Khẩn cấp chi 8,5 triệu USD phòng chống virus Zika
Bộ trưởng Y tế 14 nước Mỹ Latinh đã nhóm họp tại thủ đô Montevideo của Uruguay ngày 3/2, để cùng bàn biện pháp tăng cường phối hợp hành động chống sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh do virus Zika gây ra tại khu vực.
Việc phun thuốc muỗi chỉ tiêu diệt được muỗi trưởng thành
chứ không diệt được bọ ngậy.
Phát biểu khai mạc Hội nghị được Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC) triệu tập khẩn cấp, Ngoại trưởng Uruguay Rodolfo Nin Novoa kêu gọi Chính phủ các nước Mỹ Latinh cần đưa ra những biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu hơn nữa để đối phó với dịch virus Zika. Ông kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về virus Zika, góp phần phòng chống sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (OPS) Carissa Etienne thông báo tổ chức này sẽ dành 8,5 triệu USD cho các nước ở khu vực phòng chống virus Zika. Cho tới nay, OPS đã chi khoảng 850.000 USD cho chiến dịch này, tuy nhiên cần nhiều nguồn tài trợ hơn nữa và kêu gọi các tổ chức đóng góp ủng hộ cuộc chiến chống muỗi Aedes.
Bà Etienne cũng bày tỏ lo ngại về khả năng có sự liên quan giữa virus Zika với bệnh teo não ở thai nhi bẩm sinh khi các bà mẹ có thai bị bệnh, đồng thời nhấn mạnh rất khó để xác định số lượng chính xác các bệnh nhân nhiễm virus Zika bởi một trong bốn bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào của bệnh. Hiện châu Mỹ có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh.Theo bà Etienne, việc phun thuốc muỗi chỉ tiêu diệt được muỗi trưởng thành chứ không diệt được bọ ngậy, do đó cần kêu gọi người dân lưu ý không để nước tù, nước đọng xung quanh nơi ở.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh Zika do muỗi lây truyền đang bùng phát mạnh mẽ tại các quốc gia châu Mỹ, với số lượng các ca nhiễm bệnh có thể sẽ lên tới 4 triệu ca trong năm nay. Hiện đã có 29 quốc gia Mỹ Latinh có người bị bệnh. Tuy các triệu chứng mắc bệnh không đáng ngại khi người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, đau người và phát ban nhưng virus Zika được cho là nguyên nhân để lại di chứng nặng nề đối với thai nhi, gây ra tình trạng đầu và não nhỏ bất thường, có thể khiến trẻ tử vong khi mẹ các em nhiễm bệnh.
Cũng ngày 3/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước châu Âu cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn virus Zika gây bệnh teo não ở trẻ sơ sinh lan rộng ra châu lục này.
Trong thông báo, Giám đốc WHO châu Âu Zsuzsanna Jakab kêu gọi các nước châu Âu hãy phối hợp hành động để kiểm soát tình hình muỗi Aedes aegypti truyền virus Zika tại “lục địa già,” nơi điều kiện môi trường vốn không đặc thù cho loài muỗi này sinh sống. Các biện pháp có thể thi hành bao gồm tuyên truyền ra cộng đồng để xóa bỏ môi trường sinh sản của muỗi, phun thuốc diệt muỗi và tiêu diệt ấu trùng muỗi. WHO xác nhận nguy cơ muỗi Aedes aegypti xâm nhập vào châu Âu, trong đó có qua các du khách trở về từ vùng dịch châu Mỹ, ở mức thấp trong mùa đông, song khi mùa xuân đến, nhiệt độ tăng lên thì nguy cơ cũng sẽ tăng theo.
WHO cũng bày tỏ sự quan ngại về báo cáo xác nhận ca virus Zika lây truyền qua đường tình dục tại Mỹ và kêu gọi tiến hành điều tra thêm đối với loại virus gây teo não ở trẻ này. Ca lây nhiễm virus Zika ở Mỹ được phát hiện tại Dallas, bang Texas và theo giới chức y tế địa phương, bệnh nhân dường như bị nhiễm bệnh do quan hệ tình dục chứ không phải bị muỗi đốt như các trường hợp khác.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 3/2 yêu cầu các cơ quan chức năng nước này ban hành hướng dẫn đi lại cho công dân cần đi tới những nước đang có dịch Zika.Tổng thống Widodo cũng hối thúc người dân sớm đi kiểm tra nếu xuất hiện dấu hiệu đáng ngại cũng như cơ quan chức năng phản ứng kịp thời với các trường hợp nghi nhiễm Zika. Indonesia đã có một trường hợp nhiễm virus Zika, là một người đàn ông 27 tuổi, song Bộ trưởng Y tế Nila Moeloek cùng ngày cho biết người bệnh này đã được chữa khỏi.