Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Sẽ viết tiếp câu chuyện về làng Ngọc

Hoàng Minh (thực hiện) 04/02/2016 22:50

Bước vào nghề viết khá muộn, hơn 40 tuổi mới bắt đầu cầm bút nhưng những trang viết của Trần Thanh Cảnh đã sớm để lại dấu ấn riêng. Mới đây tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc” của anh đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 ở thể loại văn xuôi. Nhân dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà văn vào nghề muộn nhưng “chín sớm” này. 

PV: Xuất phát từ ý tưởng nào mà anh đã viết nên tác phẩm “Kỳ nhân làng Ngọc”?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Sẽ viết tiếp câu chuyện về làng Ngọc

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Đầu tiên tôi muốn chia sẻ niềm vui được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam tới các bạn đọc yêu quý trên khắp mọi miền đất nước. Trước khi in và viết cuốn “Kỳ nhân làng Ngọc” (NXB Trẻ) tôi đã từng viết, in một tập truyện ngắn mang tên “Đại gia”. Nhưng tập truyện ngắn “Đại gia” hoàn toàn do tôi tự viết, tự in, tự xin giấy phép, không phát hành chỉ để tặng bạn bè.

Sau khi tập truyện ngắn “Đại gia” ra đời thì một số bạn bè có đọc, đặc biệt là anh Đoàn Lê Giang, Sương Nguyệt Minh, Văn Giá đều “xui” tôi nên viết tiếp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần, hơn cả vì tôi thấy rằng từ lâu mình cũng nung nấu viết một câu chuyện về chính ngôi làng của mình.

Một ngôi làng đặc thù của vùng Kinh Bắc. Ngôi làng ngày xưa rất đẹp, rất thơ mộng, nhiều con người nổi tiếng và rất nhiều điều hay… nhưng đến giờ phút này ngôi làng đó đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ít nhiều đã bị biến dạng, méo mó.

Chính vì nguyên nhân đó, thông qua ngôn ngữ văn học tôi muốn lưu giữ lại những ký ức về ngôi làng của mình. Ở đó là về những phong tục, tập quán, văn hóa Kinh Bắc. Đặc biệt là những con người, nhân vật đã trải qua mấy chục năm “bể dâu” của đất nước. Trong cuốn sách tập hợp của nhiều chuyện bi, hài kịch, thậm chí chính kịch về những con người hào hùng, nhưng cũng rất bi thương.

Theo anh đâu là lợi thế lớn nhất khiến “Kỳ nhân làng Ngọc” chiếm được cảm tình của độc giả, để rồi mới đây được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 ở thể loại văn xuôi?

- Như tôi đã nói, “Kỳ nhân làng Ngọc” là tập truyện mà tôi viết về chính ngôi làng của mình. Trong tác phẩm là gần như các nhân vật đều có thật ngoài đời. Xin chia sẻ thêm, sau khi cuốn sách được phát hành rất nhiều người ở làng tôi đọc tác phẩm đều chỉ ra được cụ thể đây là nhân vật nào. Mặc dù, với những người cầm bút không được phép nêu tên thật, địa chỉ thực tế.

Ví dụ như câu chuyện được lấy làm tiêu đề của cuốn sách là “Kỳ nhân làng Ngọc” thì đấy là một nhân vật thật đến khoảng 80%. Tất cả mọi người đều nhận ra và đây là nhân vật có thật trong lịch sử của Sư đoàn quân tiên phong - Sư đoàn 308 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh trận Khe Sanh.

Sau thành công của “Kỳ nhân làng Ngọc”, sắp tới anh sẽ có một kế hoạch dài hơi với văn chương?

- Với những chất liệu trong cuộc sống rất nhiều như vậy, trước đó tôi đã có dự định sẽ viết 3 cuốn sách riêng về làng Ngọc. Cuốn đầu tiên là “Kỳ nhân làng Ngọc”, tiếp theo là sẽ “Mỹ nhân làng Ngọc”. Hiện nay “Mỹ nhân làng Ngọc” đã được NXB Trẻ biên tập, làm bìa, in đang chuẩn bị ra mắt. Còn cuốn thứ 3, mặc dù chưa có tiêu đề nhưng đã hoàn thành xong phần bản thảo và sẽ chuyển cho NXB trong thời gian tới đây.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Sẽ viết tiếp câu chuyện về làng Ngọc - 1

Cuốn sách “Kỳ nhân làng Ngọc”.

Trước thềm năm mới muốn hỏi anh: là một người hoài niệm và muốn lưu giữ lại ký ức, anh nghĩ sao về cái Tết xưa và nay?

- Tết quê xưa, quan trọng nhất là phải có nồi bánh chưng to. Khách đến nhà chúc tết, sẽ được gia chủ mời nếm bánh thật chân tình: “Bác nếm miếng bánh nhà em lấy may”. Thế nên công đoạn gói bánh bố tôi làm kỹ càng lắm.

Mẹ tôi ra giếng rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ. Bố tôi lấy những tảng thịt lợn ba chỉ, thái đều thành những miếng to, ướp hạt tiêu, nước mắm, mì chính để làm nhân bánh cùng với đỗ xanh. Ông trải một chiếc chiếu ra giữa nhà, ngồi khoanh tròn gói bánh. Nghiêm trang và cẩn trọng.

Anh chị em tôi ngồi xúm xít xung quanh xem ông gói bánh. Bố tôi thành người thiên cổ đã mấy chục năm, nhưng mỗi độ xuân về, cái dáng ông ngồi chăm chú cẩn thận gói gém, vuốt ve từng cái bánh chưng xanh rờn lá dong, vuông vức có lẽ tôi không bao giờ quên được…

Tết ở làng tôi nay chả còn tục hàng xóm rủ nhau đụng lợn. Các ông chủ nhà không còn bữa rượu cuối năm với tiết canh lòng lợn nóng hổi đưa cay với nhau. Nhà nào cũng ra chợ, mua một nhoáng là đủ thịt gà, thịt lợn, giò chả làm sẵn… Dẫu vậy trong cảm nhận thì Tết ở làng tôi, xưa nay vẫn vui. Vẫn rưng rưng bồi hồi khi nhìn mưa xuân lất phất bay trong gió. Cái ăn cái mặc cái chơi tết nay đã khác xưa nhiều. Nhưng hồn tết quê hình như vẫn thế.

Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Minh (thực hiện)