Chạy đua vào Nhà Trắng 2016: Nước Mỹ lưỡng lự
Năm 2016, nước Mỹ có quá nhiều việc phải giải quyết. Cuộc tranh cử Tổng thống sẽ là trục chính chi phối nhiều hoạt động của đất nước. Ông Obama sẽ phải rút lui sau 2 nhiệm kỳ. Liệu đương kim Tổng thống có thuyết phục được Quốc hội thông qua TPP, cũng như chủ trương “xoay trục” về châu Á- Thái Bình dương của ông. Và, vẫn còn đó cuộc chiến chống khủng bố, việc nên hay không đưa quân vào Iraq, Syria? Ứng xử ra sao trong vai trò “dẫn đầu thế giới” trong quan hệ với các nước lớn? cũng như nền kinh tế
Liệu đương kim Tổng thống Obama có kịp hoàn tất kế hoạch của mình trước khi rời khỏi Nhà Trắng?
1. Việc tranh cử Tổng thống nước Mỹ và rồi ai sẽ làm chủ Nhà Trắng không chỉ được người Mỹ quan tâm, mà trên thực tế đã là mối bận lòng của thế giới. “Cuộc chiến” tranh cử của Mỹ về nguyên tắc chỉ gồm đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nhưng luôn kịch tính cho đến phút chót.
Lần này, đảng Cộng hòa “chắc mẩm” sẽ chiến thắng, bởi vì theo thông lệ không một đảng nào giữ ngôi Tổng thống quá 2 nhiệm kỳ. Và như vậy thì “số phận” đảng Dân chủ đã được định đoạt. Tuy nhiên, đảng Dân chủ không bỏ cuộc mà lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên đường đua chông gai. Nếu chiến thắng, đảng này sẽ phá vỡ tiền lệ và cũng là lần đầu tiên nước Mỹ có nữ Tổng thống- nếu như bà Hillary chiến thắng.
Nhưng, tới thời điểm này vẫn chưa có gì để nói rằng ai sẽ trụ lại nổi trong cuộc đua cam go vào Nhà Trắng. Thời điểm những cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên để mở đầu quá trình chọn những ứng viên Tổng thống chính thức của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ cũng đã đến.
Cho tới đầu năm 2016 còn 15 ứng viên trụ lại: 3 ứng viên đảng Dân chủ và 12 ứng viên đảng Cộng hoà. Ban đầu, đảng Dân chủ có 6 ứng viên và đảng Cộng hoà có 17 ứng viên. Những người bỏ cuộc có nhiều lý do, trong đó có việc cạn tiền và thực hiện “đấu pháp” trong quá trình tranh cử của nội bộ đảng mình. Đáng chú ý, với đảng Dân chủ, đương kim Phó Tổng thống John Biden từ chối ra ứng cử vào phút cuối. Còn về phía đảng Cộng hoà, trường hợp rút lui gần đây là cựu Thống đốc bang New York George Pataki. Tại thời điểm này, vô số các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, không thể đoán trước được kết cục cuộc bầu cử Tổng thống lần này.
Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, nếu xét về gia tộc thì có thể ngôi vị Tổng thống Mỹ sẽ thuộc về gia tộc Bush hoặc gia tộc Clinton. Nhưng ứng viên đại diện cho gia tộc Bush là Jeb Bush giành được tỷ lệ ủng hộ quá thấp (4%). Trong khi đó, một “ngôi sao nóng” thuộc đảng Cộng hòa lại là tỷ phú Donald Trump. Khi mới tham gia đường đua, ông này bị dư luận Mỹ coi là “anh hề”. “Tất cả những tin tức về Trump đều không đáng đưa vào các chuyên mục nghiêm túc”- Tờ The Huffinton Post nói. Nhưng tới nay, Trump đã cùng Ted Cruz nổi bật là 2 ứng viên của đảng Cộng hòa. Còn ứng viên đại diện cho gia tộc Clinton là Hillary Clinton tuy bỏ cách khá xa ứng viên Bernie Sanders tới 30 điểm nhưng tỷ lệ không ủng hộ bà lại rất cao (51%).
Khi mà gương mặt sáng giá nhất chưa xuất hiện cũng có nghĩa tình hình chưa yên, người ta vẫn đợi những “chiêu hiểm” sẽ được đưa ra để hạ gục đối thủ vào phút chót.
2. Trong lúc đường đua vào ngôi vị Tổng thống Mỹ diễn biến khôn lường, thì ông Obama sẽ còn làm được gì? Đó là câu hỏi mà giới chính trị gia nước Mỹ đặt ra.
Thách thức ghê gớm đối với đương kim Tổng thống Obama rất nhiều, trong khi thời gian còn lại quá ít. Với Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình dương (TPP), ngày 5-10 đại diện đàm phán Mỹ và 11 nước hân hoan vui mừng vì một hiệp định mang ý nghĩa lịch sử sau thời gian đàm phán căng thẳng đã chính thức được thông qua. Tuy nhiên, dù thế thì “hòn đá tảng” cuối cùng lại thuộc về lưỡng viện Hoa Kỳ. Nếu các ông nghị lắc đầu thì công sức của Obama tan thành mây khói.
Cho tới nay, nhiều ý kiến trong chính giới Mỹ cho rằng, gia nhập TPP- cho dù với vai trò dẫn dắt đi chăng nữa thì Mỹ sẽ là quốc gia chịu nhiều thiệt thòi. Tổng thống Obama đang cố gắng thuyết phục chính giới rằng, hãy nhìn vào thế cục toàn cầu chứ không nên chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, đơn lẻ. Nhưng liệu lý lẽ của ông có tạo được “ép-phê” không, khi mà chẳng bao lâu nữa ông phải rời khỏi Nhà Trắng?
Ông Obama cũng sẽ còn phải bảo vệ chính sách “xoay trục” sang châu Á- Thái Bình dương. Tuy nhiên Hải quân nước này lại không tán đồng, vì trách nhiệm sẽ phải nhận lãnh là rất nặng nề. Và sau triều đại Obama, nước Mỹ sẽ ứng phó ra sao với các nước lớn, trong đó có Nga, Trung Quốc- vấn đề được coi là đang bỏ ngỏ.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, mà cụ thể là với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cho dù Mỹ ngày càng có thêm đồng minh, nhưng cũng vẫn là thách thức trong năm 2016. Việc có nên hay không đưa quân vào Iraq, Syria thực sự đau đầu, vì đó là quyết định không sửa sai nổi nếu như gặp bất cứ một sai lầm nào. Có lẽ hiểu điều đó nên ông Obama sẽ phải ngậm ngùi “bàn giao” công việc này cho người kế nhiệm?
Donald Trump và Hillary Clinton được coi là hai ứng cử viên nặng kí trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
3. Trong ngổn ngang công việc thì cũng có xem là “tạm yên tâm” với những dự báo khá tích cực đối với kinh tế Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng, trong 2016, Trung Quốc- nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ phát triển chậm lại (tăng trưởng không quá 6,8%); kinh tế Mỹ tuy tốc độ tăng trưởng không cao nhưng sẽ ổn định, chắc chắn. Tác động tích cực ấy của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khác, vì đây là thị trường nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa lớn nhất.
Cách đây không lâu (ngày 16/12/2015), khi niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ rõ ràng hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0%-0,25% lên 0,25%-0,5%. FED cũng dự báo lãi suất phù hợp vào thời điểm cuối năm 2016 là 1,375%, qua đó báo hiệu ít nhất 4 lần tăng lãi suất nữa trong năm. Theo Chủ tịch FED, bà Janet Yellen thì “nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chống chọi các biến động bất thường đến từ những diễn biến ở nước ngoài”. Bà Janet còn nhấn mạnh rằng, đây không phải là phép thử cho kinh tế Mỹ, mà dựa trên cơ sở vững chắc các điều kiện cần và đủ.
Theo giới chuyên gia, đối với nền kinh tế Mỹ 2016, cho dù cuộc tranh cử Tổng thống có gay go đến đâu đi chăng nữa và rồi sau đó ai thay ông Obama đi chăng nữa thì “quán tính tăng trưởng” vẫn sẽ vận hành.
Nhưng, người Mỹ bao giờ cũng thích phản biện. Cho dù dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế khá rõ nhưng vẫn không ít ý kiến lo ngại. William Spriggs- GS kinh tế ĐH Howard cho rằng FED đã phạm sai lầm khi tăng lãi suất. “Làm như vậy sẽ khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và người lao động bị tổn thương, giữa lúc các hộ gia đình vẫn đang trong quá trình phục hồi từ cuộc suy thoái”- ông W.Spriggs nói. Giới chuyên gia cũng cho rằng khi lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi những thị trường nhiều nước do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Theo Reuters, chỉ số USD (dùng để đo lường tương quan giá trị của USD với một rổ 6 đồng tiền mạnh) đã tăng 0,8% (cuối tháng 12-2015) và sẽ còn tiếp tục tăng. Còn theo AP, đồng USD tăng giá trị khiến những hàng hóa cơ bản được định giá bằng USD (trong đó đáng kể là dầu và vàng) trở nên đắt đỏ hơn, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường.
*
* *
Dự cảm gì về nước Mỹ năm này? Đương nhiên không thể có một đoan chắc nào. Nhưng, nhìn vào những gì nước Mỹ đang phải đối diện, đặc biệt là tác động kéo dài và ngấm sâu của cuộc tranh cử Tổng thống cho thấy rất có khả năng những dự định lớn, những kế hoạch lớn sẽ khó triển khai, hoặc là triển khai một cách “có chừng mực”. Nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới, nhìn phải nhìn trái khi hành xử, điều đó khiến nước Mỹ sẽ trở nên lưỡng lự.