Những người tử tế
Họ vốn là những cán bộ gạo cội của Mặt trận, mà mỗi khi nhắc đến, người “trong ngành” cũng như người ngoài ngành đều dùng những cụm từ như: liêm khiết, công bộc, đạo đức… Nhưng tôi vẫn thích gọi họ là những người tử tế.
Ông Trần Văn Đăng.
Người về lại đất Trung du
Nói về chuyện tử tế của cán bộ Mặt trận, trong những người hay được nhắc đến thì không thể thiếu ông Trần Văn Đăng- nguyên Tổng Thư kí UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ông là người lạ, hiếm trong những con người từ địa phương về Trung ương công tác nhưng lại không bố trí cho người con nào về Hà Nội để ở, để làm.
Ông cũng còn cái lạ nữa là không để cho bạn bè, đồng nghiệp đến chia tay ngay sau khi có quyết định nghỉ hưu. Nghỉ hôm trước, hôm sau ông đã cửa đóng then cài ngôi nhà công được mượn, đón xe khách đưa người vợ theo mình về mảnh đất mình đã ra đi: Phú Thọ.
Nói về cái tài của ông Đăng, đất Phú Thọ, người Phú Thọ chẳng thể quên con người tài tử một thời. Xuất phát từ giáo viên, chỉ mong theo nghiệp lớp trường và gõ đầu trẻ đến già. Nhưng do ông “phát tiết” quá, nên từ giáo viên, bỗng dưng người ta đề xuất, đánh văn bản và… “bốc” ông sang bên Tuyên giáo. Tuyên giáo huyện rồi Tuyên giáo tỉnh.
Làm Tuyên giáo một thời gian, ông lại “bị điều” sang làm Phó Bí thư kiêm Chủ tịch của huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phú), bao gồm tới 4 huyện gian khó là Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh. Những năm này, dân nghèo, cán bộ nghèo, chè, sắn là cây chủ lực nên khó khăn lắm. Thế nhưng bằng khả năng thao lược của ông đời sống của dân, của huyện đã có những thay đổi cơ bản.
Thấy ông được việc, sau một thời gian tỉnh “rút về”, biên chế vào Đoàn chuyên gia sang Luông Nậm Thà để giúp đỡ nước bạn Lào phát triển kinh tế. Sau thời gian ở Lào, ông về, được bố trí đảm trách các công việc như Phó Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư. Ông bảo, đời ông từ phận anh giáo viên, đi qua “các cung bậc lãnh đạo” nhưng có lẽ ghi dấu ấn đậm nét nhất trong đời ấy là lúc ông trở thành cán bộ Mặt trận.
Năm 1994, trong Đại hội lần thứ 4 của MTTQ Việt Nam, sau một quy trình hiệp thương thì ông đã được đề xuất làm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam. Với chức danh mới đảm nhận này, ông lại được mệnh danh là người có nhiều hiến kế. Những vấn đề tế nhị thời ấy như quốc tịch, vai trò chức năng của Mặt trận (Luật Mặt trận ngày nay), MTTQ tham gia xây dựng chính quyền, Nghị quyết liên tịch giữa MTTQ và các cấp chính quyền rồi khu dân cư và tổ dân phố… dưới đề xuất và sự thu vén của ông đã được định hình.
Bao nhiêu năm ra đi, nghỉ hưu về quê, không có bất cứ thứ tài sản vật chất đáng kể gì. Thương ông, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thời ấy đã phân cho ông một lô đất theo chế độ. Đất ấy ở trung tâm, nhưng đông con nên ông cũng không ở được. Để lo sinh kế cho hai vợ chồng già 7 đứa con, ông đành xin phép bán chỗ đất tỉnh phân cho và “chạy” vào nẻo xa tít để mua chỗ khác rộng hơn, làm chỗ sinh sống và tăng gia cho gia đình.
Có lẽ trong cán bộ lão thành của tỉnh, của Trung ương, căn nhà ông Đăng là một trong số hiếm vẫn nhộn nhịp sự ra vào thăm hỏi của người dân, cán bộ. Ông cười bảo, đời có tâm thì đều ổn cả. Cái quý nhất là giờ về nghỉ, anh em bà con vẫn nhớ và hay đến thăm mình!
“Ông hữu nghị” ở miền Tây xứ Nghệ
Ngoài cái danh “khắc tinh của phỉ”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông Vừ Chông Pao còn được mệnh danh là “ông hữu nghị” ở miền Tây xứ Nghệ. Ở đất Nghệ An, đặc biệt đối với các anh em dân tộc thiểu số, ông có công lao nhiều lắm và được coi là một trong những cán bộ Mặt trận hội tụ đầy đủ các tố chất cần phải có. Lúc nghỉ công tác, ông không tìm đến nơi phồn hoa. Nơi ông về là xã Tà Cả, huyện Kỳ Sơn.
Sinh năm 1930, bước vào tuổi 18, cái tuổi bắt đầu biết thổi kèn lá để tìm vợ thì người dân ở đây gặp họa Vàng Pao. Lúc này Vàng Pao xưng vua, lôi kéo, ép buộc người Mông mọi miền trong đó có người Mông ở miền Tây xứ Nghệ theo hắn để làm loạn. Với khí phách và bản tính có uy tín trời sinh, Vừ Chông Pao xông xáo như con thoi đi lại giữa các vùng rát bỏng của miền Tây Nghệ An, khuyên nhủ người dân. Năm 1960, nơi đây ổn định. Ông đã được các đoàn thể cử làm Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn, một chức danh sáng cho người trẻ lúc bấy giờ.
Không lâu sau miền đất này lại nổi lên loạn phỉ có tên Châu Phà do Giàng Xay Xua cầm đầu. Quê hương bình yên lại lâm cảnh binh đao. Vừ Chông Pao lại vào trận. Sau loạn phỉ này, năm 1990, Vừ Chông Pao đã thành một trong những Đại biểu Quốc hội đầu tiên ở vùng thâm sơn cùng cốc này.
Ông Vừ Chông Pao.
Từ một người bình thường, với chí khí và đóng góp của mình, ông Vừ Chông Pao đã trở thành cán bộ danh tiếng. Hết Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch huyện, Đại biểu Quốc hội… danh vang đến tận Hà Nội. Nhưng lúc về hưu, ông cũng lại về mảnh đất heo hút của Kỳ Sơn. Bên mé chân đồi thôn Sơn Hà ấy, một nếp nhà giản dị đã được ông và các con dựng lên.
Ông lại trở thành một con người bình thường như những ngày đầu tìm đến với cách mạng. Ngôi nhà ấy, lúc nào cũng có ấm trà xanh để mỗi khi có người dân đi qua tạt vào ngồi uống cho đỡ khát. Và ngôi nhà bên mé đồi ấy, lúc nào cũng rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tiếng hỏi han của người dân với ông Vừ Chông Pao khi họ có chuyện cần chia sẻ.
Ông già Ma Lé
Một ngôi nhà cũ kĩ, nằm ở ngoại ô TP Hà Giang, là nơi ở của một con người nổi tiếng, một thời được phong là “lão tướng” có tên Sùng Đại Dùng.
Ra đi từ đá núi, quê mãi Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang), bằng khí tiết của mình, ông đã trở thành một cán bộ nổi tiếng. Không ít người hiện đang công tác ở Trung ương mỗi lần lên Hà Giang công tác cũng “đòi” đến thăm bằng được “lão tướng Sùng Đại Dùng” để xem con người bằng xương bằng thịt ấy thế nào mà uy tín thế.
Ông bà Sùng Đại Dùng.
Nhà nghèo, ham học, từ anh thanh niên tham gia mở đường Hạnh phúc, có công trong xóa bỏ cây thuốc phiện ở Hà Giang, ông trở thành lãnh đạo. Mà thời làm lãnh đạo, ông lại có duyên nhất với Mặt trận. Ông tham gia Mặt trận nhiều khóa và đặc biệt nhất là giữ chức Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Giang đến 2 nhiệm kì. Đến nay, ông là cán bộ duy nhất của Hà Giang nghỉ việc khi tuổi tròn 70 vì những uy tín của mình.
Nổi tiếng thế, đóng góp thế nhưng khi về già, gom hết tiền dành dụm ông mới mua được căn nhà tập thể hóa giá để làm chỗ dưỡng thân cho những ngày tháng cuối của đời. Căn nhà hẹp, vật có giá nhất là cái ti vi đời cũ, một bộ bàn ghế giản đơn và khay ấm pha trà cũng cũ rích. Nhiều lần tôi qua, bao đoàn khách từ các nơi tìm đến, ông vẫn dùng căn nhà, bộ bàn ghế và khay ấm pha trà ấy để tiếp khách. Nhưng từ những thứ đơn sơ, cũ rích ấy, sau khi gặp ông, được ông tiếp, người ta lại có cho mình một suy nghĩ để sống và càng trân trọng ông hơn.
Ngôi nhà ông chật lắm nhưng lại đông khách lắm. Đồng bào vùng cao xuống đi chợ, cán bộ họp, có công việc là tìm đến nhà ông trước khi tìm đến ủy ban. Ngoài thăm hỏi thì xin ngủ lại. Có hôm khách nhiều, chiếu rải hết xuống nền nhà vẫn không đủ, người ta còn lăn ra cả hiên. Những người chấp nhận cảnh “ăn nhờ, ở đợ” này có cả cán bộ.
Họ là người có tiền lương, có chế độ công tác, được Nhà nước cho ngủ khách sạn đấy nhưng cũng cứ thích về nhà ông để sống cảnh “lăn lê, bò toài”. Vì theo họ, về với ông như về với gia đình, lại còn được ông nói chuyện, truyền đạt kinh nghiệm.
Nói như anh Nguyễn Xung Kích, Ban Phong trào MTTQ tỉnh Hà Giang thì “tôi thường đến thăm hai bác, để vừa kiểm lại việc mình đã làm, vừa báo cáo xin ý kiến bác về kinh nghiệm”.