Gà tiến vua, có tiền mua không dễ
Từ lúc gà nở cho đến khi gà được thịt, thời gian nuôi kéo dài đến 1 năm. Và đây cũng là một lý do tại sao thường đến Tết, người dân mới có gà Hồ để bán.
Anh Nguyễn Văn Trường bên cạnh cặp gà giống của mình.
Tương truyền, ngày xưa, cứ mỗi dịp Tết đến, người dân làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) lại đem tiến vua thứ đặc sản của làng mình: Gà Hồ. Còn ngày nay, cứ vào dịp Tết cổ truyền, người dân làng Lạc Thổ đều cố gắng có một con gà Hồ đẹp bày lên mâm cúng tổ tiên và mâm lễ ra đình. Trong hai ngày 9-10/2 âm lịch, hội làng Lạc Thổ lại mở, Ban Tổ chức lễ hội sẽ chọn 10 cặp gà đẹp nhất làng ra trưng bày...
Giống gà đứng đầu trong 5 loại gà tiến vua
Qua lời giới thiệu của một người quen, chúng tôi tìm về nhà anh Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch CLB gà Hồ, đồng thời là Phó Chủ nhiệm HTX chăn nuôi gà Hồ - hiện là người sở hữu số lượng gà Hồ lớn nhất.
Ông chủ của đàn gà Hồ lớn nhất làng Lạc Thổ này mới ngoài 30 tuổi và anh cũng chỉ bắt đầu nuôi gà Hồ từ năm 2010. Tuy nhiên, anh Trường cho hay, gia đình anh có truyền thống nuôi gà Hồ, đời anh là đời thứ 3 nuôi và bảo tồn giống gà quý này.
Anh nói: "Khi ra ở riêng, tôi đã xin bố tôi một "gia đình" gà Hồ (gồm có 1 trống và 4 mái). Sau đó, số lượng gà tăng lên, nhiều người dân trong làng thấy gà đẹp liền hỏi mua. Do có quá nhiều người hỏi mua mà số lượng gà lại có hạn nên từ đó, tôi quyết định nhân giống để bán".
Theo anh Trường, một con gà Hồ trống thuần chủng phải có các đặc điểm: chân cao, thân trường, cân nặng đạt từ 4 kg trở lên, đầu công, cổ dài, mã mận, đuôi nơm, chân màu vỏ đậu nành, mào xít (như quả nhót), có nhiều loại mỏ nhưng đẹp nhất là mỏ trắng mà người ta hay gọi là mỏ ngà.
Còn một con gà mái Hồ đẹp phải có chân tròn, màu đậu nành, cân nặng từ 3 kg trở lên. Gà mái có 3 loại mã: mã thó (trắng giống màu đất thó), mẽ sẻ (giống màu chim sẻ), mã nhãn (màu giống quả nhãn chín).
Và đó cũng chính là những tiêu chuẩn để mọi người có thể phân biệt đâu là gà Hồ thuần chủng, đâu là gà lai.
"Thường, một con gà không thuần chủng, với chế độ nuôi tốt thì có thể đạt đến 4 kg nhưng rất khó đạt đến trọng lượng 5 kg.
Đây là một giống gà đứng đầu trong 5 loại gà tiến vua: gà Hồ (Bắc Ninh), gà Chín cựa (Phú Thọ), gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Mía (Sơn Tây, Hà Nội), gà Tò (Thái Bình)...
Ảnh lưu niệm lần thi gà tại Hội làng Lạc Thổ của anh Trường.
Quy ước bất thành văn giữa những người nuôi gà Hồ
Nhiều người dân nơi đây cho biết một con gà Hồ, từ lúc nở cho đến lúc được thịt phải mất thời gian nuôi từ 11 tháng trở lên. Nếu thịt sớm hơn, trọng lượng gà cũng đã lớn nhưng thịt cũng chưa ngọt. Theo kinh nghiệm, gà trống từ 11 tháng trở lên, bắt đầu nảy cựa thì đó là thời điểm thịt gà ngon nhất.
"Trong câu lạc bộ gà Hồ, tôi là người nuôi nhiều nhất. Gà Hồ được nuôi trong dân là chính với diện tích nuôi không mở rộng nên tỉ lệ đàn là thấp. Thông thường các gia đình có khoảng 2 "gia đình" gà: 8 con mái và hai con trống", anh Trường nói.
Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi về cách dùng từ "gia đình" cho gà, anh Trường cười và giải thích: "Một con gà trống to thì khả năng sinh sản giao phối chậm hơn so với các con gà khác nên phối nhiều gà mái hơn thì hiệu quả không cao. Còn nếu chỉ có một con gà mái thì con trống thường to hơn con mái nên khi giao phối, con gà mái có thể sẽ rách lưng, chạy dẫn đến tỷ lệ nở gà rất thấp. Vì thế, tỷ lệ ghép gia đình hợp lý là 1 trống, 4 mái".
Đặc biệt, theo như lời anh Trường, việc nuôi gà có rủi ro nhiều và không nói trước được điều gì nên đối với những người cùng nuôi gà Hồ, đã từ lâu nay, khi bán gà để làm giống cho nhau thì luôn có một quy ước bất thành văn: Nếu đàn gà của người bán mà bị chết thì người mua phải ưu tiên để lại gà giống cho người đã bán.
Anh Trường cho biết hiện giá gà Hồ thương phẩm trong dịp sát Tết này từ 400 - 500.000 đồng/kg.
Nhưng theo anh Trường, để mua được gà Hồ vào thời điểm cận Tết cũng không dễ bởi nhà nuôi nhiều thì phần lớn đã được đặt hàng trước, còn những gia đình nuôi ít thì đa số không bán mà giữ lại để gia đình dùng trong dịp Tết và mang lễ ra đình trong ngày hội làng.
Bức ảnh về con gà trống được chọn làm biểu tượng
cho thương hiệu gà Hồ của anh Trường.
Gà quý nhưng không có nhiều người nuôi
Dù quý là vậy nhưng, cho đến nay, số lượng cá thể gà Hồ thuần chủng còn lại ở vùng quê này cũng không quá vài nghìn. Theo nhiều người dân nơi đây, gà Hồ tương truyền có lịch sử hơn 600 năm. Và dù được coi là "thủ phủ" của giống gà này song ở huyện Thuận Thành, số lượng người nuôi không nhiều, đa số mô hình nuôi theo hộ gia đình. Mỗi hộ trung bình nuôi khoảng 10 con, người nuôi nhiều thì có khoảng 200-300 con.
Khi chúng tôi hỏi về lý do dù đã có chương trình nghiên cứu và bảo tồn giống gà quý này nhưng đàn gà Hồ hiện nay vẫn phát triển chậm, anh Trường cho biết: "Lý do nuôi được ít là do giống gà này sinh sản kém. Một con gà mái chỉ đẻ từ 8-10 quả trứng, con nào nhiều thì đẻ 12 quả. mà gà mái ấp vụng. Tỉ lệ nở thấp".
Ngoài những nguyên nhân trên, trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Lý - một người nuôi khá nhiều gà Hồ cũng cho biết thêm, một lý do khiến đàn gà Hồ khó phát triển mạnh với điều kiện nuôi như hiện nay chính là công chăm sóc quá nhiều.
Hiện, nhà cô Lý nuôi khoảng 30 chục con gà Hồ cả trống và mái. Cô Lý cho hay: "Từ lúc gà nở cho đến khi gà được thịt, thời gian nuôi kéo dài đến 1 năm. Và đây cũng là một lý do tại sao thường đến Tết, người dân mới có gà Hồ để bán".