Đề xuất mới của EU có đủ giữ Anh ở lại?

Khánh Duy 04/02/2016 09:10

Thủ tướng Anh David Cameron đã quyết định sẽ bảo vệ kế hoạch cải cách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giữ nước Anh lại trong khối này. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã bắt đầu các vòng đàm phán ở Strasbourg nhằm tránh cái mà họ gọi là “Brexit” – tức khả năng Anh tách khỏi EU.

Đề xuất mới của EU có đủ giữ Anh ở lại?

Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ
các đề xuất của Chủ tịch EU Donald Tusk. (Nguồn: Express.uk).

Chủ tịch EU Donald Tusk trước đó đã công bố các đề xuất nhằm tránh khả năng Anh rời khỏi liên minh gồm 28 quốc gia thành viên này, lần đầu tiên công bố quyết định của họ sau 2 tuần đàm phán căng thẳng nhằm đạt được một thỏa thuận trong một hội nghị thượng đỉnh tổ chức cuối tháng 2 này.

Các đề xuất này gồm việc “đóng băng” các khoản chi trả an sinh xã hội đối với lao động nhập cư, bảo vệ các nước không sử dụng đồng tiền chung Euro và hệ thống “thẻ đỏ” cho phép Quốc hội các nước có nhiều quyền lực hơn.

Ông Cameron nói rằng kế hoạch mà ông Tusk đưa ra là một “bước tiến thực sự” và cho hay ông sẽ tích cực vận động người dân trong nước để ủng hộ việc quốc gia này ở lại EU trong cuộc trưng cầu dự kiến được tổ chức trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, có khả năng cao là ông Cameron sẽ phải đối diện với các câu hỏi gai góc từ các nhà lập pháp trong nước, trong đó gồm cả những chính trị gia có tư tưởng hoài nghi đến từ chính đảng Bảo thủ của ông.

Trong khi đó, giới chuyên gia dự kiến rằng động thái mới này sẽ khiến một số nước thành viên EU khó chịu, do lo ngại ông Cameron đang giành được quá nhiều sự nhượng bộ ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh tổ chức trong hai ngày 18 và 19 tới đây.

Các vòng đàm phán đã bắt đầu diễn ra tại Nghị viện châu Âu hôm 3/2, trước khi Thủ tướng Cameron bắt đầu các chuyến thăm nhằm tranh thủ sự ủng hộ đến một số nước như Ba Lan, Đan Mạch trong cuối tuần này, và tới Đức trong tuần tới.

“Có ở lại cùng nhau hay là khoiong? Đó là câu hỏi cần được trả lời, không chỉ với người dân nước Anh, mà đối với cả 27 nước thành viên EU trong vòng 2 tuần tới” – ông Tusk viết trong một bức thư gửi tới giới lãnh đạo EU.

Việc nước Anh muốn thanh đổi tư cách thành viên EU của mình trong thời gian qua dường như đã thêm phần bất ổn trong khối này, trong khi nhiều nước thành viên còn đang phải vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II cùng khủng hoảng nợ công trong khối đồng tiền chung (Eurozone).

Thủ tướng Cameron nói rằng đề xuất của ông Tusk cho thấy rằng ông “đã đảm bảo được một số thay đổi hết sức quan trọng”, ý nói đến các biện pháp cải tổ lại EU. Tuy nhiên, những người vận động ra khỏi EU lại không bị thuyết phục bởi điều đó, khi Thị trưởng London – người cũng ở trong đảng Bảo thủ cảu ông Cameron – thể hiện sự ngờ vực về tính hiệu quả của các đề xuất trên.

Người đứng đầu đảng Độc lập nước Anh, ông Nigel Farage cũng bác bỏ đề xuất của ông Tusk, nói rằng các đề xuất này là “thảm hại”.

Còn đối với người dân trong nước, các cuộc thăm dò mới đây cho thấy nước Anh cũng đang bị chia rẽ theo hai xu hướng đối lập: Hoặc ủng họ, hoặc phản đối việc Anh ở lại EU.

Đề xuất gây tranh cãi nhất của ông Tusk chính là về an sinh xã hội, trong đó một quốc gia thành viên bị áp lực về an sinh xã hội sẽ được phép “đóng băng” tới 4 năm các khoản phúc lợi ngoài lương đối với lao động nhập cư từ các nước EU khác. Để thực hiện điều đó, các nước sẽ phải chứng minh “tình trạng đặc biệt” của mình, mà trong đó hệ thống an sinh xã hội và dịch vụ công của họ bị quá tải, và sau đso cần sự phê chuẩn của Ủy ban châu Âu (EC) và sau đó là từ các lãnh đạo EU trong một cuộc bỏ phiếu.

Kế hoạch của ông Tusk cũng gồm một “cơ chế” mới, mà trong đó 9 quốc gia không sử dụng đồng tiền chung Euro có thể nêu các quan ngại của họ về các quyết định mà khối đồng tiền chung Eurozone đưa ra.

Mặc dù Thủ tướng Anh Cameron đã đặt ra thời hạn chót để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay tách khỏi EU vào cuối năm 2017, nhưng một số nguồn tin phương Tây nói rằng ông vẫn muốn thúc đẩy một cuộc trưng cầu vào tháng 6 tới; chủ yếu là nhằm tránh các ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng di cư trong mùa hè năm nay.

Khánh Duy