Tiếng hát quê hương trên vùng Biển Hồ Tonle Sap

Nguyễn Sơn Thủy (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang - Campuchia) 02/02/2016 09:34

Nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, được sự quan tâm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Cục Chính trị Quân khu 9; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang đã phối hợp với Chi hội người Campuchia gốc Việt, tổ chức chương trình Văn nghệ Tiếng hát quê hương trên vùng Biển Hồ Tonle Sap phục vụ bà con người Campuchia gốc Việt trên địa bàn. 

Tiếng hát quê hương trên vùng Biển Hồ Tonle Sap

Quang cảnh một buổi diễn.

Ông Chủ tịch Chi hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Siem Reap Hoàng Xuân Khoa nói với tôi: Nhiều người đã 30, 40 năm chưa từng được xem ca cổ, dù những người đó là người gốc Nam Bộ, nơi sản sinh ra đờn ca tài tử. Chả thế, khi mới dự kiến chuẩn bị, ông Sáu Đầy, Trưởng làng chài Chông Kneas đã hân hoan đón tiếp chúng tôi và gọi điện đi khắp nơi “khoe” rằng xóm ông sắp có chương trình văn nghệ, bao năm nay hằng mơ ước.

Bài hát “Quê hương tôi, đất nước tôi” của Phạm Minh Tuấn khi được ca sĩ Thanh Tâm cất tiếng hát trong buổi biểu diễn tại Battambang làm cho nhiều khán giả lặng mình. Họ lặng mình không chỉ do lời ca, tiếng hát đi vào lòng người mà bởi trong họ đã bị đánh thức bởi niềm tự hào dân tộc và họ là những người con của chính dân tộc ấy. Thầm nghe dịch lời bài hát; qua ánh mắt, nét mặt của bà con gốc Việt, ngài Chan Saphol- Tỉnh trưởng Battambang chia sẻ: “Thế mới biết những người xa quê, nỗi nhớ nhung biết nhường nào”. Ông nói, đất nước các bạn “quật cường” là thế, tôi tin, trong tương lai gần, bà con người Việt nơi đây sẽ vươn mình đứng dậy, mang sức sống mạnh mẽ cho cộng đồng người Việt nói riêng và đất nước chúng tôi nói chung.

Không quản ngại vất vả đường xa, ngay sau buổi biểu diễn tại Battambang, các nghệ sĩ, nhạc công lại tiếp tục đi biểu diễn tại làng chài Chong Kneas. Đây là làng chài đông bà con người Việt nhất tại khu vực Biển hồ. Đúng như lời ông Sáu Đầy cho biết khi chuẩn bị tổ chức, đến nơi, mới có xế chiều, thế mà bà con đã có mặt đông đủ. Cảm thông với mong đợi của bà con, chúng tôi nhanh chóng thu xếp. Mặc cho sóng to, gió lớn; với 2 nhà nổi được ghép lại, vừa làm sân khấu, vừa xếp chỗ ngồi; bồng bềnh trên ngọn nước, thế mà lời ca, tiếng hát vẫn dạt dào vỗ về từng mảnh đời xa hương.

Trở lại đất liền, tối ngày 27/1 đoàn Văn công đã tổ chức biểu diễn tại Nhà Đa năng – Trụ sở Hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Siem Reap. Vừa nhìn thấy tôi, ông Chủ tịch Hoàng Xuân Khoa tay bắt, mặt mừng. Ông bảo: Thế là hết ý rồi, tối nay thật tuyệt vời, bà con mong đợi đỏ mắt. Khẩn trương chuẩn bị, chương trình bắt đầu, hàng trăm cánh tay dơ lên đón chào. Chứng kiến cảnh này, anh Trưởng đoàn Văn công Quân khu 9, Đại tá Nguyễn Thanh Bá nói: “Nơi đâu chúng tôi cũng được đón chào thế này thì thật là hạnh phúc”.

Ai chẳng muốn được nghe mãi những bài hát mình yêu thích, được ngắm nhìn những nét đẹp của các nghệ sỹ quê hương và được hòa mình trong tình cảm thương mến của đồng bào, đồng chí nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết. Sau 3 đêm diễn, chia tay chương trình Văn nghệ Tiếng hát quê hương trên vùng Biển Hồ Tonle Sap, cũng là lúc chia tay các anh, các chị trong đoàn Văn nghệ thuộc Cục Chính trị Quân khu 9 lên đường về nước. Phát biểu kết thúc chương trình, tôi bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Cục Chính trị Quân khu 9 và các anh chị em nghệ sĩ, không quản ngại năm hết, Tết đến đã giúp đỡ, đem lại lời ca tiếng hát phục vụ cho bà con cộng đồng ta tại vùng Biển Hồ Tonle Sap nói riêng và khu vực Tây Bắc Campuchia nói chung. Tổng Lãnh sự cũng hy vọng sẽ được các đơn vị liên quan và các anh, các chị nghệ sĩ tiếp tục quan tâm để có những chương trình tương tự tại những nơi còn thiếu vắng vào năm tới. Chúc các anh, các chị nghệ sĩ, nhạc công năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Nguyễn Sơn Thủy (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang - Campuchia)