Bầu cử Tổng thống và tương lai đối ngoại Hoa Kỳ
Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã chính thức bắt đầu khi Iowa trở thành tiểu bang đầu tiên diễn ra bầu cử sơ bộ. Trong vòng bầu cử này, các cử tri hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ sàng lọc, chọn ra một ứng cử viên duy nhất cho đảng mình đứng ra tranh cử vị trí ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Tỉ lệ ủng hộ của cử tri đảng Dân chủ
Hillary Clinton | 51,9% |
Bernie Sanders | 35,5% |
Martin O'Malley | 2,2% |
Tỉ lệ ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa
Donald Trump | 37,4% |
Ted Cruz | 17,5% |
Marco Rubio | 10,0% |
(Theo số liệu cập nhật ngày 20/1/2016 của Huffington Post)
Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay hứa hẹn nhiều bất ngờ, với một tập hợp ứng cử viên phong phú về thành phần. Có nam giới và có phụ nữ. Có người da trắng và người da màu. Có người sinh trưởng trong gia đình tị nạn gốc Cuba và gia đình nhập cư gốc Ấn Độ. Có tỷ phú nhà đất và bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Có chính trị gia kỳ cựu và có cả gương mặt non trẻ mới bước chân vào làng chính trị.
Giới cá cược Mỹ đang đặt niềm tin vào chiến thắng của cựu đệ nhất phu nhân kiêm cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, và niềm tin ấy không phải không có cơ sở. Đối thủ chính của bà Clinton trong nội bộ đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, được cho là quá tả để có thể trở thành Tổng thống Mỹ. Còn về phía đảng Cộng hòa, một loạt cái tên hoặc non trẻ, hoặc mờ nhạt, hoặc thiếu sức hút cũng khiến người ta khó lạc quan về triển vọng trở thành chủ nhân Nhà Trắng của những ứng cử viên này. Tỷ phú Donald Trump, người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò cử tri đảng Cộng hòa, thì giống như một trò đùa hơn một sự lựa chọn nghiêm túc.
Nhưng chiến thắng ngoạn mục của Tổng thống Barack Obama năm 2008 cho thấy cơ hội có thể mở ra với những nhân tố mới biết tỏa sáng đúng lúc. Dù tổng thống Mỹ sắp tới đến từ phe Xanh - đảng Dân chủ, hay phe Đỏ - đảng Cộng hòa, thì những đổi thay đáng chú ý cũng có thể diễn ra trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Các ứng cử viên tranh cử của đảng Dân chủ:
Hillary Clinton, Bernie Sanders, Martin O'Malley.
Các ứng cử viên tranh cử của đảng Cộng hòa:
Donald Trump, Ted Cruz, Marco Rubio.
Cuộc chiến chống IS
Nếu Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS không sụp đổ trong năm nay, thì lực lượng này có thể sẽ phải đối mặt với sự cứng rắn và quyết liệt hơn từ Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống mới năm 2017. Bà Hillary Clinton, trong những năm sát cánh bên Tổng thống Obama với vai trò ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã liên tục vận động cho việc củng cố hơn nữa một vai trò cứng rắn của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Syria. Trước truyền thông, bà Clinton từng bày tỏ sự bất mãn về việc Tổng thống Obama đã không đầu tư hơn nữa về vũ khí và huấn luyện cho quân nổi dậy Syria lật đổ Tổng thống Bashir al Assad ở giai đoạn đầu của cuộc chiến. Theo bà, đây là một cơ hội đã tuột khỏi tầm tay.
Để giải quyết vấn đề Syria, bà Clinton đưa ra giải pháp thiết lập một vùng cấm bay nhằm ngăn chặn các cuộc không kích của quân đội chính phủ Syria, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy và đẩy mạnh hoạt động tình báo. Mục tiêu của cựu ngoại trưởng rất rõ ràng: đó không chỉ là IS, mà còn là chính phủ của ông Assad.
Đồng quan điểm với Hillary Clinton là ứng cử viên 44 tuổi Marco Rubio, thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Florida. Được mệnh danh là “Barack Obama của đảng Cộng hòa”, Marco Rubio hiện đang đứng trong top 3 những ứng cử viên nặng ký nhất của phe Đỏ.
Tuy nhiên, nếu chiến thắng thuộc về một ứng cử viên nặng ký khác trong đảng Cộng hòa là thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, thì hoạt động tham chiến của Mỹ ở Syria có thể rẽ theo hướng khác. Ted Cruz có niềm tin chắc chắn rằng “nếu Assad bị lật đổ, thì kết quả sẽ là IS cướp quyền kiểm soát Syria, làm lung lay các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. Chính sách chống khủng bố của chính quyền Cruz sẽ tập trung vào việc tiêu diệt IS và không can thiệp vào các chính phủ trong khu vực cũng như mối hiềm khích giữa người Sunni và người Shiite.
Nga, Ukraine và vùng Baltic
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây tại vùng Baltic đang có phần lắng xuống giữa cơn bão truyền thông về IS. Nhưng dưới chính quyền của người kế nhiệm Tổng thống Obama, nhiều khả năng vấn đề này sẽ nóng trở lại. Cả bà Hillary và hai ứng cử viên triển vọng hàng đầu của đảng Cộng hòa đều có chung quan điểm rằng chính quyền Obama đã có phần thụ động, và cần phải hành động nhiều hơn nữa để Nga từ bỏ ý định “vẽ lại biên giới châu Âu”. Các ứng cử viên Ted Cruz và Marco Rubio đều từng bày tỏ ý kiến rằng Mỹ cần cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine để chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy đòi ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông. Về phần cựu ngoại trưởng Clinton, bà cũng cho rằng cần phải hỗ trợ tài chính và quân sự nhiều hơn nữa cho Ukraine, để không tái diễn một kịch bản sáp nhập Crimea ở bất cứ một nơi nào khác. “Nếu ông ấy [Tổng thống Putin] có thể làm điều này trót lọt, tôi e rằng rất nhiều nước khác sẽ rơi vào tình thế hoặc phải trực tiếp đối đầu với sự gây hấn từ Nga, hoặc phải chịu nương theo hệ thống chính trị của nước này… và như vậy họ sẽ trở thành những nước chư hầu chứ không còn là những nước tự chủ nữa”, bà Hillary từng phát biểu.
Tuy nhiên, sự việc có thể sẽ diễn biến theo một hướng khá bất ngờ và thú vị nếu vị trí chủ nhân Nhà Trắng rơi vào tay tỷ phú Donald Trump, hiện đang tạm dẫn đầu trong cuộc đua của các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Trái ngược với số đông các chính trị gia Hoa Kỳ, ông Donald Trump có quan điểm rằng xung đột Nga - Ukraine là “vấn đề của châu Âu”. Với tuyên bố: “Tôi sẽ rất hòa hợp với Vladimir Putin”, Donald Trump có lẽ là ứng cử viên duy nhất công khai bày tỏ thiện cảm với chủ nhân điện Kremlin.
…và chính sách “xoay trục sang châu Á”
Sau gần 5 năm nội chiến, Tổng thống al Assad vẫn có chỗ đứng vững trên bàn cờ chính trị Syria. Với sự tham chiến của Nga, ngày ra đi của ông chỉ là một tương lai xa vời. Còn trên chiến trường Ukraine, Tổng thống Nga Putin đang ngày càng chứng minh một cá tính không dễ khuất phục. Tổng thống tương lai của Mỹ, dù đến từ phe Xanh hay phe Đỏ, cũng rất khó đạt được dấu ấn chính trị nổi bật nào tại những khu vực này.
Nếu bà Hillary Clinton, trong cương vị nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, muốn để lại một di sản đối ngoại đánh dấu nhiệm kỳ của mình, thì đó rất có thể sẽ là những thành quả trong việc thực hiện chính sách “xoay trục đối ngoại sang châu Á”. Chính sách này được chính quyền Obama đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, tuy nhiên kết quả đạt được cho tới nay khá khiêm tốn. Đáng kể nhất có thể nói đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng hiệp định này cũng mang dấu ấn Obama nhiều hơn là dấu ấn Clinton, khi bản thân bà Clinton đã công khai tuyên bố không ủng hộ.
Trong lúc này, Trung Quốc đang nỗ lực đẩy cộng đồng quốc tế vào “thế đã rồi” khi tăng cường hoạt động cải tạo đảo chiếm đóng phi pháp ở biển Đông. Đây là thách thức, cũng là cơ hội để Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc tham gia giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Đối với bà Clinton, việc tiếp tục thực thi chính sách “xoay trục sang châu Á” còn thể hiện sự nhất quán trong tầm nhìn và hành động của người phụ nữ được lựa chọn đứng đầu nước Mỹ.
Trong trường hợp chiến thắng thuộc về một ứng cử viên phe Cộng hòa, thì chính sách “xoay trục châu Á” có thể bị xóa bỏ hoặc gác lại. Thực tế cho thấy trong các cuộc tranh luận vừa qua giữa các ứng cử viên Cộng hòa, chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại khu vực châu Á không được đề cập đến nhiều, và bị lu mờ bởi các vấn đề khác như nhập cư và chống khủng bố.