Cao Xuân Sơn, một nét vẽ đầu xuân

Lê Minh Quốc 08/02/2016 14:25

“Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi” (Nguyễn Công Trứ). Bạn bè văn nghệ của tôi có tài gì? Câu hỏi ấy hóa ra rất thừa, bởi lẽ, dưới gầm trời này, trông ra sáu cõi hỗn mang của trời đất, ai lại không biết Cao Xuân Sơn vốn là tay thơ thứ thiệt? Thơ vận vào người. “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Câu thơ của Hàn Mặc Tử vụt ngang qua trí nhớ khi nhớ đến bạn mình, như một lẽ tự nhiên. 

Cao Xuân Sơn, một nét vẽ đầu xuân

Từ nhiều năm nay, Cao Xuân Sơn vẫn là một người đứng ra ngoài mọi thị phi, náo nhiệt, ồn ào. Thế nhưng, nếu cần, vì bạn bè, anh cũng không kém gì ai nhất là trong nhưng cuộc vui thân tình tràn ngập men say bốc lên óc và những câu thơ lại vọng đến. Lúc ấy, chỉ có thơ. Nếu có ai đó, quan sát lúc các nhà thơ ăn nhậu ồn ào, ắt sẽ kinh ngạc không rõ vì đâu những câu chữ du dương cứ mãi tuôn trào một cách lớp lang, chỉnh chu?

Cao Xuân Sơn cũng thế. Có điều, đáng sợ, đáng nể nhất không rõ đọc từ lúc nào, nhớ từ khi nào mà lúc ấy, Sơn có thể đọc vanh vách các bài thơ theo yêu cầu của bạn bè. Làm sao có thể quên, lúc ngoài trời đang mưa tầm tã. Cao hứng lên, Sơn đọc vanh vách luôn những bài thơ Đường. Tiếng đọc thơ của anh, dù nhỏ nhưng đã khiến thiên hạ đang ồn ào, phải lặng đi, im phăng phắc. Và lắng nghe thơ. Phải nói rằng, Sơn là người có trí nhớ cực tốt.

Trong trí nhớ ấy, nếu chia nhiều ngăn, chắc chắn có thơ. Tận sâu thẳm tâm hồn của Sơn vẫn là thơ. Chính vì thế, trong phép ứng xử với nhau cũng thơ nốt. Chẳng hạn, vào một chiều trời mưa dầm dề, lúc tôi đang đặt dấu chấm xuống trang Nhật ký, lập tức một cuộc điện thoại của Sơn gọi đến: “Rượu đỏ nhé?”. Thân tình ấy, khiến cảm động không nguôi. Sơn là vậy. Dù không nhiều lời, ít gặp nhau nhưng anh hiểu và hiểu rất rõ về bạn. Bạn đang vui hay buồn. Chỉ đọc loáng qua những gì bạn vừa viết, đã viết là anh có thể cảm nhận được ngay.

Thế đấy, ai dám bảo nhà thơ vốn lơ tơ mơ thả tâm hồn bay lên cõi địa đàng với cây đàn lia (lyre), chứ không hề dẫm chân dưới đất?

Từ cây đàn ấy, những bài thơ của anh rung lên những câu thơ nhói lòng: “Nghiêng mình dốc cạn chiêm bao/ Bóng ai trên vách… hao hao bóng mình”. Trong thần thoại Hy Lạp, Orpheus phải xuống tận địa phủ đi tìm Eurydice. Sơn cũng đi nhưng anh đi qua tâm hồn của chính anh. Hình bóng xa khuất ấy cũng là bạn của tôi, của Sơn từ những ngày trai trẻ. Vì thế, đọc những câu thơ ấy cứ rưng rưng mãi. Rồi, Sơn lại yêu. Ai cũng thế. Tình yêu lại đến cũng là lúc mở ra những cảm hứng mới cho Thơ và Đời.

Đời lặng lẽ và giản dị như chính Sơn đã cảm nhận: “Nẩy tự bùn đen hoa vẫn sen/ Sắc hương lịm tắt cả sang hèn/ Từ đâu duyên khởi, anh nào biết?/Chỉ biết từ em, nắng mới nhen”. Đọc những câu thơ ấy, cám ơn nhà thơ ư? Không, phải cám ơn người phụ nữ đã đem lại cho Sơn cảm xúc trong trẻo ấy. Dù rằng, một mảng thơ của Sơn là thế sự, một mảng khác là thơ dành cho thiếu nhi, nhưng tôi vẫn thích nhất, nhớ nhất thơ tình: “Thôi mặc kệ một ngày hay một kiếp/ Chỉ đã kim, hương đã lửa, nước đã bèo/ Mình có nhau, đời thêm nhộn nhịp/ Và bốn mùa yêu dấu cũng về theo”. Nghe nhẹ nhàng, xao xuyến và cứ vang ngân mãi.

Trong móng tay của nhiều nhà thơ đã thành danh tại Sài Gòn, tôi đồ rằng vẫn còn đó một chút bùn của quê nhà trên đồng cạn dưới đồng sâu, thì Cao Xuân Sơn cũng thế. Sâu thẳm trong anh những ngày nắng hanh khô tại Sài Gòn, muốn uống một chai vang đỏ phải ngồi phòng máy lạnh, ai biết rằng, lúc ấy, giữa ngày xuân xanh phơi phới mà trong lòng thi sĩ đang rét mướt những giọt mưa phùn ở Hà Nam xứ Bắc? “Anh nhắm mắt nghe mưa / đếm từng cơn nghẹt thở” như chính anh đã tự thú.

Phải thế bạn mình ơi, có như thế, cuối cùng sự còn lại ở đời sống này là gì, nếu không là thơ?

Lê Minh Quốc