Người bị rắn độc cắn 160 lần vẫn sống
Một nhà khoa học nghiệp dư Mỹ tuyên bố miễn dịch với nọc của các loài rắn cực độc sau thời gian dài thực nghiệm cho rắn độc cắn vào người hơn 160 lần.
Ảnh minh họa.
Theo Independent, Tim Friede là người thành phố Fond du Lac, bang Wisconsin, Mỹ. Người đàn ông 37 tuổi này bị ám ảnh bởi việc có hơn 10.000 người trên thế giới mỗi năm bị tử vong do rắn độc cắn, nên quyết tâm tự cho rắn độc cắn vào người để tìm ra chất chống lại nọc rắn. Trong 16 năm qua, Friede đã cho các loài rắn độc cắn vào người đến hơn 160 lần và tuyên bố sẽ không dừng lại việc tìm ra vắc xin phòng ngừa chất độc do rắn cắn cho dù ông gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Barcroft Media hôm 20/1 đăng đoạn video có cảnh Friede cho 2 loài cực độc là rắn mamba đen và rắn taipan cắn vào tay. Ông nói cảm thấy tuyệt vời dù trải qua cảm giác “bị đau nhói bên trong cơ thể”.
Ngoài hai loài rắn độc trên, Friede còn nuôi trong nhà 2 loài rắn độc chết người khác là rắn đuôi chuông và rắn hổ mang. Năm 2011, Friede hôn mê suýt chết khi hai lần cho rắn hổ mang cắn vào người.
“Tự tiêm nọc độc bằng cách cho rắn cắn vào người là vô cùng nguy hiểm đối với trường hợp như Friede đang thực hiện”, tiến sĩ Rachel Currier làm việc tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, Anh, cho biết. Bà Currier cho hay muốn tìm thuốc giải nọc rắn phải trải qua quá trình nghiên cứu và am hiểu về các thành phần độc tố khác nhau có trong nọc rắn.
Ngoài 10.000 trường hợp người chết mỗi năm do rắn độc cắn, còn có khoảng 40.000 nạn nhân sống sót nhưng để lại thương tật vĩnh viễn.
Cuộc sống riêng của Friede bị ảnh hưởng trong quá trình nghiên cứu tìm ra vắc xin kháng nọc rắn. Vợ ông quyết định ly hôn năm 2015 sau gần 20 năm gắn bó do không chịu nổi “sở thích nghiên cứu nọc rắn” của Friede.