Bạc Liêu: Đánh thức tiềm năng
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bạc Liêu có gần 12.000 liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống. Ngoài ra còn hơn 5.500 thương binh, hàng chục ngàn đồng bào bị giặc giết hại, bắt bớ, tù đày đến tàn phế. Giờ đây, một Bạc Liêu năng động, đang chuyển mình mạnh mẽ.
Cây đờn kìm được công nhận kỷ lục quốc gia
Con người Bạc Liêu vẫn giữ được nét sâu lắng, đằm thắm, phóng khoáng vốn có như điệu “Dạ cổ hoài lang”. Hai câu thơ của người anh đồng nghiệp viết về Bạc Liêu minh chứng cho điều này:
“…Nhân ái nhé, xứ này không lắm của
Chỉ vô biên phong độ nới duyên tình...”
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
Đến Bạc Liêu chúng tôi có dịp được trò chuyện với nhiều cán bộ lãnh đạo cố cựu của tỉnh, các lãnh đạo vẫn còn nhớ hồi năm tái lập tỉnh (ngày 1/1/1997), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm tới 28%, nhưng đến nay đã giảm còn 2,28%, có thể nói đây là một “kỳ tích”. Có được kết quả này là phải kể tới cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của MTTQ các cấp trong tỉnh phát động. V
ới phương châm: lấy đại đoàn kết dân tộc làm động lực; lợi ích của nhân dân làm điểm tương đồng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh làm nội dung; sự tiến bộ nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở cộng đồng dân cư làm mục đích; lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân làm phương châm, cuộc vận động đã tác động tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của Bạc Liêu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quảng Trọng Ninh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu tự hào: Cuộc vận động đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, thể hiện tính đúng đắn chủ trương của Đảng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. MTTQ phối hợp tốt với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng được nhiều công trình lớn mang ý nghĩa dân sinh phục vụ thiết thực cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Bằng nhiều phương thức vận động, với nội dung mang tính toàn diện, toàn dân trong thời kỳ đổi mới nên cả hệ thống chính trị cùng tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục từ trong nội bộ ra quần chúng nhân dân, lồng ghép tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. MTTQ các cấp đã lựa chọn 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của địa phương mình, phối hợp các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia thực hiện.
15 năm qua, các cấp Mặt trận đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được trên 185 tỉ đồng và qũy an sinh xã hội gần 600 tỉ đồng. Với nguồn quỹ này đã xây dựng được 37.363 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Toàn tỉnh công nhận được 1 huyện đạt nông thôn mới, 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt từ 15 - 18/19 tiêu chí, 20 xã đạt từ 10 - 14/19 tiêu chí...
Ngoạn mục thoát nghèo
Chưa có thời kỳ nào mà Bạc Liêu giảm nghèo và chăm lo an sinh xã hội ấn tượng như giai đoạn 2010-2015. Qũy an sinh xã hội vận động hơn 700 tỷ đồng. Quan điểm chỉ đạo của Bạc Liêu là “trao cần câu chứ không chỉ cho cá”, hướng dẫn và giúp dân, giúp doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất, đời sống hiệu qủa để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, mỗi năm, Bạc Liêu giảm 3% hộ nghèo. Toàn tỉnh không còn gia đình chính sách nghèo. Năm 2015, trong 23 chỉ tiêu do Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra thì có tới 19 chỉ tiêu đạt và vượt. Kinh tế phát triển nhờ xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu qủa như: nuôi tôm siêu thâm canh; sản xuất trong cánh đồng lớn; mô hình nuôi trăn, tổ hợp tác nuôi ba ba; tổ hợp tác nuôi cá sấu;… đưa thu nhập (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 44,6 triệu đồng, gấp 3 lần so với năm 2010.
Bạc Liêu phát huy thế mạnh nông nghiệp trong đó đưa Bạc Liêu vươn lên trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và đưa công nghiệp nuôi tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh khuyến khích và nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, nuôi khép kín trong nhà kính, xem đây là “điểm nhấn” trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản. Song song đó, thực hiện đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng chương trình giám sát vùng nuôi chặt chẽ; thực hiện tốt công tác dự báo môi trường, phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro; đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để có thể khai thác dài ngày trên biển vừa nâng cao hiệu quả khai thác hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Ở vùng sản xuất lúa, tỉnh coi trọng sản xuất lúa chất lượng cao, không đặt nặng vấn đề năng suất, đồng thời gắn với Nhà máy sản xuất lương thực Vĩnh Lộc để bao tiêu cho bà con. Trên lĩnh vực công nghiệp, Bạc Liêu “trải thảm” mời gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Chỉ vài năm trước đây thôi, vùng biển Bạc Liêu còn hoang sơ ẩn mình như thiếu nữ ngủ quên, ấy thế mà giờ đây, Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã đưa vào vận hành hơn 30 tua-bin, chính thức hòa mạng lưới quốc gia với công suất 48 MW cung cấp nguồn năng lượng sạch cho ĐBSCL. Dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý II năm 2016 với tổng số 62 tua-bin, tổng công suất 99,2 MW góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh khuyến khích phát triển mới doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ phát triển. Năm 2015, toàn tỉnh có trên 100 HTX, khoảng 800 tổ hợp tác, thu nhập bình quân của các thành viên khoảng từ 26 đến 30 triệu đồng/năm.
Giới thiệu mô hình nuôi tôm siêu sạch.
Bạc Liêu còn có thế mạnh nữa là trong số 20 sản phẩm du lịch quốc gia thì Bạc Liêu có đến 6 sản phẩm gồm: Đền thờ Bác Hồ; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Quảng trường Hùng Vương; Khu du lịch nhà mát; Khu nhà Công tử Bạc Liêu....
Ngoài ra còn có hơn 40 di tích lịch sử được xếp hạng như: Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Đồng hồ đá (đồng hồ Thái Dương), Quảng trường Hùng Vương, Vườn nhãn 100 năm tuổi, Chùa Xiêm Cán, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Công trình tượng đài chiến thắng, Nhà Công tử Bạc Liêu, Cánh đồng điện gió… Trên cơ sở thế mạnh vốn có, Bạc Liêu chủ trương phát triển đa dạng các loại hình như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch nghiên cứu….
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm 2015, tổng doanh thu du lịch - dịch vụ khoảng 960 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014; đón tiếp khoảng 1,1 triệu lượt khách trong đó có 380.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú và có khoảng 35.000 lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ. Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu. Định hướng trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh tập trung phát triển mạnh du lịch, phát huy thế mạnh là vùng trọng điểm du lịch của vùng ĐBSCL. Để níu chân khách quay trở lại, Bạc Liêu đầu tư mạnh cho du lịch tâm linh trong đó có các điểm đến nổi tiếng như: Phật bà Nam Hải; Nhà thờ Tắc Sậy,… Bạc Liêu sẽ lấy du lịch tâm linh để kéo các loại hình du lịch khác…
Năm 2016 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV đề ra: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đồi mô hình tăng trưởng; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tăng cường quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội;. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ông Lương Ngọc Lân, giám đốc Sở NN&PTNTcho biết: Để cụ thể hóa nghị quyết tỉnh đảng bộ, ngành nông nghiệp tỉnh xác định nuôi trồng, khai thác thủy sản là mũi nhọn phát triển kinh tế; tập trung nâng cao chất lượng lúa, gạo, rau, màu…để từng bước xây dựng thương hiệu nông sản. Ngoài 15 điểm mô hình CĐL với diện tích 1.689 ha, tỉnh tiếp tục nhân rộng thêm mô hình CĐL nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận 3 triệu đồng/ha đồng thời tập trung xây dựng nông thôn mới nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn qua đó góp phần phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.
Trên cơ sở thành công của Tập đoàn Việt - Úc về mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tại ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với diện tích 50ha (gồm hơn 410 ao nuôi), năng suất mỗi ao đạt từ 2 - 4 tấn, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ, 120 - 240 tấn/ha/năm, tỉnh sẽ nhân rộng ra trong nhân dân để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định cho các nhà máy chế biến thủy sản.
Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh phát huy thế mạnh của có 33 nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản có tổng công suất khoảng 100.000 tấn/năm nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng chế biến thủy sản. Bạc Liêu sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư; rà soát, điều chỉnh, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư để huy động các nguồn lực đầu tư trong nước, nước ngoài, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân phát triển công nghiệp và xây dựng trong đó chú ý phát triển các ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh như: điện gió, chế biến nông, thủy sản, năng lượng, muối và sản phẩm từ muối, may mặc, cơ khí chế tạo nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp vi sinh, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản; củng cố và nâng cao các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, hình thành các cụm tiểu thủ công nghiệp tại trung tâm xã, sản xuất các nguyên liệu cung cấp cho khu công nghiệp tập trung đồng thời hoàn chỉnh hệ thống thương mại, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.