Tiếng nói của dân
“MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 9 Hiến pháp 2013). Báo Đại Đoàn kết, cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam nhiều năm qua đã thực hiện đúng như Hiến pháp và pháp luật q
Nhiều năm qua, năm qua, hàng ngày, từ khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài, bạn đọc đã gửi nhiều tin bài, thư từ cộng tác, điện thoại trao đổi, phản ánh, chia sẻ tâm tình cùng Đại Đoàn Kết. Rất cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ, động viên của bạn đọc. Nhiều thư từ chúng tôi không thể hồi âm, mong được bạn đọc thông cảm, lượng thứ. Nhân dịp xuân mới, xin chúc bạn đọc mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều thành công.
Trong rất nhiều thông tin, ý kiến của bạn đọc xa gần vừa qua, chúng tôi xin trích một số ý kiến.
BBĐ
Ông Huỳnh Thanh Cần (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ):
Hi vọng vào những chính sách mới
...Là người nông dân làm ăn nhỏ lẻ như chúng tôi khó bền, đầu ra không ổn định. Thời gian qua ở Cần Thơ và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện mô hình HTX, thấy cũng ổn lắm.
Ông Huỳnh Thanh Cần bên vườn hoa kiểng chờ xuân
Người dân tham gia vào HTX được hỗ trợ nhiều thứ, đặc biệt không phải lo đầu ra. Giờ làm gì cũng thế, phải liên kết lại mới vững được…Chúng tôi đang hi vọng vào vấn đề liên kết “4 nhà” cao hơn nữa, nhất là liên kết các vùng với nhau, tạo nên thế mạnh giữa các địa phương để giải quyết đầu ra sản phẩm. Những chính sách của Chính phủ cho nông nghiệp một vài năm gần đây đang từng bước tạo hướng đi vững chắc cho nền nông nghiệp vùng ĐBSCL và cho cả nước. Chúng tôi rất mong nhà nước tiếp tục có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, “trợ lực” cho người nông dân.
Ông Nguyễn Sơn (Bon Choi, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Nông):
Cần kiểm soát chất lượng phân bón
Người dân chúng tôi quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ mong cuối vụ mùa, cây cối cho hoa thơm quả ngọt, bù đắp lại bao công sức mồ hôi đổ trên rẫy vườn. Vậy mà có những kẻ thiếu lương tâm lại cố tình sản xuất những loại phân bón kém chất lượng, khiến cho người dân ngậm “quả đắng”, trắng tay sau cả năm nhọc nhằn. Năm rồi, vườn quýt ngọt của gia đình tôi bắt đầu bước vào cho thu hoạch chính vụ, dự tính thu nhập khoảng 900 triệu đồng. Vậy mà chỉ vì nghe lời giới thiệu của cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, mới nhập về sản phẩm phân bón ngoại có chất lượng tốt, giúp chống quả rụng, gãy cành, tôi đã mua về dùng. Nào ngờ sau khi phun xong thì cả vườn quýt của gia đình hơn 300 gốc vàng lá, quả héo, rụng hơn 40 tấn, khiến cho gia đình tôi thiệt hại gần 700 triệu đồng. Tôi còn mất hơn 20 triệu tiền mua thuốc khác để cứu vườn cây. Vậy là gia đình tôi coi như “mất cả chì lẫn chài”.
Ông Sơn bên vườn quýt của gia đình đang chết dần, chết mòn do dùng phải phân bón giả
Mong các cơ quan chức năng cần kiểm soát chất lượng phân bón thật tốt để người nông dân như chúng tôi không phải gánh chịu hậu quả vì những sản phẩm làm giả kém chất lượng.
Ngư dân Đỗ Văn Tiến (chủ tàu cá QNa 92990 TS, công suất 280 CV, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam):
Mong chính quyền địa phương, Nhà nước luôn “đồng hành” cùng ngư dân
Chúng tôi không ngại gian khổ, bão tố, kể cả tàu lạ, ra khơi để đánh bắt thủy hải sản và quyết tâm bảo vệ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của cha ông để lại. Nếu chỉ vì sợ mà chúng ta từ bỏ ngư trường của mình hay sao? Rất mong chính quyền địa phương, Nhà nước đồng hành cùng ngư dân. Bà con ngư dân quyết tâm cùng đoàn kết ra khơi, bám biển.
Ngư dân Đỗ Văn Tiến
Nguyện vọng của ngư dân chúng tôi trong năm 2016 là chính quyền quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con trong việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, để có điều kiện cải thiện tàu có công suất lớn và áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại đánh bắt cá để đạt sản lượng cao, tiết kiệm các chi phí cho một chuyến ra khơi xa bờ ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tăng thu nhập cho các ngư dân. Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, bảo vệ cho ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản.
Anh Nguyễn Quang Tạo (khối 3, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh):
Xem xét một kiểu thu phí giao thông không hợp lý
Trong những ngày đầu năm này, vấn đề tăng phí sử dụng đường bộ được người dân cả nước quan tâm, nhất là tại Nghệ An, Hà Tĩnh đang rất “nóng”. Theo như Thông tư 51/2014/TT-BTC ngày 24-4-2014 của Bộ Tài chính thì từ ngày 1-1-2016 Trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1 và 2 đồng loạt tăng giá lên 50%. Trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1 (cũ) thu phí tuyến đường tránh Vinh (chiều dài 25km). Tuy nhiên, những phương tiện không tham gia lưu thông trên tuyến đường tránh vẫn bị thu phí. Không những thu không đúng quy định, Cienco 4 (Tổng công ty Cổ phần xây dựng Giao thông 4) còn tăng phí liên tục 2 lần trong 2 năm, làm cho những người dân như chúng tôi sống ở Nghi Xuân sang TP Vinh làm việc (không tham gia đường tránh) phải móc hầu bao ra trả phí một cách vô lý. Chính việc này đã tạo ra khoảng cách giữa người dân của 2 huyện Nghi Xuân và TP Vinh, ngay cả những ngày Tết này. Bởi muốn qua Vinh, hay ngược lại thăm người thân, chúng tôi phải trả gần 50 ngàn đồng cho một lần qua trạm, mà việc này riêng với tôi thì thường xuyên, vì là những công chức, công nhân sang TP Vinh làm việc. Một tháng tiền phí qua trạm đã mất đi gần 2 tháng lương cơ bản, hỏi chúng tôi không bức xúc sao được?
Bà Đỗ Thị Thơi (thôn Lam Sơn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình):
Chúng tôi chẳng muốn phải khiếu kiện
Năm 2004, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định thu hồi 141,7 ha đất tại xã Lâm Sơn để giao cho Công ty CP Đầu tư và du lịch Bạch Đằng thuê 50 năm thực hiện dự án Làng Văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Sau nhiều năm xây dựng, chủ đầu tư cũng chỉ xây được chiếc biệt thự rồi bỏ hoang. Sau đó Dự án được chuyển giao cho Công ty CP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng để xây dựng Khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Chủ đầu tư cũng mới cũng chỉ xây dựng được chiếc cổng chào rồi bỏ dở. Do đền bù tồn tại nhiều bất cập, khiến chúng tôi bị thiệt hại lớn nên nhiều hộ bám trụ lại trong đất dự án. Vì trong dự án nên nhà cửa xuống cấp không được cơi nới, xây dựng và không thể phát triển sản xuất.
Bà Thơi bên căn nhà xuống cấp
Chủ đầu tư dự án không cho chuyển đổi cây trồng, không có thu nhập nên cuộc sống nghèo khó. Trước đây, khi chưa làm dự án, chè, cây ăn quả tốt tươi thu nhập ổn định, nay không thể sản xuất, con cái không có công ăn việc làm. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Chị Nguyễn Thị Hoan (phường Xuân La, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội):
Khổ vì không an toàn thực phẩm
Thực tế hàng ngày các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin, về thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, nhiễm độc và các vụ ngộ độc thực phẩm, khiến chúng tôi rất hoang mang. Ngoài chợ rau củ quả thì nghe nói nhiễm độc thuốc trừ sâu, cá thịt thì sử dụng các chất cấm để chăn nuôi, bảo quản. Các loại rau củ quả nhập khẩu không rõ nguồn gốc cũng được bán đầy ở chợ. Trước đây, tôi thường chọn các siêu thị lớn để mua thực phẩm cho gia đình mình. Tuy vậy, gần đây với tình trạng an toàn thực phẩm đáng báo động như hiện nay thì mua ở siêu thị cũng cảm thấy không an toàn. Đặc biệt lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền này. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết.
Bà Lương Thị Nhạn (thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn):
Làm sao giảm bụi, cho bà con đỡ khổ
Nhiều năm qua, người dân sống xung quanh nhà máy xi măng Đồng Bành rất khốn khổ vì khói bụi, tiếng ồn của nhà máy này. Quanh năm, suốt tháng ngập tràn trong khói bụi đá, xi măng. Ngồi trong nhà vẫn đeo khẩu trang, trẻ con phải di tản đi chỗ khác tránh bụi. Do hít nhiều khí thải và bụi nên nhiều người mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa…. Không chỉ vậy, tiếng động cơ, máy móc của nhà máy phát ra đinh tai, nhức óc suốt ngày đêm. Người lớn thì nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ triền miên, trẻ con thì việc học hành bị ảnh hưởng lớn. Chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ đói, nghèo do khói bụi dày đặc, khiến toàn bộ đất đai, ruộng vườn bị ảnh hưởng. Trước đây chưa có nhà máy, cây cối tốt tươi, còn bây giờ cây ăn quả không thể đơm hoa kết trái, ruộng lúa, hoa màu cứ héo úa rồi chết dần, chết mòn vì ô nhiễm. Mong các cấp có thẩm quyền kiểm tra, có giải pháp để chúng tôi đỡ khổ.