Hà Nội cũng đã có thêm 2 bảo tàng ngoài công lập được cấp giấy phép (Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội). Ra đời sau và tồn tại cùng với hệ thống Bảo tàng công lập nhưng vẫn thu hút một lượng khách tham quan đáng kể, bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân) đã chứng tỏ được xuất phát từ nhu cầu
Cổ vật gốm sứ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long - Thanh Hóa.
Nhu cầu thực tiễn
Cho dù Luật Di sản văn hóa ra đời từ năm 2001, nhưng phải gần 10 năm sau, khi các văn bản, thông tư hướng dẫn được hoàn thiện thì các bảo tàng ngoài công lập mới được cấp phép và hoạt động. Theo thống kê, trên cả nước hiện có gần 30 bảo tàng tư nhân ra đời. Bảo tàng có thâm niên nhất cũng mới chỉ chừng 10 năm tuổi, gồm: Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình, Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phạm Thị Ngọc Mỹ, Bảo tàng về chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày ở Phú Quốc… TS Phạm Mai Hùng- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, con số 25 bảo tàng tư nhân trên cả nước (tính đến cuối năm 2015) chưa phải là nhiều, nhưng đối tượng và phạm vi hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập lại khá phong phú.
Theo đánh giá của các chuyên gia di sản, sự tồn tại của các bảo tàng ngoài công lập là một nhu cầu thực tế của cộng đồng và sau khi ra đời đến nay, chưa có bảo tàng nào phải đóng cửa. Có lẽ vì đối tượng và phạm vi hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập khá phong phú, khá hấp dẫn và có sức hút công chúng riêng. Một số bảo tàng về gốm, mỹ thuật có tác dụng tích cực trong việc khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật ra nước ngoài, đồng thời tạo cơ hội để công chúng được tiếp cận với một bộ phận di sản văn hóa quý giá của đất nước.
Đơn cử như Bảo tàng cổ vật Hoàng Long tại TP Thanh Hóa, là nơi lưu giữ và trưng bày hơn 6.000 cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, được coi là bảo tàng cổ vật tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Hay Bảo tàng Fito (Bảo tàng Y dược tư nhân) TP HCM có hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá cho đến nay. Rồi còn đó là Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy- Nam Định) với những hiện vật tái hiện một không gian trưng bày về văn hóa đồng quê lúa nước sông Hồng, bao gồm các công cụ nhà nông khoảng 100 năm trở lại đây cùng với bộ sưu tập đồ đồng và nhiều đồ gốm cổ, sứ cổ, tiền cổ…
Theo Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong số gần 30 bảo tàng tư nhân trên cả nước được cấp phép thành lập, hiện có 25 bảo tàng tư nhân đang hoạt động tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đóng góp rất nhiều trong việc sưu tập cổ vật, hiện vật văn hóa, lịch sử của dân tộc. Hoạt động độc lập, nhưng mỗi bảo tàng tư nhân lại có sức hút riêng vì mỗi lĩnh vực của một bảo tàng tư nhân dường như không trùng lặp về hiện vật với các bảo tàng Nhà nước.
Trống đồng được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long.
Xu hướng bảo tàng chuyên ngành
Dẫu vậy, thời gian qua vẫn chưa có một bảo tàng ngoài công lập nào có được một tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, chưa một bảo tàng nào được thực thi đầy đủ các nhiệm vụ theo qui định của Bộ VHTT&DL (theo tinh thần Thông tư số 18 của Bộ VHTT&DL). Hệ thống bảo tàng ngoài công lập hiện nay gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm, phương thức hoạt động, kinh phí để hoạt động, sự hỗ trợ trang thiết bị chuyên ngành cũng như thiếu sự liên kết trong hệ thống, nhất là sự liên kết với các bảo tàng công lập để được hỗ trợ phát triển và đặc biệt là công tác lập hồ sơ hiện vật, bảo quản hiện vật, trưng bày… thiếu chuyên nghiệp. Nói một cách khác, các bảo tàng ngoài công lập hiện vẫn vận hành tự phát là chính.
Một trong những giải pháp đã được chỉ ra để góp phần nâng cao chất lượng của các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam là đẩy mạnh sự kết nối giữa bảo tàng công lập với bảo tàng tư nhân. Xét ở góc độ này, hiện chỉ có bảo tàng Nguyễn Văn Huyên làm tốt được yêu cầu kết nối với Bảo tàng Dân tộc học.
Lâu nay, chúng ta đề cập nhiều tới khái niệm cộng đồng chung tay gìn giữ di sản. Vì thế phát triển bảo tàng tư nhân cũng chính là một cách xã hội hóa bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng theo chuyên gia di sản Lê Thị Minh Lý, xét một cách biện chứng thì bảo tồn văn hóa không có nghĩa là việc xây dựng phòng trưng bày. Việc trưng bày sưu tầm chỉ là một hình thức, còn để lâu dài và bền vững thì phải làm cho cộng đồng nhận thức được hết những giá trị di sản người ta nắm giữ, để nâng niu gìn giữ và truyền lại cho con cháu...
Từ câu chuyện làm bảo tàng tư nhân đã từng được những người làm bảo tàng chia sẻ, có một mong muốn chung đó là làm thế nào để một bảo tàng có sức hút đối với khách tham quan. Theo GS Nguyễn Văn Huy, thực chất để hướng tới mục đích ấy các bảo tàng ngoài công lập đang đi sâu vào một lĩnh vực, một chuyên ngành và đầu tư đầy đủ để có được chất lượng cao.