Mang lại mùa Xuân cho người khuyết tật

Quốc Khánh - Nguyễn Nhân 07/02/2016 09:23

Với mục tiêu đem lại cơ hội, tạo việc làm cho những người khuyết tật, trẻ em bị tật nguyền có nghề nghiệp ổn định, có thể tự kiếm sống và hòa nhập với cộng đồng, Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ đang nhận đào tạo nghề cho hơn 100 học viên khiếm thính, khiếm thị trên địa bàn TP Cần Thơ.

Trong thời gian ngắn người khuyết tật có thể làm ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Tại đây, ngoài việc được học văn hóa, các em còn được học những ngành nghề yêu thích. Ngày đầu năm mới, Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) TP Cần Thơ mở “Phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật TP Cần Thơ” với sự tham gia của trên 100 người khuyết tật trong độ tuổi lao động đến tìm hiểu thông tin, cơ hội việc làm –mang lại mùa Xuân cho người khuyết tật.

Không còn buồn bã như những ngày đầu vào trường, em Thái Minh Quang (12 tuổi, học lớp 5) ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: “Năm học lớp 2, bỗng dưng mắt bị mờ nên không thể tiếp tục học văn hóa được. Sau khi được vào trường, thầy cô hướng dẫn 2 tuần, con đã xỏ được những cánh mai đầu tiên. Đến nay đã 2 năm, ngoài việc học văn hóa, học nghề con còn học đánh đàn. Thầy cô hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình từ việc xỏ dây, ghép cánh, tạo dáng, vô chậu các loài hoa như: cây mai, thược dược…. Các thầy cô dạy nghề cho trẻ em khuyết tật bằng cả tấm lòng yêu thương như người thân trong gia đình. Vì thế, các em nhanh chóng tiếp thu và gửi cả tâm hồn vào sản phẩm".

Ông Lương Thạnh Siêu, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ cho biết: “Trường nhận đào tạo rất nhiều ngành nghề như: May, thêu, thủ công mỹ nghệ, nữ công gia chánh, tin học, kết cườm, điện gia dụng…Hiện trường đang phát triển thêm ngành làm nail và hớt tóc. Nhiệm vụ của trường dạy thêm văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9 và dạy nghề cho các em. Đối với các em học sinh nghèo, cận nghèo sẽ được cấp 920.000 đồng/tháng trong 9 tháng và 1 triệu đồng kinh phí học tập. Những em học viên còn lại được hỗ trợ 575.000 đồng/tháng. Các em sau khi học nghề, ra trường và sinh sống bằng nghề được học sẽ được hỗ trợ phương tiện hành nghề. Hiện tại, tổng học sinh của toàn trường là 113 em, với 21 lớp, trong đó 106 là khiếm thính, 7 em khiếm thị. Hàng năm, số lượng học sinh nhập học tăng từ 15 – 20 em. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà trường tạo điều kiện cho các em học nghề, sắp xếp để các em học tập, vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng, thể trạng. Sau khi học nghề, học viên sẽ được nhà trường cấp giấy xác nhận đã qua đào tạo nên để đi xin việc”.

May và kết cườm là một trong những nghề được đông đảo học viên lựa chọn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổ trưởng Tổ dạy nghề cho biết: Với mục đích để các em có thể sống tự lực bằng nghề đã học, xây dựng môi trường thuận tiện để giúp các em sớm hòa nhập, lựa chọn nghề phù hợp nên thầy cô nơi đây luôn cải tiến phương pháp dạy học, kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành theo phương pháp tích cực. Mỗi tuần các em được học văn hóa 5 buổi và 2 buổi nghề vào chiều thứ hai, thứ năm. Mỗi năm, các em được thi sát hạch tay nghề 2 học kỳ. Các ngành được học viên lựa chọn nhiều nhất là may và kết cườm. Mỗi nghề sẽ được dạy theo từng công đoạn, từng sản phẩm. Trong quá trình học các em tạo ra sản phẩm để bán như: Kết cườm, cưa lọng. Tuy nhiên, trường gặp khó là đối tượng khuyết tật tiếp thu chậm, nhất là giao tiếp nên giáo viên ở đây phải hết sức kiên nhẫn.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các giáo viên mà nhiều em học sinh ở Trường Dạy trẻ khuyết tật TP.Cần Thơ đã nỗ lực vượt qua khó khăn bệnh tật, tiến bộ trong học tập, có nghề nghiệp, tự tạo ra những sản phẩm giá trị. Nhiều em nhờ có nghề nghiệp vững chãi, đã tự tạo thu nhập cho bản thân. Một số đã tách ra và đang bắt đầu khẳng định thành công trên đường đời của mình.

Vui mừng vì giảm bớt gánh nặng cho gia đình, học viên Nguyễn Hữu Trí (34 tuổi) ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ ra trường hơn năm nay và đang gắn bó với nghề may quần áo tại nhà. Trí cho biết: “Khi vào trường, em 11 tuổi, được dạy nghề. Khi ra trường, lẽ ra em xin vào làm ở một cơ sở lớn để làm kiếm tiền. Tuy nhiên, em nhận thấy có nhiều em nhỏ ở đây cần được giúp đỡ nên em xin ở lại để cùng các thầy, cô hướng dẫn các em. Dù nguồn hỗ trợ không lớn nhưng em làm được điều có ích và rèn luyện thêm vốn kiến thức cho bản thân”.

Được biết, mỗi ngày, Trí dành một buổi để phụ tiệm vải của gia đình và may quần áo cho người thân cũng như sáng tạo thêm một số mẫu mã mới. Buổi chiều, Trí vào trường để hướng dẫn cho các học viên cả về văn hóa và nghề may quần áo.

Có mặt tại Phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật TP Cần Thơ, ông Lương Thanh Siêu nhận xét: Đây là cơ hội giúp người khuyết tật có việc làm ổn định, tự tin hòa nhập tốt vào cộng đồng bằng việc tự tạo thu nhập cho bản thân. Các đơn vị tuyển dụng nhiều vị trí làm việc phù hợp với người khuyết tật như: kết cườm, kết trang sức, kết pha lê, thiết kế nữ trang, thiết kế đồ họa, marketing online, may mặc, làm tóc, massage, nhân viên nhặt lông yến, bán hàng... phù hợp với khả năng của người khuyết tật. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng còn thực hiện nhiều hoạt động hữu ích như: thông tin cơ hội học nghề, kỹ năng việc làm cần tuyển dụng phù hợp người khuyết tật; tư vấn, hướng dẫn kỹ năng tiếp xúc nhà tuyển dụng qua mạng Internet; lập hồ sơ dự tuyển, dựng hình ảnh cá nhân của người tìm việc trước nhà tuyển dụng;….

Quốc Khánh - Nguyễn Nhân