Nhớ Tết chiến khu
Nhớ Tết thời kháng chiến. Năm nào dù có ăn Tết hay không chúng tôi vẫn thao thức lắng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ, nhưng có 3 cái Tết để lại trong tôi những ký ức không bao giờ quên.
Di tích Trung ương Cục miền Nam.
Tết 1962, Đài Phát thanh Giải phóng ra đời ở căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Cũng năm ấy tôi vinh dự làm phát thanh viên Đài Giải phóng bằng tiếng Pháp. Đến Tết 1963 tôi đã được nghe và sau đó đọc lời chúc Tết của Bác Hồ trên Đài Giải phóng: “Nước Việt Nam ta là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam Bắc là con một nhà!”. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn có kẹo, bánh, ấm trà, ca hát mừng Xuân. Thủ trưởng và chiến sĩ cùng nhau chúc Tết, vui vẻ như trong gia đình. Nhưng chúng tôi thầm hứa với Bác quyết giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để thực hiện chân lý: “Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam Bắc là con một nhà”.
Nhớ Tết thời kháng chiến. Năm nào dù có ăn Tết hay không chúng tôi vẫn thao thức lắng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ, nhưng có 3 cái Tết để lại trong tôi những ký ức không bao giờ quên.
1. Sau khi đổ hàng nửa triệu quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở Miền Nam, vào dịp Tết 1967 (tháng 2) Mỹ mở chiến dịch Junction City với 45.000 quân Mỹ vào căn cứ địa Bắc Tây Ninh nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bị tổn thất quá lớn, Mỹ buộc phải chấm dứt cuộc càn một cách nhục nhã. Trước đó đêm giao thừa 30 Tết Đinh Mùi (8/2/1967), Bác Hồ chúc Tết: “Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa!”.
Đó là lời hịch động viên chiến sĩ ta càng đánh càng thắng, chiến công tiếp nối chiến công, đập tan chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và đang từng bước làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Tết năm ấy, chúng tôi không hề được ăn Tết mà chỉ lo tập trung đánh bại cuộc càn kéo dài 53 ngày đêm của Mỹ với niềm tin chắc thắng. Lãnh đạo đánh giá cao sự đóng góp to lớn của 10.000 thanh niên chúng tôi (chiếm 70% dân số ở căn cứ.)
2. Gần đến giao thừa năm 1969, lãnh đạo cũng như chiến sĩ ở từng cơ quan, đơn vị đều tập trung chung quanh chiếc radio để nghe lời Bác chúc Tết: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-– Nam sum họp xuân nào vui hơn!”.
Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Quân và dân ta, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Điều này đã làm cho Bác tiên đoán, Mỹ nhất định thua và Bác động viên quân và dân ta “vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, vì có độc lập tự do là có tất cả.
Nhưng một tin bất ngờ đã đến với chúng tôi. Bác Hồ đã từ trần tại thủ đô Hà Nội ngày 2/9/1969 với niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Lợi dụng tình thế ấy, kẻ thù hy vọng sẽ giành thắng lợi và kết thúc chiến tranh trong năm 1971. Nhưng đối phương đã lầm to. Biến đau thương thành sức mạnh, với sự chi viện của miền Bắc ruột thịt, quân và dân miền Nam quyết đánh và sẽ thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Và ngày 27/1/1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, rút toàn bộ quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam. Cuối cùng ngày 29/3/1973 “Mỹ đã cút” và ngày 30/4/1975 “ngụy đã nhào”, “Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn” theo đúng ước vọng suốt đời của Bác Hồ. Ông Valdes Vivo, từng là Đại sứ Cuba bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở chiến khu từng nói: “Bác Hồ lãnh đạo chiến tranh bằng thơ. Tiếc thay, đế quốc Mỹ sai lầm khi không đọc thơ Người”.
3. Chúng tôi tổ chức ăn Tết năm 1975 lần cuối cùng ở căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong không khí tương đối yên bình, không bom đạn. Nhưng đây là lúc chúng tôi tưởng nhớ đến 2.000 đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân. Khi xuống đường, lãnh đạo từng cơ quan đơn vị dặn dò chúng tôi: Bác Hồ căn dặn khi về thành phố, không được vướng vào “viên đạn bọc đường”, không được đụng đến “cây kim, sợi chỉ của nhân dân”. Và chúng tôi đã làm được như vậy.
Suốt gần 15 năm ở chiến khu, chúng tôi luôn thực hiện cuộc vận động “sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, xem đây là lẽ sống của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Bên cạnh chúng tôi, luôn có những đồng chí lãnh đạo không thể hiện “cấp trên với cấp dưới”, có lối sống nghiêm khắc trong làm việc và giản dị, hiền hòa, thân thương, hòa đồng tromg sinh hoạt đời thường. Các đồng chí lãnh đạo luôn nhắc nhở chúng tôi phải thường xuyên học tập gương Bác. Và bản thân các đồng chí luôn là tấm gương để tuổi trẻ chúng tôi học tập. Họ có đức tính: cần, kiệm, liêm, chính và thể hiện rõ ý thức chí công vô tư.
Từ sau giải phóng đến nay đã 40 năm, chúng tôi là những cựu đoàn viên Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam vẫn tiếp tục cống hiến bằng cuộc hành trình “Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, chăm lo đồng đội, tiếp lửa thanh niên” khắp cả nước và phấn đấu xây dựng gia đình tốt theo lời dạy của Bác Hồ “người tốt, gia đình tốt, làng tốt thì đất nước phú cường”. Không có con đường nào khác. Tết đến Xuân về, lại nhớ những cái Tết đặc biệt ở chiến khu. Nơi không bao giờ có chuyện chạy theo bệnh thành tích, bệnh hình thức, nên tạo được, tìm được người có đức, có tài.
Nhớ Tết kháng chiến, lại thấm thía - tất cả những gì chúng tôi làm là để trả ơn cha mẹ đã nuôi dạy chúng tôi, trả ơn Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, và trả ơn các đồng đội đã hy sinh để chúng tôi có cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Mãi mãi là như vậy.
Mỗi ngày, thành thật tự hỏi mình: Học tập Bác, đã hay chưa toàn tâm toàn trí?
Mỗi buổi, thành thật tự hỏi nhau: Phục vụ Dân, đã hay chưa hết dạ hết lòng?
Lã Vọng