Túi chườm điện nổ, chưa cơ quan nào 'động đậy'
Điều tra của PV báo Đại Đoàn Kết cho thấy: Thị trường túi chườm sưởi ấm bằng điện khá hỗn loạn và phức tạp với nhiều sản phẩm cùng loại trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Mặt khác, ngành chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát các đơn vị, cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này. Do đó, túi chườm điện sưởi ấm ngày đông buốt giá đang trở thành hiểm họa đối với người tiêu dùng.
Cháu Bảo Tr bị bỏng cấp độ 3 do túi chườm nóng phát nổ.
Thâm nhập thực tế trên địa bàn TP.Vinh (Nghệ An), PV Đại Đoàn Kết ghi nhận: Đây là dịp các cơ sở kinh doanh túi chườm điện “ăn nên, làm ra”, thậm chí có những cơ sở “cháy hàng”. Thị trường túi chườm điện tại đây khá phức tạp với nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây hiểm hoạ đối với người sử dụng.
Bỏng chân vì túi chườm
Ngày 25/1, khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, BV Sản nhi Nghệ An tiếp nhận một bé gái hơn 17 tháng tuổi tên là Nguyễn Thị Bảo Tr. (trú tại xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên) trong tình trạng bị bỏng 2 chân do sử dụng túi chườm điện. Các y bác sĩ tiến hành chấn đoán và cứu chữa cho bé, đến sáng ngày 2/2, sau hơn 8 ngày điều trị tình trạng sức khoẻ của bé Bảo Tr mới dần ổn định. Tuy nhiên vết bỏng ở hai chân của cháu Bảo Tr. vẫn chưa lành hẳn. Chị Nguyễn Thị L. (mẹ cháu Bảo Tr) cho biết: “Nguyên nhân cháu bị bỏng là do trời lạnh, gia đình có sử dụng túi chườm nóng giữ ấm cho cháu. Song, khi đang sạc điện thì túi chườm phát nổ, làm dung dịch trong túi rơi vào chân con bé, gây bỏng”.
Cũng theo chị L., túi chườm nóng bị nổ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu Tr. được chồng chị gửi từ Hà Nội về, chị mới sử dụng được 2 ngày và sạc lần thứ 2 thì phát nổ. “Lúc ấy khoảng 2h30 chiều 25/1, vì chiếc túi chườm không còn nóng nên tôi cắm sạc. Vừa cắm điện vào chiếc túi là nó phát nổ, dung dịch trong túi bay tung toé, một phần dung dịch trong túi chảy vào chân con tôi dẫn tới bỏng nặng. Chiếc túi chỉ to bằng khổ giấy A4, không rõ của hãng nào nhưng nó đã gây nên sự đau đớn đối với con tôi”- chị L nói.
Làm việc với PV báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Vũ Hùng- Khoa Chấn Thương - Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) cho biết: Bệnh nhi Nguyễn Thị Bảo Tr. nhập viện trong tình trạng bỏng chi dưới, mông bẹn và bộ phận sinh dục. Bé Tr. bị bỏng sâu cấp độ 3, mức độ thương tích gần 20%. Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo: Đối với bất kỳ sản phẩm điện nào khi sử dụng nên tìm hiểu kỹ xuất xứ và chỉ mua túi sưởi ấm có nhãn mác đầy đủ, có độ tin cậy, cần tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất. Khi cắm điện để túi sưởi tránh xa người, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi... Vì nếu nếu túi chường bị bục dễ gây bỏng đối với con người.
Túi chườm nóng phát nổ làm bé Bảo Tr. bị bỏng.
“Đá bóng” trách nhiệm
Trước sự việc một cháu bé bị bỏng do túi chườm nóng phát nổ, PV báo Đại Đoàn Kết đã đi tìm hiểu trên thị trường TP Vinh nhận thấy hầu hết các quầy bán thuốc chữa bệnh đều bán các loại sản phẩm túi chườm điện. Trên thị trường, các loại túi này được bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, không kiểm định chất lượng. Tại đường Nguyễn Phong Sắc (gần Bệnh viện Cửa Đông) có rất nhiều quầy thuốc bán các loại túi chườm nóng với giá từ 110.000 - 180.000 đồng/túi của nhiều hãng như: Thiên Thanh, 4T... Tuy nhiên có rất nhiều loại túi chỉ ghi tên công ty chứ không hề thấy tem, nhãn mác hay là mã vạch trên bao bì sản phẩm.
Tại cửa hàng vật tư y tế L.Q khi vào hỏi mua túi chườm nóng, chúng tôi được nhân viên giới thiệu khá nhiều loại, xuất xứ sản phẩm của Việt Nam. Khi chúng tôi thắc mắc về tính an toàn của sản phẩm, nhân viên bán hàng này chỉ dẫn: “Khi sạc hay dùng, không nên đè vật nặng lên. Còn nếu không yên tâm thì không mua?”.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Thắng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đùn đẩy: “Túi chườm nóng là sản phẩm thuộc trang thiết bị vật tư y tế do Sở Y tế quản lý. QLTT chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là phối hợp với các ngành đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phối hợp để kiểm tra khi có công văn của Sở Y tế yêu cầu. Tuy nhiên, sau sự việc cháu bé bị bỏng do túi chườm, chúng tôi chưa nhận được văn bản nào của Sở Y tế gửi sang để phối hợp kiểm tra”.
Song, ông Thắng cho rằng: Chỉ một trường hợp bị bỏng do túi chườm, các ngành vào cuộc thì... thực sự nó chưa đáng (?). Để kiểm tra, QLTT chúng tôi phải có kế hoạch, chương trình cụ thể. Ông Thắng ví von: “Ví dụ như, vụ rét vừa rồi nếu chỉ 10-15 con trâu chết thì không sao. Nhưng nếu như vài trăm, vài ngàn con chết thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc, thậm chí báo cáo lên Chính phủ, xin ý kiến” (?).
Trong khi đó, ông Hoàng Đăng Hảo- Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An lại “đá bóng sang QLTT”: “Ngay sau khi sự việc túi chườm nóng phát nổ, chúng tôi đã có văn bản gửi đến cơ quan truyền thông để cảnh báo! Tuy nhiên, đối với việc kinh doanh loại mặt hàng này, có loại thì có điều kiện, loại không, thậm chí hàng giả. Nếu là hàng giả thì trách nhiệm thuộc về QLTT. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm cứu nhân khi xảy ra tai nạn, còn điều tra hàng giả, hàng nhái lại là của QLTT”.
Qua đây cho thấy: Tính mạng của người sử dụng túi chườm nóng sưởi ấm đang bị đe doạ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đang “đẩy quả bóng trách nhiệm” cho nhau.