Kì thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Không có nhiều thay đổi
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm Kì thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015; tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo và toàn xã hội, ngày 3-2, Bộ GD&ĐT gửi công văn tới các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước về chủ trương tổ chức Kì thi THPTQG và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016. Theo đó, lịch thi cụ thể Bộ GD&ĐT đưa ra là 4 ngày: Ngày 01, 02, 03, 04 tháng 7 năm 2016.&nbs
Không có nhiều thay đổi so với kỳ thi năm 2015.
Hai cụm thi đại học và tốt nghiệp
Cụ thể, về cụm thi: Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH); và cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Về môn thi, giữ ổn định như năm 2015: Tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút; môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đăng ký dự thi 04 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 03 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT 04 môn tối thiểu và ĐKDT thêm các môn khác để xét tuyển sinh.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, ĐKDT để xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT các môn để xét tuyển sinh.
Về đăng ký dự thi: Thí sinh đang học tại cơ sở giáo dục nào thì ĐKDT tại cơ sở giáo dục đó; Thí sinh tự do: ĐKDT tại địa điểm do các sở GDĐT quy định sao cho thuận tiện nhất.
Về đề thi, cơ bản như năm 2015 (đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ).
Tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2015, nhưng tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD&ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH. Các sở GD&ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi. Trường ĐH chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ 01 Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong công văn nêu rõ: Thực hiện như năm 2015, kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 04 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuyển sinh ĐH, CĐ không có nhiều thay đổi
Việc tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy: Các trường ĐH, CĐ, nhất là các trường khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy; tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh.
Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi THPTQG để xét tuyển: Về cơ bản giữ ổn định như năm 2015. Có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển. Cụ thể: Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển; Thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online); Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT; Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GDĐT quy định để xác định và công bố công khai ngưỡng ĐKXT vào ngành/nhóm ngành của trường; tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển cho thí sinh;
Các đợt xét tuyển được chia như sau: Đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo; Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.