Băn khoăn khoảng trống an sinh

Lan Hương (thực hiện) 03/02/2016 08:51

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đánh giá về kết quả An sinh xã hội giai đoạn 2010-2015 Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn cho rằng, giai đoạn 2010-2015 đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó một số đối tượng người có công chưa được hưởng chế độ, tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em… vẫn còn xảy ra nhưng

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

PV: Nhìn lại giai đoạn 2010-2015, Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả an sinh xã hội mà Việt Nam đã đạt được?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Nhìn lại 5 năm 2011-2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về lĩnh vực an sinh xã hội, điều đáng ghi nhận là sự cố gắng nỗ lực của toàn Ngành trong tham mưu hoạch định chính sách cũng như trong triển khai thực hiện chính sách về lao động- việc làm, người có công và xã hội. Cùng với hoàn thiện 6 luật, có 3 luật bổ sung, sửa đổi và 2 luật xây dựng mới đã góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách các lĩnh vực trên.

Nhờ đó, trong 5 năm qua, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người; Lần đầu tiên, học sinh Việt Nam đã giành được Huy chương Đồng tại Kỳ thi nghề thế giới lần thứ 43; tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015). Riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Lĩnh vực người có công được thực hiện tốt hơn nhờ sửa đổi nhiều chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp (hiện nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010).

Đây cũng là nhiệm kỳ huy động được nhiều nguồn lực, khơi dậy được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức. Trong 5 năm, cả nước đã huy động trên 1.250 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới khoảng 46 nghìn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 43 nghìn nhà với trên 10,6 nghìn tỷ đồng; gần 11 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng... Đặc biệt trong 2 năm 2014 - 2015, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kết quả trên 2 triệu người được rà soát. Qua đó, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết tồn đọng chính sách cho 10.682 trường hợp.

Dù vậy chúng ta cũng phải thừa nhận hệ thống an sinh xã hội của ta vẫn chưa đồng bộ, nhiều chính sách trợ giúp xã hội chưa phát huy được vai trò của mình do đó tỷ lệ người nghèo vẫn cao, vẫn còn những bất bình đẳng giữa các vùng, miền… Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về khoảng trống này?

Có thể nói trong giai đoạn 2010-2015 cùng với sự cố gắng, nỗ lực toàn ngành đã đạt được nhiều thành tựu nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó một số đối tượng người có công chưa được hưởng chế độ, tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em…vẫn còn xảy ra nhưng nhiều địa phương xử lý chậm, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, gây nhiều bức xúc dư luận.

Nguyên nhân của tình trạng trên do việc tổ chức thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật, chính sách của nhà nước có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan trung ương chưa được chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Cùng với đó chất lượng công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu toàn ngành chưa được đầu tư đồng bộ ảnh hướng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thưa Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ của mình, điều gì trong công việc để lại ấn tượng sâu đậm với bà?

Về giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH từ ngày 3/8/2011 tuy thời gian chưa nhiều nhưng nói về những kỷ niệm sâu sắc thì có rất nhiều, nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong tôi phải kể đến những chuyến công tác làm việc và tặng quà cho trẻ em ở những tỉnh miền núi. Nhìn những đứa trẻ vui sướng, hân hoan, thậm chí có em còn hét lên vì thích thú khi nhận những món quà vốn rất quen thuộc chỉ là những hộp sữa, gói bánh, đôi ủng…làm tôi thấy lòng mình thực sự vui nhưng cũng không khỏi chạnh lòng. Từ sau mỗi chuyến công tác như thế tôi có thêm động lực hơn, quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình để đem lại cho các em nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

Một kỉ niệm nữa có lẽ với tôi sẽ không bao giờ quên đó là chuyến công tác sang Hàn Quốc đầu năm 2014 để đàm phán ký kết thỏa thuận tiếp tục thực hiện EPS. Chuyến đi đó trong đoàn có người ví giống như “đánh trận” bởi nếu đàm phán không thành công cũng đồng nghĩa với việc hơn 1,2 vạn người lao động đã thi chứng chỉ tiếng Hàn không được sang Hàn Quốc làm việc. Khi bước vào đàm phán với phía Hàn Quốc, tôi còn nhận được tin nhắn của rất nhiều phóng viên với lời nhắn, người lao động quê nhà đang chờ kết quả “giải cứu” của Bộ trưởng. Sau nhiều giờ đàm phán, chúng tôi cũng đã thuyết phục được phía Hàn Quốc tiếp tục ký kết thỏa thuận tiếp tục thực hiện EPS với Việt Nam.

Khép lại nhiệm kỳ, điều gì còn khiến Bộ trưởng trăn trở?

Trăn trở thì nhiều lắm. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công…tôi chỉ có mong muốn chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện đúng, đủ tới tất cả đối tượng người có công. Bởi vì, cho đến nay vẫn còn những trường hợp tồn đọng và cá biệt có những trường hợp chưa đúng chế độ chính sách, chưa đúng đối tượng gây ra bức xúc cho nhân dân. Chúng tôi đã và đang thường xuyên chỉ đạo, phối hợp và quyết tâm giải quyết, khắc phục những vấn đề trên, mặc dù để xác minh những trường hợp này không dễ dàng vì hầu hết những tồn đọng trong việc giải quyết chính sách người có công đã qua thời gian quá lâu, không còn giấy tờ, không còn đơn vị xác nhận theo qui định của pháp luật...

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lan Hương (thực hiện)